Quan chức Mỹ “giải mã” toan tính đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài
(Dân trí) - Lãnh đạo cơ quan viện trợ nước ngoài của chính phủ Mỹ đã nhận định về mục đích thực sự của Trung Quốc khi rót vốn vào các dự án phát triển tại nhiều nước trên thế giới trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Nhằm xoa dịu làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế khi cho rằng mô hình viện trợ tài chính của Trung Quốc ở nước ngoài chỉ nhằm mục đích tận dụng tài nguyên cũng như đẩy các nước nhận viện trợ vào bẫy nợ, các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm mục tiêu phát triển bền vững cũng như tạo thêm việc làm cho các nền kinh tế được nhận viện trợ từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên theo ông Ray Washburne, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Cơ quan Đầu tư Tư nhân Hải ngoại Mỹ (OPIC), Trung Quốc dường như vẫn chưa thay đổi bản chất thực sự của Sáng kiến Vành đai và Con đường như nước này tuyên bố. OPIC là cơ quan liên chính phủ phụ trách phân bổ nguồn vốn tư nhân của Mỹ vào các dự án phát triển ở nước ngoài dưới hình thức các khoản vay, quỹ và bảo hiểm chính trị.
Ông Washburne đưa ra bình luận trên trong cuộc trao đổi với các phóng viên tại trụ sở của OPIC ở Washington hôm 12/9. Cách đây gần 5 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường, trước đó có tên gọi Một Vành đai, Một Con đường, nhằm xây dựng các mối liên kết về kinh tế, chính trị và văn hóa xung quanh khu vực châu Á thông qua các khoản đầu tư do nhà nước rót vốn.
OPIC từng nhiều lần chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ông Washburne cho rằng Bắc Kinh cố tình đẩy các quốc gia nhận viện trợ vào cảnh nợ nần, sau đó nhắm mục tiêu tới “nguồn đất hiếm, tài nguyên khoáng sản hoặc những lợi thế tương tự như vậy để làm thế chấp cho các khoản vay”.
Trong bối cảnh làn sóng chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường ngày càng mạnh thêm, đặc biệt sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thông báo sẽ xem xét lại hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ vì lo ngại khoản nợ mà Malaysia sẽ phải gánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách “dập tắt” những lo ngại của cộng đồng quốc tế trong bài phát biểu của ông tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi diễn ra ở Bắc Kinh. Ông Tập khẳng định không có ý định thành lập “câu lạc bộ Trung Quốc” với danh nghĩa Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong phiên thảo luận ngày 27/8, ông Tập trấn an các nước rằng Trung Quốc sẽ “ưu tiên vào nhu cầu của bên nhận viện trợ và sẽ triển khai các dự án mang lại lợi ích cho người dân địa phương”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định các dự án được thực hiện trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đã mang lại hơn 200.000 việc làm cho người dân các nước.
Hợp tác với Nhật Bản
Trong một nỗ lực khác nhằm bảo vệ Sáng kiến Vành đai và Con đường trong mắt cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với các quốc gia khác như Nhật Bản để cùng viện trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 5 giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh và Tokyo đã công bố kế hoạch thành lập một ủy ban chung nhằm giúp các bộ và các cơ quan của hai nước có thể thảo luận về quan hệ hợp tác kinh tế Trung - Nhật tại các quốc gia thứ 3. Thủ tướng Abe khẳng định sự tham gia của Nhật Bản vào các dự án chung với Trung Quốc sẽ căn cứ trên các chuẩn mực quốc tế, bao gồm sự minh bạch và ổn định về tài chính.
Cùng với Australia, Nhật Bản là một trong 3 nước tham gia thỏa thuận 3 bên do OPIC bảo trợ nhằm thúc đẩy các dự án phát triển tài chính chung ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Khi được hỏi liệu quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc có gây tổn hại cho thỏa thuận 3 bên hay không, ông Washburne nhận định triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này không phải là mối quan hệ đối tác thực chất.
Theo Chủ tịch OPIC, Nhật Bản là một trong số các nước luôn lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, do vậy hai nước rất “cạnh tranh với nhau” tại khu vực này.
Bà Carol Danko, giám đốc truyền thông của OPIC, cho rằng việc Nhật Bản tuyên bố sẽ tuân thủ các quy chuẩn quốc tế trong việc triển khai các dự án hợp tác chung với Trung Quốc sẽ là một thách thức đối với Bắc Kinh.
“Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các quy chuẩn quốc tế trong khi làm việc với các đối tác. Tôi nghĩ Nhật Bản sẽ không cho phép xảy ra điều ngược lại”, bà Danko cho biết.
Mục tiêu viện trợ của Mỹ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm mục tiêu tới việc xóa bỏ OPIC trong nỗ lực nhằm tái cơ cấu chính phủ để hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình vận động hành lang, từ cả trong nội bộ OPIC và từ nhóm các nghị sĩ lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, đã giúp duy trì sự tồn tại của OPIC.
Nếu Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật mới, điều đó không chỉ giúp OPIC “sống sót” mà còn tăng nguồn vốn viện trợ của cơ quan này từ 30 tỷ USD lên 60 tỷ USD. Ngoài ra, Đạo luật Khai thác hiệu quả hơn hoạt động đầu tư phát triển 2018 (BUILD) sẽ trao cho OPIC thẩm quyền đầu tư vào các dự án phát triển, thay vì chỉ cung cấp các khoản vay như hiện nay.
Mặc dù chính những quan ngại trong nội bộ nước Mỹ về mô hình viện trợ của Trung Quốc đã buộc Washington duy trì hoạt động của OPIC, song ông Washburne khẳng định khi xem xét thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài trong tương lai, OPIC sẽ không nhắm mục tiêu tới việc cản trở các khoản đầu tư của Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ không nhìn vào một dự án nào đó và nói rằng “Hãy làm gì đó để đánh bại Trung Quốc”. Mà đó phải là một dự án mang tính khả thi về thương mại”, chủ tịch OPIC nhấn mạnh.
Thành Đạt
Theo SCMP