1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng Nga-Ukraine tại Đông Ukraine: Dễ nóng, khó nguội

Căng thẳng Nga-Ukraine đang leo thang, đặc biệt sau khi Nga điều 8.500 quân tới biên giới, miền Đông Ukraine. Có gì đáng chú ý quanh chuyện này?

Căng thẳng Nga-Ukraine tại Đông Ukraine: Dễ nóng, khó nguội - 1


Nga điều động lực lượng áp sát biên giới miền Đông Ukraine, khiến quan hệ Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng. (Nguồn: TASS)

Những thay đổi

Đầu tiên, các hoạt động vi phạm lệnh ngừng bắn đang tăng, cùng thương vong ngày một lớn tại Donbass.

Trong 7 năm xung đột tại Đông Ukraine, không dưới 30 lệnh ngừng bắn được thông qua, song liên tiếp đổ vỡ. Lệnh ngừng bắn mới nhất được thiết lập vào tháng 7/2020 và duy trì tới nay. Tuy nhiên, từ tháng 1/2021, số lần vi phạm đã gia tăng mạnh, khiến 19 binh sỹ Ukraine thiệt mạng.

Thứ hai, Nga điều quân tới biên giới Ukraine trong bối cảnh quan hệ của nước này với các bên liên quan đang thay đổi.

Dưới thời ông Volodymyr Zelensky, quan hệ Nga-Ukraine đã không hạ nhiệt. Quan hệ Nga-Mỹ đặc biệt gay gắt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích người đồng cấp Nga Vladimir Putin, kéo theo đó việc Đại sứ Nga tại Washington được triệu hồi để tham vấn.

Đổi lại, dù tiếp tục đối đầu trong nhiều vấn đề, từ an ninh biên giới tới Ukraine, quan hệ của Nga với Liên minh châu Âu (EU) vẫn le lói điểm sáng, cụ thể là dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hay mới đây là hợp tác giữa Nga, Pháp, Đức về sản xuất, nhập khẩu vaccine Sputnik V vào châu Âu.

Mỗi người một ý

Bối cảnh này đã tác động tới quan điểm và phản ứng của các bên về hành động của Nga.

Với Ukraine, việc Nga điều quân áp sát biên giới là hành động có chủ đích gây căng thẳng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định: "Việc phô trương cơ bắp bằng hình thức tập trận quân sự và các hành động khiêu khích dọc biên giới là trò truyền thống của Nga".

Ngày 4/4, ông đã phê chuẩn lệnh trừng phạt của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine với nhiều thực thể Nga, bao gồm Cơ quan Liên bang phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập, người Nga ở nước ngoài và Hợp tác nhân đạo quốc tế của Nga, công ty Volga-Dnepr và 77 doanh nghiệp khác.

Trong một động thái cảnh cáo, ngày 3/4, Ukraine còn thông báo sẽ tập trận chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quy mô tối thiểu 1.000 binh sỹ từ 5 quốc gia thành viên.

Bộ Ngoại giao Mỹ "hoàn toàn quan ngại về tình trạng leo thang gần đây trong hành động hung hăng và khiêu khích của Nga ở miền Đông Ukraine".

Ngày 1/4, điện đàm với người đồng cấp Ukraine Andrey Taran, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cam kết ủng hộ Ukraine, thể hiện sự cảm thông của Washington trước lo ngại của Kiev về hành động của Moscow, khẳng định quyết tâm hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh "leo thang quân sự" ở Donbass và Crimea.

Còn phản ứng của các đồng minh châu Âu và NATO là tương đối dè dặt. NATO chỉ bày tỏ quan ngại về các động thái quân sự của Nga dọc biên giới với Ukraine.

Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức và Bộ Ngoại giao Pháp đang "theo dõi sát sao tình hình" và kêu gọi các bên kiềm chế, hợp tác giảm căng thẳng, dù vẫn "ủng hộ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Căng thẳng Nga-Ukraine tại Đông Ukraine: Dễ nóng, khó nguội - 2


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký lệnh trừng phạt nhiều cơ quan về thực thể của Nga. (Nguồn: Ukraine President Press Service)

Trong khi đó, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố tăng quân ở biên giới "không đặt ra mối đe dọa cho bất kỳ ai", giải thích Nga đang đảm bảo an ninh ở biên giới và khẳng định Nga tự do triển khai binh sĩ trên khắp lãnh thổ.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin thì chỉ trích trừng phạt của Kiev là "một thí dụ về hành vi thách thức luật pháp và thông lệ quốc tế… Ukraine đang tìm cách bắt chước thế lực bảo trợ cho họ nhiều nhất có thể".

