1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Căn cứ nhạy cảm khiến Nga kiên quyết ngăn NATO mở rộng về phía Đông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, căn cứ tên lửa nhạy cảm của Mỹ đặt ở Ba Lan là một trong những nguyên nhân khiến Nga kiên quyết phản đối NATO mở rộng hiện diện quân sự về phía Đông.

Căn cứ nhạy cảm khiến Nga kiên quyết ngăn NATO mở rộng về phía Đông - 1

Máy bay chiến đấu thời Liên Xô đã ngừng hoạt động bên ngoài căn cứ của Mỹ ở làng Redzikowo, Ba Lan (Ảnh: NYT).

Tomasz Czescik, nhà khảo cổ học, nhà báo người Ba Lan, đều đặn mỗi sáng đều dắt chó đi dạo qua một khu rừng gần nhà ở sườn phía đông của NATO. Ông tận hưởng buổi sáng đầy yên tĩnh trong rừng cho tới khi nghe thấy loa phát thanh ở bên kia một hàng rào gắn biển báo "tránh xa" bằng tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga.

"Tôi chưa bao giờ thấy ai vào trong đó", ông Czescik nói, chỉ về phía tòa nhà ở đằng xa.

Theo New York Times, hàng rào trên hiện đang được quân nhân Ba Lan canh gác, là vòng ngoài của cơ sở quân sự rất nhạy cảm của Mỹ. Cơ sở này dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, mà Washington mô tả là sẽ giúp bảo vệ châu Âu, Mỹ khỏi mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Iran.

Tuy nhiên, với Tổng thống Nga Vladimir Putin, căn cứ quân sự này và một căn cứ khác ở Romania lại được xem là bằng chứng cho mối đe dọa của NATO về việc mở rộng về phía Đông. New York Times cho rằng, cơ sở này được xem là một phần lý do cho việc Nga bày tỏ sự kiên quyết trong thời gian qua phản đối việc khối liên minh phương Tây gia tăng hiện diện quân sự ở Đông và Trung Âu. 

Trong những tháng qua, Nga được cho đã gia tăng chuyển quân tới gần Ukraine vì cho rằng điều này là cần thiết cho an ninh của họ. Moscow cũng đưa ra đề nghị tới NATO về việc không mở rộng khối về phía Đông, rút các hệ thống vũ khí mà Moscow lo ngại có thể gây đe dọa tới an ninh của Nga.

Dù Nga đã thông báo rút bớt quân sau khi tiến hành xong tập trận gần Ukraine nhưng căng thẳng vẫn chưa thể xuống thang hoàn toàn, khi phương Tây nghi ngờ rằng Moscow vẫn hiện diện đáng kể tại các khu vực này.

Lo ngại an ninh

Căn cứ nhạy cảm khiến Nga kiên quyết ngăn NATO mở rộng về phía Đông - 2

Hàng rào căn cứ Mỹ nằm ở Ba Lan, sát biên giới Nga (Ảnh: New York Times).

Năm 2016, Nga từng lên tiếng phản đối việc cơ sở tên lửa của Mỹ hoạt động ở Romania vì các khí tài này được triển khai gần Nga. Tuy nhiên, căn cứ tên lửa ở Ba Lan sắp đi vào hoạt động này nằm ở làng Redzikowo, nơi thậm chí chỉ nằm cách lãnh thổ Nga hơn 100 km và cách thủ đô Moscow hơn 1.000 km.

"Chúng tôi có triển khai tên lửa gần biên giới Mỹ không? Chúng tôi không làm vậy. Chính Mỹ là bên tới gần nhà chúng tôi mang theo tên lửa cũng như đứng trước ngưỡng cửa của chúng tôi", ông Putin phát biểu hồi tháng 12 năm ngoái.

"Trái tim" của căn cứ Mỹ tại Ba Lan là hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis. Tổ hợp này chứa các radar có khả năng theo dõi các tên lửa đối thủ, cũng như chỉ đường cho hoạt động đánh chặn. Nó cũng được trang bị các bệ phóng tên lửa được gọi là MK 41, khí tài mà người Nga lo ngại có thể dễ dàng thay thế để bắn các tên lửa tấn công như Tomahawk.

Thomas Graham, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cho biết Moscow chưa bao giờ tin những lời đảm bảo của Washington rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ là nhằm vào Iran chứ không phải Nga.

"Cuộc khủng hoảng hiện tại có quy mô rộng hơn rất nhiều so cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ukraine chỉ là một vấn đề trong hàng loạt những điều mà Nga lo ngại, bao gồm tình hình ở Ba Lan, Romania cũng như các nước Baltic", ông Graham nhận định.

Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nhấn mạnh rằng Nga muốn thấy "những thay đổi cơ bản trong an ninh châu Âu", vượt ra ngoài  vấn đề Ukraine, bao gồm việc quân đội NATO rút hiện diện ở Đông Âu, hạn chế việc triển khai vũ khí tấn công và hạn chế tên lửa tầm trung.

Tomasz Smura, giám đốc nghiên cứu của Casimir Pulaski Foundation (Ba Lan), cho biết: "Đây là một vấn đề rất lớn đối với Nga".

Quan điểm của Nga khi chứng kiến quân đội và khí tài đối thủ hiện diện ở gần biên giới của họ là họ đang bị xâm phạm tới lợi ích về mặt an ninh. Nếu Ukraine gia nhập NATO, Nga lo ngại quốc gia Liên Xô cũ sẽ tràn vũ ngập vũ khí NATO, giống như Ba Lan và Romania.

Trong khi đó, NATO tuyên bố các tên lửa đánh chặn Aegis "không thể làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Nga", đồng thời "không sử dụng cho mục đích tấn công". NATO nói rằng các tên lửa đánh chặn không chứa chất nổ và không thể đánh trúng mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, tuyên bố này là vẫn không thể đủ để xoa dịu mối lo ngại của Nga.

Theo www.nytimes.com