Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ gặp khó vì thiếu nguyên liệu thô từ Nga
(Dân trí) - Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga có thể sớm buộc ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ phải sản xuất những thiết kế kém lấp lánh hơn vì thiếu kim cương.
Nga là nhà cung cấp chính về kim cương, vàng và các kim loại quý khác cho các nhà sản xuất đồng hồ xa xỉ trưng bày tại "Watches and Wonders", một trong những hội chợ đồng hồ hàng đầu thế giới.
Tập đoàn Alrosa của Nga, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Alrosa chiếm 90% công suất khai thác kim cương của Nga và 28% trên toàn cầu. Và trong khi thương mại giữa Thụy Sĩ và Nga là khiêm tốn, vàng là hàng hóa nhập khẩu chính, bên cạnh kim loại quý như bạch kim, kim cương.
So với các lĩnh vực khác của nền kinh tế Thụy Sĩ, "sản xuất đồng hồ là một ngành ít bị ảnh hưởng hơn những ngành khác do vấn đề nguồn cung vào năm 2021", ông Jean-Daniel Pasche, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ, nói với AFP.
"Nhưng điều đó có thể không còn nữa", ông thừa nhận và nói thêm rằng, thật khó để đánh giá những tác động đối với ngành công nghiệp đồng hồ ở giai đoạn này.
Giám đốc điều hành của Richemont, ông Jerome Lambert, cho hay các nhà sản xuất đồng hồ chịu áp lực phải tìm kiếm nguồn cung thay thế cho những viên kim cương chất lượng, có nguồn gốc đảm bảo ở những nơi khác.
"Rõ ràng là có nguồn dự trữ. Sau đó, chúng ta sẽ phải xem xét, tùy thuộc vào cuộc xung đột Ukraine kéo dài bao lâu", ông Pasche nói.
Vàng tái chế và paladium
Gã khổng lồ sản xuất đồng hồ xa xỉ Thụy Sĩ Richemont sở hữu nhãn hiệu đồng hồ siêu sang Cartier và Van Cleef & Arpels, cùng với 8 thương hiệu đồng hồ danh tiếng khác. Nhưng hôm 30/3, Richemont cho biết tất cả các thương hiệu của tập đoàn này đã ngừng mua kim cương của Nga.
Nguồn cung vàng ít được quan tâm hơn. Trong hơn 1 thập niên qua, Richemont đã tìm nguồn cung ứng vàng tái chế để sản xuất đồng hồ, được mua từ ngành công nghiệp điện tử.
Đối với paladium, chẳng hạn được sử dụng cho nhẫn cưới và nhẫn đính hôn, nhóm đã quyết định chuyển sang các nhà cung cấp chuyên về paladium tái chế, ông Lambert cho biết thêm.
Tại Patek Philippe, một trong những thương hiệu Thụy Sĩ danh giá nhất, chủ tịch của công ty đang kiểm tra lại kho dự trữ của mình để vượt qua "cơn bão" nguồn cung hiện nay".
Thierry Stern, người đại diện cho thế hệ thứ tư lãnh đạo công ty, nói với AFP: "Thật may mắn khi tôi sản xuất với số lượng nhỏ. Vì vậy, tôi chưa cảm thấy bất kỳ sự khác biệt nào". Năm 2022, Patek Philippe có kế hoạch sản xuất 66.000 chiếc đồng hồ.
H. Moser, một thương hiệu chuyên sản xuất 2.000 đồng hồ mỗi năm cho giới nhà giàu, cũng có cùng quan điểm. "Tôi đã mua đủ nguồn cung từ trước. Ví dụ, đối với những chiếc vỏ bọc mà tôi muốn làm vào năm 2023, tôi đã mua tất cả số vàng tôi cần". "Nhưng có thể trong thời gian 6 tháng, một số nhà cung cấp của chúng tôi sẽ gọi điện để lùi thời hạn", ông thừa nhận.
Ông Jon Cox, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Kepler Cheuvreux, nhận định rằng lo ngại về nguyên liệu thô "tất nhiên sẽ làm tăng giá". Tuy nhiên, so với những lĩnh vực khác, các công ty kinh doanh hàng hóa xa xỉ cao cấp có nhiều linh động hơn để chuyển phần gánh nặng chi phí sang khách hàng, những người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua được mặt hàng ưng ý.
Tại "Watches and Wonders" ở Geneva, nơi có 38 thương hiệu trưng bày cho đến ngày 5/4, các màn hình được lấp đầy bằng kim cương, phản ánh "tâm trạng lạc quan nói chung" của ngành công nghiệp năm nay sau năm 2021 thịnh vượng.
"Tuy nhiên, với chiến tranh và những hậu quả của nó, tôi nghĩ các nhà sản xuất sẽ chuyển hướng phát triển sản phẩm sang các mặt hàng xa xỉ có giá thấp hơn", ông Cox nói.