1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các kho xe tăng dự trữ của Nga nghi "rỗng ruột", dồn tất cả sang Ukraine

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, Nga đã tái kích hoạt tới 40% lượng xe tăng dự trữ của mình và việc "sản xuất" của họ là hiện đại hóa những cỗ chiến xa này.

Các kho xe tăng dự trữ của Nga nghi rỗng ruột, dồn tất cả sang Ukraine - 1

Các binh sĩ Ukraine ở gần thành phố Avdiivka (Ảnh: New York Times).

Các nhà nghiên cứu nguồn mở đã phân tích hình ảnh vệ tinh và kết luận rằng Nga đã lấy đi từ 25 đến 40% lượng xe tăng từ các kho dự trữ chiến lược ở ngoài trời, tùy thuộc vào kiểu loại.

Dara Massicot, thành viên cấp cao trong Chương trình Nga và Á-Âu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, đánh giá rằng, Nga rất có thể đã lấy đi những thiết bị tốt nhất khỏi kho dự trữ chiến lược, trong khi những thiết bị "tệ nhất" và "không thể sử dụng được" vẫn được cất giữ trong các nhà kho.

Bà Massicot cũng ước tính rằng "số tồn kho dự trữ của Nga sẽ giảm trong vài năm tới" nếu Moscow duy trì tốc độ hoạt động hiện tại.

ISW lưu ý rằng họ không thể xác minh độc lập báo cáo này.

Đồng thời, các nhà phân tích quân sự lưu ý rằng các báo cáo sản xuất xe tăng của Nga trong những năm gần đây phần lớn phản ánh các xe tăng được tân trang và hiện đại hóa lấy từ kho chứ không phải sản xuất mới hoàn toàn.

Những ước tính này cho thấy quân đội Nga chủ yếu sử dụng thiết bị dự trữ để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu hơn là để bù đắp tổn thất trên chiến trường thông qua sản xuất mới. Moscow có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị trong vài năm tới nếu tỷ lệ hao hụt hiện tại vẫn giữ nguyên hoặc tăng nhanh hơn và mức sản xuất xe mới hiện tại không thay đổi.

Những nhận định đáng chú ý của ISW cho ngày 9/3 như sau:

Thứ nhất, quân đội Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở khu vực Rostov vào đêm 8-9/3 và có thể đã tấn công một nhà máy sản xuất máy bay của Nga đang tân trang và hiện đại hóa máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50.

Thứ hai, các nguồn tin của Nga đã đăng tải rộng rãi đoạn phim về cuộc tấn công  vào ngày 9/3, cho rằng quân đội Nga đã phá hủy hệ thống phòng không Patriot ở miền đông Ukraine, mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh cho những tuyên bố này.

Thứ ba, các quan chức Mỹ được cho là đã nói với CNN rằng Nga đã từng xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vào năm 2022, cùng thời điểm Moscow đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền có chủ đích nhằm vào phương Tây rằng Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine để hạn chế sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine.

Thứ tư, các quan chức cấp cao của Armenia cho biết nước này đang cân nhắc việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quan hệ Nga - Armenia ngày càng xấu đi.

Thứ năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine sẽ chỉ mở cửa đàm phán với Moscow sau khi Kiev và các đối tác xây dựng được kế hoạch hòa bình và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thúc đẩy nền tảng đàm phán của riêng mình về cuộc chiến ở Ukraine.

Thứ sáu, quân đội Nga gần đây được xác nhận là có những bước tiến gần Kremennaya và Avdiivka khi giao tranh chiến hào tiếp tục diễn ra dọc toàn bộ chiến tuyến vào ngày 9/3.

Theo Ukrainska Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm