1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trả đũa vụ "nữ tướng" Huawei, Trung Quốc xác nhận điều tra công dân Canada thứ 2

(Dân trí) - Trung Quốc ngày 13/12 xác nhận rằng một công dân Canada thứ 2 đang bị điều tra về các hoạt động gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia, không lâu sau vụ bắt giữ một nhà cựu ngoại giao Canada. Hai vụ việc liên tiếp diễn ra sau khi Ottawa bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.


Ông Michael Spavor - người hiện bị phía Trung Quốc bắt giữ (Ảnh: Twitter)

Ông Michael Spavor - người hiện bị phía Trung Quốc bắt giữ (Ảnh: Twitter)

Một bài viết đăng trên trang tin tức trực tuyến của chính quyền Liêu Ninh cho hay công dân Canada Michael Spavor đã bị Cục an ninh Liêu Ninh điều tra vào ngày 10/12. Cuộc điều tra này liên quan tới “các hoạt động gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia Trung Quốc”.

Thông tin trên diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Canada cho biết cơ quan này không thể liên lạc được với doanh nhân trên kể từ khi ông thông báo cho chính phủ về việc ông bị giới chức Trung Quốc thẩm vấn.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trước đó nói với báo giới rằng một công dân Canada thứ hai có thể đăng gặp rắc rối tại Trung Quốc.

Trước đó, giới chức Trung Quốc hôm 10/12 cũng đã bắt giữ nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Canada Guillaume Berube cho hay ông Spavor là một doanh nhân kinh doanh tại thành phố Đan Đông ở phía bắc Trung Quốc và điều hành các hoạt động trao đổi văn hóa với Triều Tiên.

“Chúng tôi đang rất cố gắng để xác định địa điểm hiện thời của ông ấy và chúng tôi sẽ tiếp tục nêu vấn đề này với chính phủ Trung Quốc”, phát ngôn viên nói.

Từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Ông Spavor được biết tới là người có mối quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên và là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Trao đổi văn hóa Paektu. Ông đã tới thăm Triều Tiên nhiều lần cùng các phái đoàn để tìm hiểu các cơ hội kinh doanh tại nước này.

Ông Spavor từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 10/2017. Ông cũng tham gia cuộc duyệt binh của Triều Tiên hồi tháng 2 và đăng tải một video trên trang Twitter cá nhân.


Ông Michael Spavor gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2013 (Ảnh: AFP)

Ông Michael Spavor gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2013 (Ảnh: AFP)

Tổ chức của ông Spavor chuyên về kết nối và cố vấn về các hoạt động kinh doanh liên quan tới Triều Tiên và hồi tháng 8 ông nói rằng viễn cảnh hợp tác với Triều Tiên trong năm nay đã được cải thiện.

Ông Spavor cũng giúp sắp xếp một chuyến thăm tới Triều Tiên của cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman.

Theo kế hoạch, ông Spavor dự kiến tham dự một hội thảo tại Seoul (Hàn Quốc) vào tối ngày 11/12 nhưng đã không có mặt, theo những người biết về vụ việc cho hay.

“Chúng tôi không biết thông tin gì từ ông ấy… Ông ấy không đến. Tôi cũng không nghe được gì hay biết gì về địa điểm của ông ấy”, một nguồn tin cho hay.

“Ông ấy dự kiến tới Seoul nhưng không ai nhìn thấy ông”, một nguồn tin khác nói.

Vụ mất tích của ông Spavor diễn ra chỉ ít ngày sau khi nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig bị bắt giữ trong một chuyến thăm tới Bắc Kinh. Beijing News ngày 12/12 đưa tin rằng ông Kovrig bị tình nghi đã tham gia vào các hoạt động có thể làm tổn hại tới an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Giới chức Canada cho biết họ được chính thức thông báo về vụ bắt giữ ông Kovrig qua fax vào sáng ngày 10/12.

“Canada rất lo ngại về vụ bắt giữ ông Kovrig và Canada đã nêu trực tiếp vụ việc với giới chức Trung Quốc”, Ngoại trưởng Canada Freeland nói.

Các vụ bắt giữ trên diễn ra sau khi Canada hồi tuần trước bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei theo đề nghị của giới chức Mỹ. Washington muốn dẫn độ bà Mạnh để truy tố bà về các cáo buộc liên quan tới các vụ làm ăn vốn vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Trung Quốc đã đáp trả bằng việc bắt giữ ông Kovrig, một nhà cựu ngoại giao và hiện là một chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn an ninh Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG).

Các bạn bè và chuyên gia cho rằng ông Kovrig đã trở thành con tin trong vụ tranh cãi giữa 3 quốc gia.

“Trong trường hợp này, rõ ràng chính phủ Trung Quốc muốn trút sức ép lớn nhất lên chính phủ Canada”, Guy Saint-Jacques, cựu Đại sứ Canada tại Bắc Kinh, nhận định.

Bà Mạnh Vãn Chu đã được Canada cho phép tại ngoại hôm 11/12 với các điều kiện rất chặt chẽ, trong đó có việc theo dõi 24/24 và nộp tiền bảo lãnh 10 triệu đôla Canada (7,5 triệu USD).

Canada cho biết giới chức Trung Quốc đã được phép tiếp xúc lãnh sự với bà Meng hôm 1/12, bác bỏ các tuyên bố trái ngược từ phía Bắc Kinh.

An Bình

Theo SCMP