Các kỷ lục buồn về Covid-19 trên thế giới liên tiếp bị phá vỡ
Chỉ trong 24 giờ qua, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục.
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến chiều nay (3/7) (giờ Việt Nam), số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt quá 11 triệu người và chỉ trong 24 giờ qua, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục.
Điều này đang trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho những cảnh báo của các cơ quan y tế trên toàn cầu về tình trạng mất kiểm soát khi đứng trước làn sóng Covid-19 mới.
Nước Mỹ vừa đánh dấu ngày có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới cách đây hơn 5 tháng. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, chỉ trong vòng 24 giờ tính đến tối 2/7, nước Mỹ ghi nhận thêm 53.069 người nhiễm virus SARS-CoV-2, còn theo thống kê của hãng tin Reuters (Anh), con số này thậm chí còn cao hơn, tới 55.274 ca mắc mới.
Đáng lưu ý, đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ vượt con số 50.000. Những con số đáng báo động này cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, bởi nước Mỹ phát hiện ca nhiễm đầu tiên từ ngày 21/1/2020. Tới nay, dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động mạnh nhất, vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Quốc gia này có hơn 2,8 triệu ca mắc bệnh và hơn 131.000 ca tử vong.
Quốc gia láng giềng của Mỹ là Mexico hôm qua (2/7) thông báo ghi nhận thêm 6.741 ca mắc mới trong ngày, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.
Điều đáng nói, Mexico cũng đã vượt qua Tây Ban Nha về số ca tử vong và trở thành điểm nóng Covid-19 đứng thứ 6 thế giới. Nguyên nhân về sự tăng tốc ca mắc Covid-19 mới tại Mexico được cho là quốc gia Mỹ Latin này đã không triển khai xét nghiệm trên diện rộng và thay vào đó chỉ thực hiện kiểm tra đối với những bệnh nhân ốm yếu nhất.
Trong khi đó, tại châu Âu, mặc dù được cho là đã qua đỉnh dịch nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, châu Âu đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng nhất trong lịch sử, đồng thời cảnh báo đại dịch Covid-19 gây tổn hại to lớn tới nền kinh tế vẫn chưa kết thúc. Thủ tướng Merkel nêu rõ virus SARS-CoV-2 chưa biến mất và đang thử thách năng lực đoàn kết của châu Âu.
Diễn biến dịch Covid-19 không chỉ gây lo ngại tại châu Âu và châu Mỹ, hôm nay, Nhật Bản đã báo cáo 124 trường hợp mắc Covid-19. Đây là ngày thứ hai, Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới trên 100 kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại nước này ngày 25/5 vừa qua.
Trước thực trạng này, Thị trưởng tokyo Yuriko Koike cho biết: "Tôi đã kêu gọi người dân Tokyo kiềm chế không đến nhà hàng và quán bar và các địa điểm vui chơi giải trí vào buổi tối. Người dân cũng nên tránh đến các địa điểm có không gian kín, đông đúc có nguy cơ lây nhiễm cao”.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và chưa có dấu hiệu được khống chế trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh, trong tuần qua mỗi ngày trung bình thế giới có thêm 160.000 ca nhiễm mới. Đặc biệt, trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 mới đạt mức tăng kỷ lục là 195.540 người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục cảnh báo tốc độ lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2 bởi còn nhiều ca mắc Covid-19 đang tiềm ẩn trong cộng đồng.
Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan nói: “Số người mắc Covid-19 trong cộng đồng thường không thống kê được hết bởi có nhiều người chưa được xét nghiệm. Những con số thống kê chủ yếu là những người đã được xét nghiệm. Tôi cho rằng, số người nhiễm bệnh thực tế có thể gấp 10 lần con số thống kê”.
Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh, cách tốt nhất để kiềm chế dịch bệnh là thực hiện xử lý toàn diện, theo đó phát hiện, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc từng ca bệnh; truy vết và cách ly tất cả những người có tiếp xúc người nghi ngờ nhiễm; trang bị phương tiện và đào tạo lực lượng nhân viên y tế; giáo dục, khuyến nghị người dân tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác.
Theo Vũ Anh Tuấn
VOV