1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các luật sư châu Á chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

(Dân trí) - Các luật sư đến từ 20 nước châu Á-Thái Bình Dương chỉ trích Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực khi đơn phương biến 7 bãi đá thành đảo nhân tạo rồi xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự, quân sự trên đó.

Ngày 27/6, Hội nghị Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) lần thứ 6 tại thủ đô Kathmandu, Nepal đã ra Tuyên bố Kathmandu với nội dung chính về các vấn đề hòa bình khu vực và toàn cầu. Tuyên bố có đoạn: “Trong trường hợp cụ thể về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Hội nghị quan ngại sâu sắc về tình hình triển khai quân sự tại Biển Đông sẽ dẫn đến khả năng gây ra xung đột quân sự trên biển, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh khu vực”.

Các luật sư châu Á-Thái Bình Dương thảo luận tình hình Biển Đông tại Nepal (Ảnh: Đức Trung)
Các luật sư châu Á-Thái Bình Dương thảo luận tình hình Biển Đông tại Nepal (Ảnh: Đức Trung)

Hội nghị kêu gọi tất cả các nước sử dụng các cơ chế Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, cũng như thương lượng giữa các bên liên quan để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hội nghị cũng kêu gọi giới luật sư, luật gia châu Á - Thái Bình Dương tổ chức các cuộc họp, hội thảo để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên Biển Đông.

Một tuần trước khi ra Tuyên bố Kathmandu, COLAP lần thứ 6 diễn ra ở Nepal, thảo luận về hòa bình toàn cầu và khu vực, kinh tế và quyền phát triển, tăng cường dân chủ. Các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia láng giềng, trong đó nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước việc Trung Quốc hai năm qua ngang nhiên đẩy mạnh việc cải tạo đất, bồi đắp bãi đá ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, tạo ra 7 đảo nhân tạo với diện tích trên 1.370 ha. Cụ thể, Trung Quốc đã cải tạo hơn 2 triệu m2 đất trên đá Chữ Thập, hơn 3 triệu m2 đất trên đá Xu Bi…

Đáng lo ngại hơn, trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc xây dựng bến cảng, trạm radar tần số cao, đường băng dài để phục vụ cả máy bay thương mại và quân sự, rồi cử tàu chiến tới vùng biển tranh chấp, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Các luật sư, luật gia châu Á-Thái Bình Dương đề nghị, để căng thẳng không leo thang, để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan ở Biển Đông, các nước có tuyên bố chủ quyền cần phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Các đại biểu dẫn một số trường hợp giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao, hoặc bên thứ ba (tòa án quốc tế). Dự kiến, tháng 7, Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan “đường lưỡi bò”. Năm 2008, Malaysia và Singapore sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế để giải quyết tranh chấp một số đảo và đá ngầm…

Nam Hằng