Mỹ áp thuế cả thế giới
  1. Dòng sự kiện:
  2. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  3. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine
  4. Động đất mạnh tại Myanmar

Các nước gấp rút hành động trước bài toán thuế của ông Trump

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quốc gia đang đưa ra những phản ứng khác nhau để ứng phó với bài toán của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi biện pháp thuế quan có hiệu lực vào ngày 9/4 giờ Mỹ.

Các nước gấp rút hành động trước bài toán thuế của ông Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 7/4 sau khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã áp thuế từ 10% đến 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ hơn 180 đối tác thương mại. Đây là một phần trong chiến lược mà ông Trump nói là nhằm xóa bỏ tình trạng "mất cân bằng thương mại".

Ông Trump cho đến nay vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách thuế quan cứng rắn, ngay cả khi một số đồng minh - cả trong Quốc hội và Phố Wall - tự hỏi liệu ông chủ Nhà Trắng có đi quá xa không.

Nhiều quốc gia đang tìm cách đàm phán với Nhà Trắng hạ nhiệt căng thẳng và tìm giải pháp khả thi sau khi ông Trump công bố mức thuế mới.

"Hơn 50 quốc gia đã phản ứng một cách công khai và tích cực trước hành động lịch sử của Tổng thống Donald Trump nhằm tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu công bằng và thịnh vượng hơn", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent đăng trên mạng xã hội.

Vào chiều 7/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến gặp Tổng thống Trump kể từ khi ông công bố thuế đối ứng. Ông Netanyahu cam kết Israel - quốc gia nằm trong danh sách bị áp thuế 17% - sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại và tiến tới xóa bỏ thặng dư thương mại với Mỹ.

"Chúng tôi nghĩ rằng đó là điều đúng đắn cần làm. Tôi nghĩ rằng Israel có thể trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác nên làm như vậy", Thủ tướng Netanyahu tuyên bố.

Các quốc gia khác dường như đang theo đuổi một chiến lược tương tự với hy vọng đạt được kết quả tích cực.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã điện đàm với Tổng thống Trump vào sáng 7/4. Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố Washington đang bắt đầu đàm phán với Tokyo để "thực hiện tầm nhìn của tổng thống về Kỷ nguyên vàng mới của Thương mại toàn cầu".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết châu Âu "sẵn sàng đàm phán" với Mỹ, đề xuất hai bên cùng giảm thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp về mức 0. Tổng thống Trump đã khen ngợi đề xuất này trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục, nhưng nói thêm rằng vẫn "chưa đủ".

Trong khi đó, Trung Quốc dường như lựa chọn hướng đi khác. Vào sáng 7/4, đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung 34% lên hàng hóa Mỹ. Trước đó, ông Trump tuyên bố áp thuế 34% với hàng hóa Trung Quốc, ngoài mức 20% hiện hành.

Động thái của Trung Quốc khiến Tổng thống Trump lập tức đáp trả, dọa sẽ áp thêm 50% thuế đối với Trung Quốc nếu nước này không nhượng bộ trước ngày 8/4.

Phản ứng của Trung Quốc trước động thái mới nhất của Tổng thống Trump cũng quyết liệt không kém.

"Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng gây sức ép hoặc đe dọa Trung Quốc không phải là cách đúng đắn để hợp tác với chúng tôi. Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu nói.

Một loạt phản ứng và hành động trả đũa lẫn nhau từ Trung Quốc và Mỹ là kịch bản mà các nhà đầu tư lo ngại, khi các chỉ số chứng khoán của Mỹ đồng loạt sụt giảm.

Đến ngày 7/4, ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng phản đối kế hoạch áp thuế của Tổng thống Trump, bao gồm các nhà tài chính Phố Wall từng ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Trump. Các lãnh đạo doanh nghiệp dường như đang tìm cách thuyết phục tổng thống phải hạ nhiệt căng thẳng và thay đổi quyết định.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn kiên định với mục tiêu của mình, khẳng định ông không "xem xét" bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc áp thuế. "Chúng ta sẽ chỉ có một cơ hội cho việc này", ông Trump nói.

Phát biểu tại Vườn hồng bên trong Nhà Trắng ngày 2/4 khi ông công bố mức thuế quan mới, Tổng thống Trump tuyên bố ngày 2/4 sẽ "mãi mãi được ghi nhớ là ngày ngành công nghiệp Mỹ được tái sinh". 

"Mỹ không thể tiếp tục chính sách đầu hàng kinh tế đơn phương. Chúng ta không thể tiếp tục chi trả được thâm hụt với Canada, Mexico và nhiều quốc gia khác. Chúng ta từng làm thế. Chúng ta không thể làm thế nữa", ông Trump nói.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ sử dụng số tiền thu được từ thuế quan để "giảm thuế và trả nợ quốc gia".

Đối với các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo nước ngoài, những người hy vọng Tổng thống Trump sẽ hoãn đòn áp thuế vào phút chót và mở một lối thoát cho sự ổn định, thông điệp đáng lo ngại nhất đến từ một trong những cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, Peter Navarro.

"Đây không phải là một cuộc đàm phán. Tổng thống Trump luôn sẵn lòng lắng nghe. Nhưng đối với những nhà lãnh đạo thế giới, hãy nhớ điều này: đó chỉ là sự khởi đầu", ông viết trong một bài bình luận trên tạp chí Financial Times được công bố vào chiều 7/4.

Vậy nếu đây là bước khởi đầu cho sự thay đổi mang tính hệ thống rộng lớn hơn, mục tiêu cuối cùng mà Tổng thống Trump mong muốn là gì?

Một giả thuyết cho rằng ông Trump đang chuẩn bị một kế hoạch với các cố vấn hàng đầu của mình - được gọi là "thỏa thuận Mar-a-Lago" - với mục tiêu cuối cùng khiến hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên dễ tiếp cận hơn với các thị trường nước ngoài và làm giảm giá trị của lượng dự trữ ngoại tệ lớn mà Trung Quốc đang nắm giữ.

Đây là một kế hoạch do cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, Stephen Miran, thúc đẩy, mặc dù ông đã phủ nhận rằng đó là chính sách hiện tại của chính quyền Mỹ.

Một số quan điểm cho rằng Tổng thống Trump đưa ra quyết định như vậy để tăng doanh thu và bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ, hoặc coi thuế quan như một biện pháp đàm phán. Mức thuế có thể là vĩnh viễn, hoặc chỉ là tạm thời. Chúng sẽ thúc đẩy các thỏa thuận riêng rẽ của Mỹ với các quốc gia khác, hoặc khiến các nước phải đạt được một số thỏa thuận đa phương quy mô lớn.

Đến nay, hơn 70 quốc gia đã liên hệ với chính quyền Tổng thống Trump với mong muốn đàm phán giảm thuế. 

Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran cho biết Tổng thống Trump sẽ là người quyết định cuối cùng về việc có chấp nhận đề nghị mà các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra hay không. Ông nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh đề xuất của các nước và Tổng thống Trump đã khẳng định Mỹ muốn tăng cường tiếp cận các thị trường nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo BBC, Guardian