1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Canada “thiệt đơn, thiệt kép” vì mắc kẹt giữa cuộc chiến Mỹ-Trung

(Dân trí) - Vụ bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Trung Quốc Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ đang khiến Canada rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và phải gánh những hệ quả ngoài ý muốn.


Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu đang khiến quan hệ Canada, Trung Quốc căng thẳng. (Ảnh: Canada Press)

Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu đang khiến quan hệ Canada, Trung Quốc căng thẳng. (Ảnh: Canada Press)

Tiến thoái lưỡng nan

Giới chức Canada ngày 1/12 đã bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ. Canada khẳng định việc bắt giữ này của họ không hề mang động cơ chính trị và chỉ nhằm tuân thủ hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Mỹ.

Mặc dù vậy, Canada đã vô tình “chọc giận” Trung Quốc khi Bắc Kinh cho rằng vụ bắt giữ hoàn toàn mang động cơ chính trị nhằm gây sức ép trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng giữa 3 nước. Canada bất đắc dĩ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là đồng minh Mỹ và một bên là đối tác thương mại quan trọng Trung Quốc.

Chính phủ và truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Canada lập tức thả doanh nhân Mạnh Vãn Chu nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Tòa án Canada ngày 11/12 đã chấp nhận đề nghị được tại ngoại của bà Mạnh Vãn Chu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, động thái này của Ottawa là chưa đủ để xoa dịu căng thẳng khi nữ doanh nhân Trung Quốc vẫn phải đối mặt với lệnh dẫn độ sang Mỹ và đối mặt với án 30 năm tù nếu bị buộc tội.

Thiệt đơn, thiệt kép


Hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ. (Ảnh: BBC)

Hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ. (Ảnh: BBC)

Giữa lúc tình hình căng thẳng, Trung Quốc xác nhận tạm giữ 2 công dân của Canada, gồm cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Bắc Kinh nói rằng, những người này bị nghi ngờ có liên quan đến các hoạt động đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc, song từ chối nêu cụ thể với lý do cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc bắt giữ giám đốc tài chính Huawei với việc 2 công dân Canada bị tạm giữ ở Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chỉ khẳng định, hành động của chính phủ Trung Quốc dựa trên luật pháp và quy định của nước này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đây có thể là một hành động trả đũa mà Trung Quốc nhằm vào Canada.

Căng thẳng hiện tại cũng làm dấy lên những lo ngại về tác động tiêu cực đến kinh tế Canada khi Trung Quốc được coi là một thị trường xuất khẩu quan trọng của quốc gia này.

Cụ thể, Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với việc tiêu thụ các sản phẩm nông, ngư nghiệp của Canada như thịt lợn, tôm và nhiều mặt hàng công nghiệp khác. Tuy vậy, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ có các hành động trả đũa nhằm vào ngành xuất khẩu của Canada.

Gary Stordy, một quan chức của Hiệp hội thịt lợn Canada, cho biết hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ đóng cửa thị trường với Canada. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, những người nông dân đều biết rằng, Trung Quốc từng dùng các quy định về an toàn thực phẩm làm công cụ trả đũa, ví dụ trả đũa nhằm vào cá hồi Na Uy sau khi Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba năm 2010.

“Trung Quốc từng có cách trả đũa kiểu này. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là trả đũa sẽ không đi đến đâu. Đó không phải là vấn đề giữa Canada và Trung Quốc. Chúng tôi đang thực hiện đề nghị của Mỹ (theo hiệp ước giữa hai nước)”.


Người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay sản phẩm của hãng thời trang Canada Goose. (Ảnh minh họa: Dailymail)

Người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay sản phẩm của hãng thời trang Canada Goose. (Ảnh minh họa: Dailymail)

Tẩy chay hàng hóa cũng là một vấn đề đáng lo ngại với Canada khi căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Theo Washington Post, ngay khi căng thẳng bùng phát do vụ bắt giữ giám đốc Huawei, người tiêu dùng Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang cáo cấp Goose của Canada. Động thái này khiến giá cổ phiếu của Goose giảm gần 20% kể từ khi thông tin về vụ bắt giữ được công bố. Hãng thời trang Goose cũng buộc phải hoãn kế hoạch mở rộng thị trường ở Trung Quốc, thị trường chiếm tới 10% doanh số bán hàng toàn cầu của hãng.

Các chuyên gia cũng cảnh báo thêm, căng thẳng hiện nay có thể làm tiêu tan những nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong việc đàm phán một hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc vốn đã không dễ dàng.

Minh Phương

Theo New York Times, Toronto Star