1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dự án "Vành đai, con đường" của Trung Quốc sắp cạn tiền?

(Dân trí) - Các chuyên gia về ngân hàng Trung Quốc cảnh báo rằng tỷ lệ nợ tại nhiều quốc gia nơi Bắc Kinh triển khai dự án “Vành đai, con đường” đã vượt xa ngưỡng cho phép và Bắc Kinh dường như đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn trầm trọng để đưa sáng kiến thành hiện thực.


(Ảnh min họa: The Financial Express)

(Ảnh min họa: The Financial Express)

Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc nhằm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi dường như đang đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng, SCMP trích lời các chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng và các nhà nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, cho biết.

Tại một diễn đàn tổ chức tại Quảng Châu ngày 12/4, ông Li Ruogu, cựu chủ tịch ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc, cho hay hầu hết các quốc gia tham gia vào sáng kiến “Vành đai, con đường” do Trung Quốc đề xuất, đều không có khả năng chi trả cho các dự án xây dựng trên lãnh thổ của họ.

Nhiều quốc gia trong số đó đang trong cảnh nợ nần và nền kinh tế của họ thiếu những nguồn tài chính bền vững hoặc nguồn vốn đến từ tư nhân. Ông Li cho biết tỉ lệ nợ phải trả và nợ chung ở các quốc gia này đã đạt tới mức 35% và 126%, vượt xa ngưỡng 20% và 100% cho phép. Ông nhận định sáng kiến “Vành đai, con đường” sẽ cần những nỗ lực rất lớn để có thể huy động vốn cho việc xây dựng các dự án nhỏ.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho hay Bắc Kinh đang làm việc với các tổ chức quốc tế, các tổ chức cho vay thương mại, các trung tâm tài chính như ở Hong Kong hay London (Anh) để đa dạng nguồn vốn cho dự án.

Theo ông Wang Yiming, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, mặc dù nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ chương trình “Vành đai, con đường” đã được các tổ chức tài chính lớn rót vốn như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), nhưng khoản tiền còn thiếu hụt để hoàn thiện dự án ước tính lên tới 500 tỷ USD mỗi năm.

Ông Wang cho hay sự thiếu hụt các nhà đầu tư tư nhân, các kênh tài chính hạn chế và mức sinh lời thấp là những vấn đề chính mà dự án đang gặp phải. Ông kêu gọi thành lập một cơ chế gây quỹ quốc tế để thu hút các nhà đầu tư tư nhân và một hệ thống riêng để đo lường các rủi ro tín dụng liên quan đến từng dự án nhỏ.

Ông Li cho rằng các nhà đầu tư tư nhân thường bị “lúng túng” bởi sự phức tạp của các hệ thống thuế, luật lao động, thủ tục thông quan và các loại tiền tệ tại các quốc gia trong dự án. Ông Li gợi ý chính quyền các nước này nên xem xét việc sao chép mô hình của Trung Quốc và đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài để đưa ra các đề xuất tài chính hấp dẫn hơn.

Đức Hoàng

Theo SCMP