1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cái chết của al-Zarqawi và “trò chơi” chính trị ở Iraq

(Dân trí) - Tin về cái chết của tên trùm khủng bố al-Qaeda ở Iraq được đưa ra trong cuộc họp báo ngày hôm qua đã khiến nhiều nhà báo Iraq vỗ tay ăn mừng. Bởi cái chết của Mousab al-Zarqawi không chỉ đơn thuần là chiến thắng về quân sự, mà nó còn là chiến thắng về chính trị.

Đêm ngày thứ tư vừa qua, kết hợp với tình báo Iraq và điệp viên Jordan, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã san phẳng ngôi nhà nơi Zarqawi và 7 phụ tá cao cấp khác của nhóm khủng bố al-Qaeda ở Iraq lẩn trốn. Ngôi nhà trở thành mồ chôn cho tất cả kẻ khủng bố này, tướng Mỹ chỉ huy Lực lượng đa quốc gia ở Iraq George Casey khẳng định. Người ta xác định được Al-Zarqawi nhờ nhận diện, và kiểm tra các vệt sẹo, dấu vân tay.

 

“Zarqawi đã là cha đẻ của các nhóm phiến quân ở Iraq,” đại sứ Mỹ Zalmay Khalilzad nhận định. “Hắn đã lãnh đạo một cuộc nội chiến chống lại đạo Hồi, một cuộc chiến toàn cầu chống lại các nền văn minh thế giới.”

 

Cái chết của Zarqawi là một bước tiến vững chắc mới của Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq. Tuy nhiên, nó không chấm dứt được tình trạng loạn lạc hiện nay. Bởi kể từ khi người Mỹ đặt chân tới Iraq có vô số các nhóm, đảng phái mọc lên, mà không phải nhóm nào cũng trung thành với Zarqawi. Cái chết của Zarqawi cũng không chấm dứt được các cuộc xung đột sắc tộc, bởi người Shiite vẫn bị giết hại, bộ Nội vụ Iraq và lực lượng cảnh sát vẫn không thể kiểm soát được tình hình. Nhiều nhóm phiến quân Sunni không “đồng đảng” với Zarqawi và chúng có “mối thù riêng” với chính phủ Shiite của Thủ tướng Maliki, chính phủ mà chúng coi là một con rối trong tay Iran.

 

Tuy Zarqawi không phải là một “ông ba bị” đầy quyền lực, nhưng người Mỹ đã để hắn tuột tay không biết bao nhiêu lần. Hắn vẫn mang tiền vào Iraq và tuyển mộ người. Zarqawi là một lãnh đạo đầy uy tín với những phiến quân jihad nước ngoài. Những phiến quân này tuy ít về số lượng nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đối với các nhóm nổi dậy ở trong lòng Iraq. Chúng có thể lôi kéo được cả cựu thủ lĩnh đảng Baath và những người Hồi giáo địa phương đến trại của chúng. Cái chết của Zarqawi chắc chắn sẽ làm tăng lượng tiền đổ cho jihad và tăng nhân sự cho nhóm này.

 

Quan trọng hơn, cái chết của Zarqawi là một dấu hiệu cho thấy kế hoạch của người Mỹ - đưa người Sunni vào trong guồng máy chính trị Iraq - đang “nở hoa kết trái”.

 

Ván bài của Mỹ là đưa người Sunni vào bộ máy chính trị của Iraq, bất chấp sự phản đối của các đồng minh người Shiite và người Kurds. Bởi theo họ, các chính trị gia Sunni như Adnan al-Dualaimi và Tariq al-Hashimi có thể gây ảnh hướng đến những chiến binh Hồi giáo và những người thuộc đảng Baath cũ. Thậm chí, những người Sunni này còn khiến các phần tử nổi dậy Iraq quay lưng chống lại Zarqawi. Điều đó có thể xảy ra. Bởi chính lực lượng an ninh Iraq nhận được tin tình báo về nơi trú ẩn của tên trùm khủng bố Iraq từ những người sống ở Baquba, "thánh địa" của những người thuộc đảng Baath.

 

Cũng chính trong ngày hôm qua, các chính trị gia Sunni lên tiếng: Zarqawi đã bị tiêu diệt, nên đây chính là thời điểm để chấm dứt xung đột giáo phái.

 

Chỉ vài phút sau cuộc họp báo hân hoan của Thủ tướng Iraq Maliki, ông đã đọc danh sách những cái tên lấp đầy những vị trí còn trống trong chính phủ mới như Bộ trưởng bộ nội vụ, bộ quốc phòng, bộ an ninh quốc gia. Đó là chiến thắng của tình đoàn kết, và được xem như là một phần thưởng lớn cho cái chết của Zarqawi. Đối với chức Bộ trưởng Quốc phòng, họ có tướng Abdel Qader Jassim, một người Sunni, hiện là chỉ huy lực lượng vũ trang Iraq, và nổi tiếng vì từng khuyên Saddam rút khỏi Kuwait năm 1991. Đối với chức Bộ trưởng Nội vụ, Maliki nêu tên một người Shiite, Jawad al-Bolani, từng làm tướng dưới thời Saddam. Cả hai nhân vật trên đều được người Sunni chấp nhận.

 

Vì vậy, câu hỏi tập trung bây giờ sẽ chỉ còn là: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dường như, chắc chắn sẽ có một làn sóng bạo lực mới ngay lập tức bùng phát. Bởi các chiến binh trung thành với Zarqawi sẽ vùng lên để trả thù cho thủ lĩnh của chúng, để chứng tỏ chúng vẫn còn khả năng tấn công khi không có Zarqawi. Nhưng cái chết của Zarqawi là một bằng chứng rõ ràng cho thấy người Sunni đã sẵn sàng từ bỏ hắn, và sẵn sàng gia nhập vào guồng máy chính trị của Iraq. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

 

“Cái chết của Zarqawi sẽ không chấm dứt được bạo lực ở Iraq,” thủ tướng Khalilzad nhận định. “Nhưng nó là bước quan trọng cho một hướng đi đúng.” Khalilzad đã đúng. Người Shiite hiện sẽ phải sớm kết thúc quá trình mặc cả của họ. Bước tiếp theo cho Malki và cho đội an ninh mới của ông là kiềm chế được chiến binh Shiite – nguyên nhân chính khiến người Sunni hướng sự giận giữ vào chính phủ Baghdad. Nếu họ không thực hiện được, các cuộc chém giết giữa các đảng phái vẫn tiếp tục, và người Sunni sẽ một lần nữa để cho các chiến binh của mình “tự do hành động”. Và nếu điều đó xảy ra, thì sẽ chẳng có thêm một thoả thuận mới nào trên chính trường Iraq.

 

Trang Thu

Theo Time

Dòng sự kiện: Al-Zarqawi bị tiêu diệt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm