1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những đòn Iran có thể đáp trả Mỹ sau khi mất tướng cấp cao

(Dân trí) - Iran có thể tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ trong khu vực, đẩy mạnh chiến tranh ủy nhiệm, tấn công mạng nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Mỹ sau hàng loạt căng thẳng gần đây trong đó có vụ không kích khiến tướng cấp cao Iran thiệt mạng.

Video mới ghi khoảnh khắc xe của tướng Iran trúng tên lửa Mỹ
Những đòn Iran có thể đáp trả Mỹ sau khi mất tướng cấp cao - 1

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran diễu binh tại Tehran. (Ảnh: Reuters)

Ngày 21/6/2019, Tổng thống Donald Trump suýt phát lệnh tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Iran bằng cách không kích các mục tiêu của Iran để đáp trả vụ Tehran bắn rơi máy bay không người lái của Washinton. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã hủy lệnh tấn công vào phút chót.

6 tháng sau đó, Tổng thống Trump phát lệnh không kích, “bật đèn xanh” cho việc ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani vào rạng sáng ngày 3/1, khi tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vừa rời sân bay quốc tế Baghdad cùng nhiều lãnh đạo quân đội cấp cao của Iraq.

Vụ tấn công của Mỹ đã cướp đi sinh mạng của Tướng Soleimani, một nhân vật tiếng tăm và được xem là một trong những quan chức quyền lực hàng đầu của chính quyền Iran. Vụ việc thổi bùng cơn giận dữ tại Iran khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình đòi “tiêu diệt” Mỹ. Trong khi đó, các lãnh đạo cấp cao của Iran cũng thề sẽ “trả thù mạnh mẽ” Mỹ vì hành động mà họ cho là “tàn ác” của Washington.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết họ vẫn đang chờ lệnh, trong khi các máy bay chiến đấu Iran đã được triển khai. Mặc dù khó có thể đối đầu trực diện với Mỹ về quân sự, song Iran vẫn có những lựa chọn nhất định, bao gồm tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự của Mỹ trong khu vực, tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm chiến đấu với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trên toàn Trung Đông, thậm chí có thể tấn công mạng các thành phố “dễ bị tổn thương” cũng như cơ sở hạ tầng của Mỹ.

“Tôi cho rằng sẽ có sự kết hợp của các cuộc tấn công mạng, ủy nhiệm, khủng bố nhằm vào các lợi ích của Mỹ không chỉ ở Trung Đông, mà còn bên ngoài khu vực, ở châu Âu và/hoặc ngay trên đất Mỹ”, Michael Carpenter, người từng làm việc tại hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định với VICE News.

Chiến tranh toàn diện

Iran đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt nặng nề về kinh tế do Mỹ áp đặt kể từ khi nước này rút khỏi thỏa thuận vũ khí hạt nhân hồi tháng 5/2018. Do vậy, ít có khả năng Iran sẽ đối đầu trực diện trong một cuộc chiến tốn kém với một lực lượng quân sự hùng mạnh và được trang bị tối tân như Mỹ.

Tổng thống Trump từ lâu đã tuyên bố rằng, ông không muốn một cuộc chiến tranh với Iran, đồng thời cam kết rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi khu vực. Tuy nhiên, những động thái của chính quyền Trump trong 2 năm qua đã cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác.

“Ông Trump vẫn luôn nói rằng không muốn chiến tranh, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục làm những việc khiến căng thẳng leo thang, bắt đầu bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và về cơ bản phát động một cuộc chiến kinh tế với Iran”, Trita Parsi, phó giám đốc Viện nghiên cứu Quincy ở Washington, nhận định.

Mặc dù yếu tố về địa lý khó có thể cho phép Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào lãnh thổ Mỹ, song nếu các lãnh đạo của Iran muốn, họ có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ nằm rải rác ở Trung Đông, bao gồm các căn cứ quân sự của Mỹ hoặc tàu chiến Mỹ trên vịnh Ba Tư.

