1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cảnh báo hệ lụy khi Trung Quốc thâu tóm cảng chiến lược của Israel

(Dân trí) - Một chuyên gia của Israel đã cảnh báo nước này cần có một cơ chế nhằm kiểm soát tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc khi thâu tóm cảng chiến lược Haifa trong tương lai nói riêng và khởi động các dự án khác. Ông lo ngại những thương vụ này có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ quân sự Israel và Mỹ.

Cảng Haifa (Ảnh: Albatross Aerial Photography)
Cảng Haifa (Ảnh: Albatross Aerial Photography)

Theo Times of Israel, cảng Haifa nằm gần căn cứ hải quân Israel, nơi được cho là có kho tàu ngầm hạt nhân của nhà nước Do Thái. Newsweek cho biết việc Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) lên kế hoạch thâu tóm cảng này dường như là động thái nhằm bành trướng ảnh hưởng dưới hình thức các dự án kinh tế và thương vụ quy mô lớn.

Tại một hội nghị về an ninh hàng hải tại Đông Địa Trung Hải hồi tháng 8, ông Shaul Chorev, cựu đô đốc Hải quân Israel, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Haifa, đã đề xuất Israel cần có một cơ chế mới để theo sát các khoản đầu tư của Bắc Kinh tại đây.

Theo ông Chorev, Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải sẽ khánh thành cảng Haifa vào năm 2021 và dự kiến ký hợp đồng vận hành cảng 25 năm với phía Israel. Theo Haaretz, ngoài cảng Haifa, một công ty Trung Quốc khác cũng đã trúng thầu xây dựng một cảng khác ở thành phố Ashdod, phía nam Israel. Điều ông Chorev và các chuyên gia khác lo ngại đó chính là việc Trung Quốc hiện diện ở những địa điểm chiến lược trên Địa Trung Hải có thể “làm giới hạn hoặc ngăn cản” việc hợp tác quân sự với đồng minh Mỹ, vốn đang có vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị ở Trung Đông.

Hiện phe chỉ trích ở Israel đang kêu gọi chính phủ nước này sớm điều tra xem liệu đằng sau thương vụ của công ty Trung Quốc có vấn đề an ninh nào đáng lo ngại hay không.

Các dự án của Trung Quốc bề ngoài giống các dự án hợp tác thương mại song phương, song các chuyên gia cảnh báo chúng cũng ẩn chứa những tác động chính trị và quân sự. Và điều này có thể gây nên các hệ lụy, nhất là trong bối cảnh Israel thiếu công cụ để phân tích sự ảnh hưởng của các dự án đầu tư kinh tế với an ninh quốc gia.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực “nối dài” cánh tay vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu thông qua các dự án xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng. Tiêu biểu nhất là dự án “Vành đai, con đường”, dự kiến tái lập “con đường Tơ lụa” kết nối các các châu lục vào năm 2049. Theo Trung tâm Quốc tế và chiến lược (Mỹ), Bắc Kinh sẽ có thể đầu tư vào sáng kiến trên ít nhất 8.000 tỷ USD.

Các chuyên gia quan ngại rằng hợp đồng thương mại ở cảng chiến lược Haifa có thể sẽ mở đường cho việc Trung Quốc hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải.

Thương vụ này cũng có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa lực lượng Mỹ và Israel. Cựu tướng quân đội Israel Gary Roughead cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc vận hành cảng ở Haifa, thì điều đó có nghĩa là tàu Mỹ sẽ không thể tới cảng hải quân Israel ở gần đó thường xuyên được nữa do lo ngại sẽ bị phía Trung Quốc theo dõi các hoạt động nhạy cảm và tối mật.

“Tôi cho rằng việc để Trung Quốc mang hệ thống quản lý thông tin của họ vào cảng Haifa sẽ giống như là họ đang lắp đặt hệ thống trinh sát điện tử và khiến Mỹ quan ngại về an ninh mạng và vấn nạn rò rỉ thông tin. Tất cả sự lo ngại trên sẽ ảnh hưởng tới quan hệ quân sự giữa Mỹ và Israel”, ông Roughead cho hay.

Đức Hoàng

Theo Newsweek