Cách châm biếm ẩn ý của Nga sau “trào lưu” trục xuất tập thể của phương Tây
(Dân trí) - Thay vì đưa ra những chỉ trích căng thẳng, Moscow đã “mượn” những câu châm biếm đầy ẩn ý để bày tỏ lập trường với phương Tây sau khi hơn 150 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất để đáp trả vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc tại Anh.
Tính đến nay, hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã công bố lệnh trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga sau khi cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc tại Anh hôm 4/3. Mỹ, Anh và một số nước phương Tây cho rằng Nga đã sử dụng chất độc thần kinh được sản xuất từ thời Liên Xô để hạ độc cha con ông Skripal.
Ngoài bác bỏ mọi cáo buộc và trục xuất 150 nhà ngoại giao của các nước phương Tây tại Nga để đáp trả, Moscow cũng sử dụng mạng xã hội để châm biếm “trào lưu” trục xuất này.
Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle để trả đũa Moscow sau vụ cựu điệp viên, Đại sứ quán Nga tại Washington đã đăng một cuộc khảo sát lên Twitter và nhờ người dùng mạng xã hội bình chọn xem nên đóng cửa lãnh sự quán nào của Mỹ tại Nga. 3 lựa chọn được đưa ra là lãnh sự quán Mỹ tại Vladivostok, Yekaterinburg và St. Petersburg. Thông tin về cuộc bầu chọn trên Twitter được công bố hôm 26/3 và chỉ vài ngày sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo Nga sẽ đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg.
Ngoài Mỹ, Đại sứ quán Nga tại Anh cũng sử dụng mạng xã hội Twitter để bày tỏ quan điểm một cách ẩn ý đối với các động thái trục xuất của phương Tây. Trong bài viết được đăng tải hôm 27/3, Đại sứ quán Nga sử dụng câu khẩu hiệu “Keep Calm and Welcome to Russia” (tạm dịch: Hãy bình tĩnh và chào mừng tới nước Nga) để kêu gọi người dân Anh tới Nga bất chấp căng thẳng giữa hai nước. Câu khẩu hiệu này được cho là lấy cảm hứng từ một áp phích cổ động “Keep Calm and Carry on” (tạm dịch: Hãy bình tĩnh và tiến bước) do chính phủ Anh ban hành vào năm 1939 trong giai đoạn chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới thứ hai với mục đích nâng cao tinh thần của người dân và binh sĩ Anh.
“Bất chấp những căng thẳng chính trị, người Anh vẫn được chào đón ở Nga. Hãy đến và khám phá xem nước Nga được chính phủ Anh mô tả và nước Nga trên thực tế khác nhau như thế nào”, Đại sứ quán Nga viết trên Twitter.
Bức ảnh châm biếm cáo buộc Nga can thiệp bầu cử của các nước phương Tây được Đại sứ quán Nga đăng trên Twitter năm 2017 (Ảnh: Twitter)
Đây không phải lần đầu tiên Đại sứ quán Nga chia sẻ hoặc đăng tải những hình ảnh mang tính châm chọc trên mạng xã hội. Hồi tháng 12/2017, trang Twitter của Đại sứ quán Nga đã đăng một bức ảnh cảnh sát giao thông dường như phạt một người phụ nữ lái xe ô tô, trên đó có đoạn hội thoại với nội dung: “Đó không phải lỗi của tôi thưa ngài sĩ quan cảnh sát. Chính tin tặc Nga đã tấn công bảng đồng hồ của tôi”.
“Đó là bệnh dịch, hay trào lưu? Ở phương Tây, tất cả mọi người đều cho rằng đang bị Nga tấn công mạng”, Đại sứ quán Nga viết trên Twitter, ngầm chỉ trích các nước phương Tây cáo buộc Moscow tiến hành các vụ tấn công mạng.
Hồi đầu tháng 3, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã đăng một bức ảnh chụp trực thăng bay trên tòa nhà đại sứ đại sứ quán Nga ở Washington. Trước đó, truyền thông Nga đưa tin về sự xuất hiện một trực thăng lạ rọi đèn chiếu sáng, giống như đang tìm kiếm điều gì đó ở khu vực phía trên tòa nhà đại sứ quán Nga.
"Không hiểu trực thăng Mỹ tìm kiếm gì tại tòa Đại sứ quán Nga tối qua? Một sự nhầm lẫn của thiết bị định vị ngay ở trung tâm thủ đô của Mỹ hay lại là một nỗ lực nữa nhằm tìm kiếm dấu vết Nga can thiệp", Đại sứ quán Nga viết trên Twitter. Dòng bình luận được đăng kèm với bức ảnh Đại sứ quán Nga nhìn từ trên cao và ghép với ảnh một chiếc UFO ngầm ý mỉa mai.
Thành Đạt
Tổng hợp