Mục tiêu dễ thấy nhất cho một cuộc tấn công như vậy là Iraq, nước láng giềng gần nhất với Iran và cũng là nơi có hơn 5.000 quân Mỹ đồn trú.

“Phản ứng của Iran có thể sẽ là sự kết hợp giữa phản ứng trực tiếp và gián tiếp, nhắm mục tiêu vào hạ tầng quân sự hoặc thậm chí nhân sự của Mỹ. Iraq có thể sẽ là nơi Iran tấn công trước, nhưng Mỹ cũng nên loại trừ các cuộc tấn công trên vịnh Ba Tư”, Sanam Vakil, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu Chatham House ở London, cho biết.

Một cuộc tấn công như vậy nhiều khả năng sẽ vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ và nhanh chóng từ Mỹ. Đây là điều Iran cần tránh, do vậy Tehran có thể trông cậy vào một chiến thuật khác nhằm cho phép nước này chiến đấu với Mỹ trên một thế trận cân bằng hơn.

Tấn công mạng

Những đòn Iran có thể đáp trả Mỹ sau khi mất tướng cấp cao - 2

Hàng nghìn người Iran xuống đường biểu tình phản đối Mỹ và tưởng niệm Tư lệnh Soleimani ngày 3/1. (Ảnh: EPA)

Các quan chức Lầu Năm Góc từng nói với truyền thông Mỹ rằng, họ đặc biệt lo ngại về các cuộc tấn công mạng của Iran nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Trong những năm gần đây, các tin tặc Iran bị cáo buộc nhắm mục tiêu tấn công tới các ngân hàng, sòng bạc, thành phố Atlanta và đập ở ngoại ô New York. Đây là một phần trong chiến dịch tấn công mạng của Iran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ.

Mặc dù Iran không thể “đọ” với sức mạnh quân sự của Mỹ nếu xét về xe tăng hay tàu chiến, nhưng Tehran được cho là ngày càng tinh vi hơn trên không gian mạng trong những năm gần đây.

“Họ (Iran) vẫn xếp sau về năng lực (mạng) so với các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nga và Trung Quốc, nhưng đôi khi họ có thể liều lĩnh hơn và sẵn sàng hủy diệt, do vậy họ vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng”, Robert Lee, giám đốc điều hành Dragos, hãng an ninh mạng chuyên bảo vệ các hệ thống kiểm soát công nghiệp, cho biết.

Chiến tranh ủy nhiệm

Tướng Soleimani, người vừa thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tại Iraq, đã dành hàng chục năm để thúc đẩy mối quan hệ gần gũi giữa các nhóm dân quân tại các nước trên toàn khu vực Trung Đông, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran ra ngoài biên giới.

Các chuyên gia lo ngại rằng các lực lượng ủy nhiệm này sẽ đóng vai trò then chốt trong bất kỳ động thái leo thang căng thẳng nào giữa Mỹ và Iran. Sau khi xảy ra cuộc không kích của Mỹ, một chỉ huy dân quân Iraq với sự hậu thuẫn của Iran vừa ra lệnh sẵn sàng cho một cuộc chiến sắp tới.

Một trong những “dự án” ủy nhiệm thành công nhất của Tướng Soleimani là thành lập Hezbollah, một nhóm bán quân sự Hồi giáo dòng Shiite và đảng phái chính trị tại Lebanon. Iran đã cung cấp cho nhóm này các vũ khí trong cuộc xung đột với Israel năm 2006 và gần đây nhất là hỗ trợ cho sự can thiệp của nhóm vào cuộc nội chiến kéo dài 9 năm ở Syria.

Cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa một bên là Mỹ và các đồng minh của Washington với một bên là Iran và các đồng minh của Tehran đã bắt đầu, thể hiện qua các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và các cuộc tấn công của Iran nhằm vào các tàu chở dầu cũng như cơ sở dầu mỏ tại Ả rập Xê út. Tuy nhiên, vụ ám sát Tướng Soleimani có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột căng thẳng hơn.

Thành Đạt

Theo Vice

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm