1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Canh bạc” đầy rủi ro của ông Trump khi ra lệnh giết chết tướng Iran

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không khích khiến tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani thiệt mạng là một “canh bạc” lớn, ẩn chứa nhiều rủi ro.

“Canh bạc” đầy rủi ro của ông Trump khi ra lệnh giết chết tướng Iran - 1

Tướng Iran Qassem Soleimani  (Ảnh: AFP)

Tổn thất lớn đối với Iran

Căng thẳng leo thang dồn dập ở Trung Đông hồi năm ngoái đã dẫn tới vụ tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự Iraq khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng và nhiều người bị thương. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc này và đáp trả với các cuộc không kích vào nhóm dân quân nghi thân Tehran khiến 25 người thiệt mạng.

Mâu thuẫn tiếp tục dâng cao vào ngày 31/12/2019 khi lực lượng dân quân PMF và người biểu tình tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Vào thời điểm đó, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng “cuộc chơi đã thay đổi”.

Ngày 3/1, Tổng thống Trump đã ra một quyết định táo bạo khi ra lệnh điều máy bay không người lái MQ-9 không kích đoàn xe chở tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran Soleimani khi ông này vừa hạ cánh xuống Baghdad, Iraq.

Cái chết của ông Suleimani “là một thiệt hại vô cùng lớn với Iran và mạng lưới các nhóm dân quân nghi thân Tehran ở Iraq”, AP dẫn nhận định ông James Carafano từ Quỹ Heritage - đơn vị cố vấn cho ông Trump về chính sách đối ngoại - cho biết.  

“Canh bạc” đầy rủi ro của ông Trump khi ra lệnh giết chết tướng Iran - 2

Người dân Iran tiếc thương trước sự ra đi của tướng Soleimani (Ảnh: EPA)

Chuyên gia Ariane Tabatabai, người chuyên nghiên cứu về Trung Đông ở tổ chức Rand Corp (Mỹ), nói rằng ông Soleimani được cho là nhân vật "kiểm soát quan hệ của Iran với các nhóm dân quân trong khu vực” tại Arghanistan, Lebanon, Yemen và Syria". Vị tướng này đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng mạng lưới lực lượng các nhóm đồng minh của Iran tại Trung Đông.

Bà Tabatabai nói rằng ông Soleimani là một trong những người quyền lực nhất trong nhóm những nhân vật ra quyết định ở Iran. Ông chịu trách nhiệm giám sát đào tạo quân sự, tài chính, các thương vụ mua bán, chuyển nhượng vũ khí. Ông cũng được coi là một biểu tượng của Iran, một nhà lãnh đạo về mặt tinh thần.

Chính vì vậy, ông Trump dường như chọn cách giết chết tướng Soleimani để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Iran và các nhóm dân quân nghi được Tehran hỗ trợ ở Trung Đông, bà Tabatabai nhận định.

“Canh bạc” đầy rủi ro

“Canh bạc” đầy rủi ro của ông Trump khi ra lệnh giết chết tướng Iran - 3

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, với việc ra lệnh giết chết tướng Iran, ông Trump được ví là đã đánh một trong những “canh bạc” lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

AP cho rằng, động thái này có thể đẩy Mỹ đối mặt với kịch bản bị kéo vào một cuộc chiến tranh leo thang và thay đổi hoàn toàn mong muốn mà ông Trump vẫn tuyên bố trước đây: “Kéo người Mỹ ra khỏi những cuộc xung đột ở Trung Đông”.

Kể từ khi đắc cử năm 2016, ông Trump nhiều lần đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ và cứng rắn, tuy nhiên, ông thường có xu hướng không muốn sử dụng các động thái có thể gây ra chiến tranh. Ông cam kết với những người ủng hộ rằng ông sẽ sử dụng vũ lực để chống lại kẻ thù của Mỹ, nhưng cũng hứa rằng sẽ không kéo Mỹ vào chiến tranh ở Trung Đông và đưa quân nhân Mỹ hồi hương.

Trong quá khứ, ông Trump đã từng tuân thủ tuyên bố này. Ví dụ, vào tháng 6, ông Trump đã đổi ý vào phút chót khi ra quyết định không tấn công Iran để đáp trả việc Tehran bắn rụng máy bay không người lái của Washington. Ông cũng không ra lệnh tấn công quân sự đáp trả khi cơ sở dầu mỏ của Ả rập Xê út bị trúng hỏa lực dù cả Washington và Riyadh đều cáo buộc Tehran làm việc này.

Tuy nhiên, việc giết chết ông Suleimani đã đánh dấu sự thay đổi của ông Trump trong chiến lược của ông. Tổng thống Mỹ dường như đang “đánh cược” rằng Iran khi đối mặt với hành động quân sự quyết đoán của Mỹ sẽ lùi bước, không gây leo thang căng thẳng.

Nhưng sự trả đũa của Iran như thế nào hiện vẫn đang là điều chưa thể đoán biết. Một nhà lập pháp Cộng hòa giấu tên dự đoán rằng Iran có thể sẽ thực hiện một vài đòn trả đũa ở Yemen hoặc Lebanon, Afghanistan và sẽ chỉ dừng lại ở đó.  

Những ý kiến khác lại cho rằng, vì Mỹ đã giết chết một nhân vật rất quan trọng như ông Suleimani, Iran có thể sẽ tung ra các chiến dịch quân sự kiểu du kích trên toàn Trung Đông. Rủi ro từ những hoạt động này là không thể lường trước do tính chất phân nhánh về mặt địa chính trị ở khu vực.

“Canh bạc” đầy rủi ro của ông Trump khi ra lệnh giết chết tướng Iran - 4

Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (Ảnh: Reuters)

Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng “đòn đáp trả mạnh mẽ đang chờ đợi (Mỹ)”.

Giới quan sát không bỏ qua khả năng căng thẳng sẽ ngày một leo thang và Mỹ có thể sẽ tiếp tục tham gia vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông.

Mặt khác, ông Trump đã ra chỉ thị tấn công hôm 3/1 mà không thông qua quốc hội, động thái khiến đảng Dân chủ chỉ trích mạnh mẽ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã trực tiếp lên tiếng yêu cầu quốc hội phải xem xét lại vụ việc, cảnh báo rằng: “Chúng ta không thể đặt mạng sống của các quân nhân, nhà ngoại giao và những người Mỹ khác vào nguy hiểm khi thực hiện các động thái khiêu khích, kích động bạo lực leo thang”.

Ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ năm 2020, cho rằng ông Soleimani xứng đáng bị đem ra trước công lý vì cáo buộc tấn công quân nhân Mỹ và hàng nghìn người vô tội trong khu vực.

Ông Biden nhận định cách thực hiện của ông Trump giống như “ném thuốc nổ vào nơi dễ bắt lửa”, nhấn mạnh rằng chiến lược của ông Trump gây “leo thang căng thẳng trong một khu vực vốn đã quá nguy hiểm”.

Mỹ không kích "tiêu diệt" tướng cấp cao Iran ở Iraq

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm