1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cảnh sát Canada lý giải vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei kéo dài 36 giờ

Minh Phương

(Dân trí) - Sĩ quan cảnh sát Canada đầu tiên đã ra làm chứng tại phiên tranh tụng tại tòa án liên quan đến vụ Giám đốc tài chính Huawei Trung Quốc Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada và có thể bị dẫn độ sang Mỹ.

Cảnh sát Canada lý giải vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei kéo dài 36 giờ - 1

Giám đốc tài chính Huawei Trung Quốc Mạnh Vãn Chu đang bị giám sát chặt chẽ tại Canada (Ảnh: Reuters)

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Winston Yep, sĩ quan của Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada, ngày 26/10 đã ra làm chứng trong phiên tranh tụng tại tòa về vụ việc bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Phiên tranh tụng nhằm tái hiện lại vụ việc kéo dài 36 giờ kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ giữa Canada và Trung Quốc.

Bà Mạnh Vãn Chu bị giới chức Canada bắt giữ ngay tại sân bay Vancouver cuối năm 2018 theo đề nghị của Mỹ. Ông Yep cho biết, ông đã nhận được trát bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu "ngay lập tức" vào đầu tháng 12/2018. Tại tòa, ông Yep bị chất vấn về việc tại sao cảnh sát không bắt giữ bà Mạnh ngay khi bà đáp chuyến bay từ Hong Kong đến Vancouver mà để giới chức hải quan thẩm vấn trước trong nhiều giờ đồng hồ.

"Chúng tôi không biết chắc bà ấy đi cùng với ai và bà ấy có thể làm điều gì", ông Yep nói khi nhấn mạnh đến việc trên chuyến bay còn có những hành khách khác và cảnh sát chưa bắt giữ bà Mạnh vì lo ngại đe dọa đến sự an toàn của hành khách trên chuyến bay. “Chúng tôi không thể ập vào. Đó là một tình huống tiềm ẩn rủi ro”, ông Yep nói thêm để lý giải việc cảnh sát để cơ quan hải quan kiểm tra đồ đạc và thẩm vấn bà Mạnh trước.

Sĩ quan cảnh sát này cho biết, phía Mỹ đã yêu cầu thu giữ thiết bị điện tử của bà Mạnh và cho vào một túi chuyên dụng nhằm tránh nguy cơ nội dung trong thiết bị đó bị xóa từ xa. Ông Yep nói, khi đó ông cho rằng, đề nghị của Mỹ là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, luật sư của bà Mạnh, ông Richard Peck, cho rằng việc giới chức hải quan Canada bắt giữ, thẩm vấn và tịch thu thiết bị điện tử và dữ liệu cá nhân của bà Mạnh Vãn Chu là một phần trong một cuộc điều tra hình sự không minh bạch có sự phối hợp giữa Mỹ và Canada, không phải một quy trình thông thường và vi phạm các điều khoản về lệnh bắt giữ. Nhóm luật sư của bà Mạnh nhận định, động thái đó nhằm thu thập bằng chứng theo đề nghị của phía Mỹ.

Ông Yep là nhân chứng đầu tiên trong số 10 nhân chứng tham gia đợt tranh tụng tại tòa án thượng thẩm British Columbia trong hai đợt tranh tụng kéo dài từ nay đến cuối tháng 11. Đợt tranh tụng đầu tiên diễn ra trong tuần này với 5 nhân chứng, đợt hai diễn ra từ 23-27/11 với nhân chứng còn lại. Các phiên tranh tụng này nhằm thu thập lời khai nhân chứng có thể sử dụng cho phiên xét xử vào tháng 2 tới.

Các bằng chứng trước đó cho thấy, giới chức hải quan Canada đã bắt giữ bà Mạnh ít nhất 3 giờ đồng hồ, tịch thu thiết bị điện tử và thẩm vấn về mối quan hệ làm ăn giữa Huawei với Iran mà không nêu lý do tại sao. Thời điểm đó, bà Mạnh cũng không biết mình bị cáo buộc gian lận thông tin để lừa đảo các ngân hàng lớn của Mỹ để lách lệnh cấm vận, làm ăn với Iran. Bà Mạnh đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ và nếu bị kết tội tại Mỹ, bà có thể đối mặt với 30 năm tù.

Bà Mạnh và Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Giới quan sát cho rằng, cuộc chiến pháp lý của bà Mạnh nhằm chống lại lệnh dẫn độ có thể mất vài năm. Hiện bà Mạnh đang được tại ngoại tại Vancouver và bị giám sát chặt chẽ.