1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách Mỹ giúp đỡ Ukraine dù không gửi quân, máy bay chiến đấu

Thành Đạt

(Dân trí) - Mặc dù không đưa quân hay máy bay chiến đấu tham gia vào các cuộc giao tranh trực tiếp tại Ukraine, song Washington vẫn tìm cách giúp đỡ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Cách Mỹ giúp đỡ Ukraine dù không gửi quân, máy bay chiến đấu - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).

Mỹ đã viện trợ hơn 1 tỷ USD để giúp đỡ quân đội Ukraine trong năm qua và cam kết viện trợ nhiều hơn khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Washington được cho là đã gửi hàng trăm tên lửa Stinger như một phần của gói viện trợ phòng thủ mới nhất, trong khi Nhà Trắng yêu cầu Quốc hội cho phép bổ sung 10 tỷ USD hỗ trợ an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine.

Tuy nhiên, khi tình hình chiến sự ngày càng leo thang, Mỹ sẽ phải thay đổi chiến lược cung cấp các khoản viện trợ cho Ukraine, cũng như đánh giá cách thức giúp Ukraine vượt qua một cuộc xung đột có nguy cơ kéo dài thông qua viện trợ an ninh và nhân đạo.

Trong 6 tháng qua, ông Joe Biden đã sử dụng quyền hạn tổng thống của mình 3 lần nhằm cho phép tổng thống ứng phó với các tình huống khẩn cấp bất ngờ mà không cần đến cơ quan lập pháp. Lần gần đây là vào ngày 26/2 khi ông phê duyệt 350 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị-quân sự Jessica Lewis phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng lô hàng viện trợ mới bao gồm tên lửa chống tăng Javelin - loại vũ khí chỉ cần một người vận chuyển và vận hành.

"Đó có lẽ là những vũ khí có tác động mạnh nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho Ukraine vì chúng có thể được các binh sĩ sử dụng từ các vị trí phục kích hoặc sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chúng có thể tiêu diệt xe tăng Nga một cách đáng tin cậy", Frederick Kagan tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định.

Trong vòng chưa đầy một tuần, Mỹ và đồng minh đã đưa hơn 17.000 vũ khí chống tăng tới Ukraine, bao gồm tên lửa Javelin, qua biên giới Ba Lan và Romania. Các thiết bị quân sự này được dỡ xuống khỏi các máy bay khổng lồ để vận chuyển bằng đường bộ tới thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine.

Mỹ cũng gửi hàng trăm hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không Stinger, có thể được các lực lượng mặt đất triển khai để bắn vào các mục tiêu trên không. Kagan cho rằng khó có thể hạ máy bay Nga bằng hệ thống phòng không, nhưng chúng "hoàn toàn có thể trở thành cơn ác mộng đối với trực thăng Nga".

Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng Mỹ tiếp tục làm việc với các đối tác để viện trợ thiết bị phòng thủ cho Ukraine và những thiết bị đó đang được chuyển giao cho các binh sĩ chiến đấu với lực lượng Nga.

Phần lớn viện trợ vũ khí do Mỹ cam kết đã được chuyển giao cho các lực lượng Ukraine. Một quan chức Mỹ nói rằng Washington rất "ấn tượng" với cách lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng hiệu quả các thiết bị do Mỹ cung cấp.

"Họ có thể triển khai thiết bị rất nhanh chóng trên chiến trường và đã làm chậm đà tiến của Nga", quan chức Mỹ nói thêm.

Theo quan chức Mỹ, các lực lượng Ukraine cũng được Mỹ huấn luyện trong bối cảnh mối đe dọa của Nga đối với nước láng giềng ngày càng nghiêm trọng hơn. Quan chức này cho biết 14 quốc gia khác cũng đã chuyển giao vũ khí cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên việc gửi thêm thiết bị cho Ukraine sẽ trở nên khó khăn hơn khi Nga tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự. Do thời gian gấp gáp, quân đội Ukraine cần những thiết bị mà họ có thể được đào tạo để sử dụng nhanh chóng như Stinger, Javelin hay đạn dược.

"Điều này đặt ra hạn chế đáng kể đối với những thiết bị mà chúng ta có thể cung cấp, bởi vì nó rất ngắn hạn", Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

"Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, nhiều loại đạn hơn sẽ được triển khai vì các cuộc chiến tranh hiện đại sử dụng rất nhiều đạn dược và quân đội có xu hướng không dự trữ nhiều", Cancian cho biết thêm.

Cách Mỹ giúp đỡ Ukraine dù không gửi quân, máy bay chiến đấu - 2

Binh sĩ Ukraine bốc dỡ tên lửa do Mỹ viện trợ tại sân bay Kiev (Ảnh: AP).

Mỹ cũng phải xem xét lại cách thức vận chuyển vũ khí, vì không thể đưa máy bay trực tiếp qua không phận Ukraine khi xung đột đang nổ ra. Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí nhỏ hơn vẫn có thể được vận chuyển qua phương tiện giao thông trên bộ.

Leah Scheunemann, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ ra rằng một số tuyến đường bộ đang được sử dụng để cung cấp viện trợ an ninh, nhưng đồng thời cũng được dân thường Ukraine sử dụng để sơ tán.

"Không ai giỏi về hậu cần hơn quân đội Mỹ. Vì vậy, chúng ta có thể giúp duy trì các tuyến đường bộ quan trọng này để khi chúng ta triển khai tất cả gói viện trợ đang được Quốc hội xem xét, chúng cần phải được đưa đến đúng nơi", Scheunemann nhận định.

Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không đưa quân trực tiếp tới Ukraine để tham gia chiến dịch quân sự tại đây, mặc dù Washington đã gửi khoảng 15.000 quân để củng cố sườn phía đông của NATO trong vài tháng qua.

Ý tưởng thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine cũng bị Washington từ chối ngay từ đầu, vì làm như vậy sẽ dẫn đến sự tham gia của quân đội Mỹ và có nguy cơ xảy ra tình huống bắn rơi máy bay Nga khiến xung đột leo thang nhanh chóng.

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh không thể gửi quân trực tiếp vào cuộc xung đột, Mỹ vẫn còn các lựa chọn khác để giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

"Nếu xung đột vẫn tiếp diễn trong thời gian dài, chúng ta có thể thực hiện những động thái khác. Chúng ta có thể đào tạo người Ukraine bên ngoài lãnh thổ của họ. Chúng ta có thể nghĩ đến việc cung cấp một loại thiết bị mới, nếu xung đột kéo dài nhiều tháng", Cancian nói thêm.

Việc gửi hỗ trợ nhân đạo, bao gồm thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu, để giúp người dân Ukraine đối phó với xung đột cũng quan trọng không kém.

"Tôi nghĩ rằng ngoài tập trung vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, chúng ta cũng cần thực sự tập trung vào việc hỗ trợ cuộc sống cho người Ukraine để giúp họ vượt qua cuộc xung đột", Kagan nói.

Theo Hill, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine