1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Căng thẳng leo thang, khách sạn Ấn Độ “cấm cửa” khách Trung Quốc

(Dân trí) - Các khách sạn Ấn Độ đã quyết định “cấm cửa” khách Trung Quốc nhằm đáp trả sau vụ đụng độ chết người gần đây ở biên giới hai nước.

Căng thẳng leo thang, khách sạn Ấn Độ “cấm cửa” khách Trung Quốc - 1

Một cuộc biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc tại Kolkata, Ấn Độ (Ảnh: Indian Express)

Sandeep Khandelwal, Chủ tịch Hiệp hội Chủ Nhà hàng và Khách sạn New Delhi, ngày 25/6 cho biết 75.000 phòng khách sạn ở thủ đô Ấn Độ sẽ không nhận khách Trung Quốc. Ông Sandeep cho biết quyết định này “nhằm ủng hộ chính phủ của chúng tôi trong tình huống như chiến tranh với Trung Quốc”.

“Tại sao chúng tôi cho phép họ kiếm tiền từ Ấn Độ chứ”, ông Sandeep nói với AFP.

Hiệp hội Chủ Nhà hàng và Khách sạn New Delhi, tổ chức đại diện cho hầu hết khách sạn 3 và 4 sao tại thủ đô của Ấn Độ, cũng khuyến khích cách thành viên dừng sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc. Gần 300.000 người Trung Quốc đã tới Ấn Độ trong năm 2018.

Theo AFP, việc hiệp hội khách sạn New Delhi kêu gọi tẩy chay chủ yếu mang tính biểu tượng vì các lệnh hạn chế đi lại do dịch Covid-19 khiến lượng khách nước ngoài, bao gồm Trung Quốc, tới Ấn Độ giảm mạnh. Một số khách sạn vẫn đóng cửa dù lệnh phong tỏa đã dần được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, động thái này cũng cho thấy tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng tại Ấn Độ, đặc biệt trên mạng xã hội - nơi tràn ngập lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Làn sóng tẩy chay Trung Quốc lan rộng ở Ấn Độ sau vụ đụng độ của binh sĩ hai nước ở khu vực biên giới khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra tại Ấn Độ để phản đối Trung Quốc. Nhiều người đã đốt cờ, hàng hóa của Trung Quốc.

Các hãng thương mại điện tử lớn, bao gồm Amazon của Mỹ - nơi bán số lượng lớn các mặt hàng điện tử do Trung Quốc sản xuất, đã đồng ý ghi xuất xứ hàng hóa từ Ấn Độ trên các nền tảng bán hàng của họ.

Hồi đầu tuần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi yêu cầu tất cả người bán hàng phải ghi rõ xuất xử sản phẩm trên cổng trực tuyến GeM, vốn được sử dụng để mua hàng chục tỷ USD hàng hóa.

Xiaomi, thương hiệu điện thoại Trung Quốc phổ biến tại Ấn Độ, đã che logo của họ tại các cửa hàng ở các thành phố lớn tại Ấn Độ. Thay vào đó, họ treo các băng rôn “Sản xuất tại Ấn Độ” vì Xiaomi có nhà máy sản xuất tại đây.

“Lãnh đạo công ty yêu cầu chúng tôi làm như vậy để bảo vệ chúng tôi khỏi những người biểu tình hoặc các chính trị gia có thể phá hủy tài sản trong bối cảnh tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng”, Jignesh, chủ cửa hàng Xiaomi tại Mumbai (Ấn Độ), cho biết.

“Tuy nhiên nhu cầu điện thoại thông minh không giảm và mọi người vẫn tới mua các sản phẩm này”, Jignesh cho biết thêm.

Những hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm một số nguyên liệu thô quan trọng đối với ngành dược phẩm của Ấn Độ, cũng bắt đầu chất đống tại các cảng và sân bay của Ấn Độ vì kiểm tra hải quan chặt chẽ hơn.

Mặc dù quan hệ song phương có nhiều thăng trầm, song Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại giữa hai nước hàng năm đạt khoảng 90 tỷ USD.

Ấn Độ đang xem xét đình chỉ các dự án hợp tác với Trung Quốc với tổng giá trị trên 600 triệu USD và lên kế hoạch tăng thuế quan đối với khoảng 300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ trưởng Công lý xã hội Ấn Độ Ramdas Athawale ngày 18/6 kêu gọi đóng cửa các nhà hàng, khách sạn Trung Quốc phục vụ các món ăn Trung Quốc tại Ấn Độ.

Bộ trưởng Viễn thông Ấn Độ đã đề nghị các nhà cung cấp viễn thông nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân cấm tất cả các thương vụ trong tương lai với Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ cũng cho biết nước này đã quyết định hủy hợp đồng đường sắt với một công ty Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo SCMP