1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lầu Năm Góc lên tiếng về khả năng Ukraine dùng vũ khí Mỹ để lấy lại Crimea

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2,17 tỷ USD, trong đó lần đầu tiên bao gồm các tên lửa tầm xa.

Lầu Năm Góc lên tiếng về khả năng Ukraine dùng vũ khí Mỹ để lấy lại Crimea - 1

Bom GLSDB có tầm bắn tới 150km (Ảnh: SAAAB).

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder ngày 3/2 cho biết, gói viện trợ quân sự mới trị giá gần 2,2 tỷ USD bao gồm Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), có tầm bắn 150km. Đây là lần đầu tiên Mỹ viện trợ vũ khí tầm xa này cho Ukraine.

GLSDB có thể giúp quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi khả năng tiếp cận của các tên lửa phóng từ tổ hợp pháo cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp. Nó sẽ cho phép Kiev tập kích vào tuyến tiếp tế của Nga ở phía đông, cũng như một phần bán đảo Crimea.

Khi đó, Nga sẽ phải di chuyển nguồn tiếp tế ra xa tiền tuyến hơn, khiến binh sĩ của họ dễ tổn thất hơn và khiến bất kỳ kế hoạch nào cho một cuộc tấn công mới cũng trở nên khó khăn hơn.

"Điều này mang lại cho họ khả năng tấn công tầm xa hơn, cho phép họ tiến hành các hoạt động bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình", ông Ryder nói.

Theo ông Ryder, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine GLSDB trong gói viện trợ quân sự mới, nhưng Kiev sẽ quyết định liệu họ có sử dụng vũ khí này để nhắm vào Crimea hay không.

"Tôi sẽ không nói hoặc suy đoán về các chiến dịch (của Ukraine) trong tương lai", ông Ryder cho biết.

Trong thời gian qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển thêm vũ khí để giúp nước này giành lại Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014, và các lãnh thổ khác.

Gói viện trợ mới của Mỹ cũng bao gồm nhiều loại vũ khí, đạn dược và các khí tài khác, bao gồm đạn cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, xe bọc thép, tên lửa chống tăng Javelin, vật tư y tế và trang thiết bị sử dụng trong điều kiện thời tiết lạnh.

Gói viện trợ mới cũng tập trung vào năng lực phòng không, với hai đơn vị phòng không HAWK, súng phòng không, radar giám sát trên không, hệ thống chống máy bay không người lái và 190 súng máy hạng nặng với kính ngắm ảnh nhiệt để bắn hạ máy bay không người lái của đối phương.

Thông báo viện trợ của Mỹ được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Nga - Ukraine đánh dấu một năm xung đột. Từ đầu chiến sự tới nay, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 29 tỷ USD.

Nga nhiều lần lên tiếng cảnh báo việc Mỹ và các nước phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine.

"Điều quan trọng là đừng quên tuyên bố của Putin ngày hôm qua tại Volgograd", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Sputnik hôm 3/2 sau khi Mỹ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 2,2 tỷ USD cho Ukraine.

Trước đó, ông Putin cảnh báo, mức độ đáp trả của Nga đối với việc phương Tây cấp xe tăng cho Ukraine sẽ không giới hạn ở việc sử dụng xe bọc thép. Các quan chức khác của Nga cũng cảnh báo rằng, lực lượng quân sự nước này sẽ bắn cháy các xe tăng do phương Tây viện trợ cho Ukraine.

"Điều đó nghĩa là Nga có tiềm lực và nếu vũ khí mới viện trợ của phương Tây xuất hiện, Nga sẽ sử dụng đầy đủ hơn tiềm năng sẵn có của mình để đáp trả trong chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Peskov nói.

Theo AFP, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine