1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cạnh tranh với Trung Quốc, ông Trump “xoay 180 độ” về viện trợ nước ngoài

(Dân trí) - Khác với dự tính ban đầu, Tổng thống Donald Trump đang xúc tiến kế hoạch mở rộng viện trợ nước ngoài quy mô lớn, cho phép rót vốn của Mỹ vào các dự án cơ sở hạ tầng tại khắp các châu lục nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)

Với một chút phô trương, cách đây hơn một tuần, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua dự luật thành lập một cơ quan viện trợ nước ngoài của Mỹ mang tên Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC). Cơ quan này có thẩm quyền cung cấp 60 tỷ USD dưới dạng các khoản vay, vay bảo lãnh và bảo hiểm cho các công ty sẵn sàng thực hiện các dự án làm ăn tại các nước đang phát triển.

Động thái này ngược lại hoàn toàn với chính lập trường trước đây của Tổng thống Trump khi ông từng chỉ trích nặng nề các khoản viện trợ nước ngoài ngay khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2015. Sau khi nhận nhiệm sở, ông Trump đã đề xuất cắt giảm 3 tỷ USD tiền viện trợ nước ngoài, ủng hộ việc dừng rót ngân sách cho Cơ quan Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC) và có các động thái nhằm gây khó khăn cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ - một cơ quan của Bộ Ngoại giao Mỹ có trách nhiệm phân bổ 22,7 tỷ USD mỗi năm dưới dạng các khoản viện trợ trên toàn thế giới.

Theo New York Times, sự thay đổi 180 độ của Tổng thống Trump về lập trường viện trợ nước ngoài không có mục đích nào khác ngoài việc ngăn chặn tham vọng “thống trị” của Trung Quốc về chính trị, kinh tế, công nghệ. Trung Quốc đã dành gần 5 năm để thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường - kế hoạch gây dựng ảnh hưởng toàn cầu bằng việc rót vốn vào các dự án lớn tại châu Á, Đông Âu và châu Phi.

Bây giờ, Tổng thống Trump muốn “lấy độc trị độc”.

“Tôi đã thay đổi, và tôi nghĩ ông ấy cũng đã thay đổi. Tất cả là vì Trung Quốc”, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ted Yoho từ bang Florida cho biết. Ông Yoho từng tham gia thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa khác trong nhóm House Freedom Caucus - một nhóm có truyền thống phản đối các chương trình viện trợ nước ngoài.

“Động lực ban đầu của tôi khi chạy đua vào Quốc hội là nhằm xóa sổ viện trợ nước ngoài. Đó là mục đích của tôi. Nhưng nếu chúng ta có thể điều chỉnh lại và nâng cấp chương trình viện trợ, thì tôi cũng không có vấn đề gì với chuyện đó. Có những người muốn đây là viện trợ nhân đạo. Cũng có những người như tôi muốn viện trợ vì an ninh quốc gia”, nghị sĩ Yoho cho biết.

Thượng nghị sĩ Chris Coons thuộc Ủy ban Đối ngooại Thượng viện Mỹ cho biết ông rất ngạc nhiên và vẫn chưa tin rằng chính quyền Trump đã thành công trong việc thành lập USIDFC.

“Chúng tôi đã xúc tiến việc này từ năm 2015. Về cơ bản đây vẫn là đề xuất của chúng tôi từ thời chính quyền Obama. Chúng tôi chỉ điều chỉnh lại để tập trung vào Trung Quốc”, nghị sĩ Coons cho biết.

Động lực của chính quyền Trump

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Chủ tịch Tập Cận Bình dự diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh. (Ảnh: NYT)
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Chủ tịch Tập Cận Bình dự diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh. (Ảnh: NYT)

New York Times cho rằng đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Ông Trump đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt các hành vi thương mại của Bắc Kinh mà ông cho là khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi.

Tuần trước, chính quyền Trump đã lên kế hoạch chi tiết về việc sử dụng quyền lực mở rộng để siết chặt đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Mục đích của việc làm này chủ yếu nhằm gây thêm khó khăn cho Trung Quốc trong việc tiếp cận với các công nghệ và bí mật thương mại của Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng tuyên bố sẽ hạn chế đáng kể xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự cho Bắc Kinh.

Động lực của lưỡng đảng Mỹ nhằm tăng viện trợ nước ngoài có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, song về bản chất đây là cách để Washington cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Bắc Kinh đặt mục tiêu phân bổ 1 nghìn tỷ USD vào các dự án xây dựng và đầu tư ở hơn 100 quốc gia.

Những khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc thường đổ vào các quốc gia, như Paksitan hay Nigeria - nơi Bắc Kinh muốn mở rộng sức mạnh địa chính trị và tiếp cận các nguồn tài nguyên như khoáng sản hay dầu mỏ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chi hàng tỷ USD vào các dự án ở những nước nhỏ hơn - những nơi ít có khả năng phát sinh các lợi ích chính trị hoặc tài chính. Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ cung cấp 60 tỷ USD viện trợ cho châu Phi, bao gồm các khoản tín dụng, viện trợ và đầu tư.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại rằng những quốc gia nghèo và mới nổi như Djibouti và Sri Lanka có thể phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc, sau đó Bắc Kinh có thể tịch thu tài sản nếu những nước này không có khả năng trả nợ.

“Điểm mấu chốt trong kế hoạch của Trung Quốc là xây dựng những công trình mà không nước nào khác muốn xây dựng, chẳng hạn các tuyến tàu hỏa kết nối các quốc gia châu Phi không ưa nhau, hoặc các tuyến đường trên địa hình hiểm trở, hay các nhà máy điện không tạo ra nhiều lợi nhuận. Nếu một nước nào đó không thể trả nợ, Trung Quốc sẽ tịch thu những tài sản mà họ muốn. Nhưng họ không tạo ra bẫy nợ, mà đây là cách để họ mở rộng tầm ảnh hưởng và âm thầm thực thi quyền lực”, Derek M. Scissors, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ chuyên nghiên cứu về các nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, nhận định.

Theo Tom Hart, giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của tổ chức phi chính phủ ONE, sáng kiến của Mỹ ít tham vọng hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên sáng kiến này ít nhất cũng cho phép Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc.

Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC) sẽ thay thế Cơ quan Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC), một đơn vị được thành lập từ năm 1971 với tư cách là tổ chức cho vay nhằm khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào các nước đang phát triển. Tương tự OPIC, USIDFC được tài trợ chủ yếu thông qua các khoản đóng góp và sẽ cung cấp các khoản vay, vay bảo đảm và bảo hiểm rủi ro chính trị cho những công ty sẵn sàng chơi “canh bạc” đầu tư vào các nước đang phát triển.

OPIC từng mang lại hàng triệu USD mỗi năm cho Bộ Tài chính Mỹ. Đây là kết quả của chiến lược đầu tư cẩn trọng, bao gồm các khoản vay cho các tập đoàn Mỹ vào các dự án có mức độ rủi ro thấp như khoản vay 240 triệu USD cho các nhà đầu tư lớn để xây dựng nhà máy hóa dầu lớn nhất của Ai Cập hồi năm 2015.

Thành Đạt

Theo New York Times