1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cameroon hỗn loạn vì người Trung Quốc đổ xô tới đào vàng

(Dân trí) - Căng thẳng và bạo lực đang có dấu hiệu leo thang tại khu vực miền đông Cameroon khi các công ty Trung Quốc đổ xô tới những vùng đất hoang để khai thác vàng kéo theo hàng loạt những mâu thuẫn và hệ lụy như các vụ giết người, tình trạng cướp đất.


Một công nhân Trung Quốc lái máy xúc trong khu vực khai thác vàng ở Cameroon (Ảnh: AFP)

Một công nhân Trung Quốc lái máy xúc trong khu vực khai thác vàng ở Cameroon (Ảnh: AFP)

“Liên tục xuất hiện những mâu thuẫn giữa người Cameroon và người Trung Quốc về vấn đề khai thác vàng”, AFP trích lời ông Narma Ndoyama, một nông dân sinh sống ở Longa Mali, ngôi làng nhỏ nằm giữa các mỏ vàng, cho biết.

Vào đầu tháng 4, bốn công ty đã bị chính phủ Cameroon cấm đào vàng tại khu vực đông nước này, theo số liệu của Foder, một tổ chức hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn. Một trong các công ty đó là Lu&Lang, công ty đã trở nên khét tiếng trong khu vực sau khi nhân viên của họ bị cáo buộc đã sát hại một công dân Cameroon khi anh này đang đi tìm vàng trong khu đất mà công ty nhận là của họ.

Để đáp trả, người dân trong làng đã bắt người đàn ông Trung Quốc bị tình nghi và ném đá chết người này, ông Ndoyama cho biết. Sau khi dừng một thời gian tạm ngừng khai thác, tới nay công ty Lu&Lang đã quay trở lại hoạt động bình thường.

Ông Philippe Balla, cha của nạn nhân người Cameroon cho biết: “Người Trung Quốc đã giết chết con trai tôi và họ không làm gì cả. Họ vẫn đang khai thác vàng và không ai động đến họ”.

Cụ Michel Pilo đến từ làng Mali nói rằng các công ty Trung Quốc thường mua đất nông nghiệp từ các nông dân với giá rất rẻ. Bản thân cụ Pilo phải chấp nhận bán mảnh đất trị giá 925 USD với giá 148 USD. Theo một quan chức địa phương, người nông dân không có lựa chọn nào khác là phải bán các mảnh đất trên: “Bạn không thể nói không khi họ (người Trung Quốc) đề nghị vì nếu như vậy đất của bạn vẫn sẽ bị đào lên và bạn cũng không được nhận được tiền". Quan chức này ám chỉ cáo buộc các công ty Trung Quốc can thiệp để người dân phải bán lại đất.

Ông Ndoyama là một trong những người hiếm hoi còn giữ được đất canh tác. Với ông, sự bành trướng của các công ty khai thác vàng Trung Quốc là mối đe dọa rất lớn tời trang trại trồng sắn của gia đình.


Các máy móc bên trong khu vực khai thác vàng của công ty Trung Quốc tại Cameroon (Ảnh: AFP)

Các máy móc bên trong khu vực khai thác vàng của công ty Trung Quốc tại Cameroon (Ảnh: AFP)

Các nông dân địa phương đã nhiều lần kêu gọi chính quyền vào cuộc để phân định lại ranh giới của đất đai, cũng như có cơ chế thích hợp bảo vệ quyền lợi cho các bên nhưng tới nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Các nhà quan sát và nhà hoạt động Cameroon đã đặt ra nghi vấn rằng ai thực sự đã đưa người Trung Quốc vào Cameroon khai mỏ.

Thông thường, quy trình được nhận giấy phép khai mỏ khá phức tạp và nhà nước Cameroon chưa bao giờ cấp quyền khai thác mỏ công nghiệp. Các hoạt động khai thác hầu như có quy mô nhỏ. Những người nhận được giấy phép khai thác, phần lớn là người Cameroon, thường bán lại cho các công ty nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Theo Folder, hoạt động cấp giấy phép khai mỏ ở Cameroon khá phức tạp và được cho là chưa có sự minh bạch nhất định. Truyền thông địa phương đặt ra nghi vấn rằng những người thuộc giai cấp thượng lưu ở Cameroon là những người nắm giữ giấy phép khai thác và chuyển giao chúng cho người Trung Quốc. Tuy nhiên, rất khó để xác nhận thông tin này. Thêm vào đó, các tổ chức hoạt động cáo buộc rằng quân đội Cameroon dường như đã hỗ trợ bảo vệ các khu vực mà công ty Trung Quốc đào vàng.

Mặc dù chính phủ Cameroon đã thành lập cơ quan chuyên trách chuyên quản lý hoạt động khai thác vừa và nhỏ, nhưng họ dường như không có đủ nguồn lực để bao quát toàn bộ các hoạt động.

Khu vực phía đông Cameroon là khu vực nổi tiếng với nhiều khoảng chất và kim loại quý hiếm. Dù vậy, đây vẫn là khu vực nghèo đói và chậm phát triển. Luật pháp Cameroon quy định rõ, 25% sản lượng vàng khai thác được phải nộp lại ngân sách nhà nước. Trong năm 2017, Cameroon đã nhận về 255 kg vàng.

Đức Hoàng

Theo SCMP