Thậm chí, ông Igor Strelkov, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) nhận định rằng việc Nga điều quân tới sát biên giới một cách công khai là nhằm đáp trả các động thái tương tự của Ukraine từ giữa tháng 1/2021 vừa qua.

Theo ông, đây là chiến thuật của Moscow nhằm khiến Kiev "thấy khó mà lui".

Trong khi đó, giới quan sát lại cho rằng việc Nga đưa quân tới biên giới với Ukraine là phép thử, kiểm tra phản ứng về mặt chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề này.

Nhìn về tương lai

Thú vị hơn, quan điểm và cách hành xử của các bên sẽ đóng vai trò then chốt trong quyết định kết quả chiến sự tại Donbass, miền Đông Ukraine thời gian tới.

Xét trên thực tế, khả năng đối đầu trực diện giữa quân đội Nga và Ukraine trên chiến trường Donbass là không nhiều.

Bởi lẽ, cả Nga và Ukraine đều không muốn xung đột trực diện nổ ra. Tính đến thời điểm hiện tại, xung đột 7 năm giữa lực lượng ly khai Ukraine do Nga hậu thuẫn và quân đội Ukraine đã tước đi sinh mạng của 14.000 người và khiến cho khu vực miền Đông Ukraine chìm sâu trong khói lửa.

Sự tham chiến trực diện của Nga có thể mở đường cho các hỗ trợ quân sự, thậm chí là can dự trực tiếp từ phương Tây vào Donbass, khiến tình hình trở nên phức tạp, gây nhiều thương vong hơn.

Đây là điều không ai muốn, nhất là khi cả Moscow và Kiev đều bận rộn với vấn đề của riêng mình.

Do đó, cả hai đều để ngỏ khả năng đối thoại và giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định: "Quân đội Nga hiểu rõ tác hại của bất kỳ hành động nào làm nổ ra một cuộc xung đột nóng bỏng.

Tôi rất hy vọng rằng họ sẽ không bị thúc giục bởi các chính trị gia, những người kích động phương Tây, dẫn đầu là Mỹ".

Sự tham chiến trực diện của Nga có thể mở đường cho các hỗ trợ quân sự, thậm chí là can dự trực tiếp từ phương Tây vào Donbass, khiến tình hình trở nên phức tạp, gây nhiều thương vong hơn. Đây là điều không ai muốn, nhất là khi cả Moscow và Kiev đều bận rộn với vấn đề của riêng mình.

Cuối tháng 3, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrei Yermak cho biết đã có kế hoạch cụ thể trên bàn đàm phán về vấn đề Donbass do Anh và Pháp đề xuất, nhấn mạnh nó phù hợp với "tinh thần của Hiệp ước Minsk".

Tuy nhiên, Nga sau đó đã phủ nhận sự tồn tại của kế hoạch này.

Khi ấy, điều hai bên cần làm là duy trì kết nối, tránh va chạm quân sự ngoài ý muốn, đẩy xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.

Mỹ và EU cần đóng vai trò trung gian, "chất xúc tác" để các bên từ từ hạ nhiệt căng thẳng, thiết lập lệnh ngừng bắn mới, song với điều khoản ràng buộc và một ủy ban giám sát đa thành phần, với cơ chế cụ thể nhằm xử lý các vi phạm.

Tuy nhiên, 30 lệnh ngừng bắn trước đó đã thất bại và chẳng có gì đảm bảo lệnh ngừng bắn thứ 31 này sẽ phá dớp.

Quan trọng hơn, xung đột về chủ quyền chưa bao giờ là vấn đề dễ giải quyết và câu chuyện Nga-Ukraine không phải là ngoại lệ.

Chừng nào nguyên nhân trực tiếp này chưa được giải quyết, các lệnh ngừng bắn chỉ mang tính tạm thời và khó có thể đem tới kết thúc cuối cùng cho chiến sự tại Donbass, miền Đông Ukraine.

Chuyện Nga-Ukraine dễ nóng, khó nguội là vậy.