Các công cụ quyền lực của ông Trump những ngày cuối nhiệm kỳ
(Dân trí) - Dù chính quyền Donald Trump đã cho phép đội ngũ của ông Joe Biden bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực, song tổng thống đương nhiệm vẫn có thể gây khó dễ cho đường vào Nhà Trắng của đối thủ.
Cho đến nay, các vụ kiện do chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tại các bang hầu như không mang lại kết quả khả quan. Ông Trump cũng kín tiếng hơn trên truyền hình và Twitter.
Tổng thống Trump có lẽ sẽ tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình ông ở bang Florida trong dịp Giáng sinh và tiếp tục ở đó cho tới khi diễn ra lễ nhậm chức của ông Joe Biden vào ngày 20/1 năm sau. Washington Post dẫn lời Joan Hoff, giáo sư sử học của Đại học Montana, nhận định ông Trump có thể sẽ là tổng thống mãn nhiệm đầu tiên không tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm trong hàng trăm năm qua.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, việc Tổng thống Trump "im hơi lặng tiếng" không có nghĩa là ông không hành động gì. Trong 2 tháng tới, trước khi diễn ra lễ nhậm chức của ông Biden, ông Trump vẫn có nhiều cơ hội để sử dụng quyền lực của mình hoặc gây khó khăn cho bộ máy liên bang mà ông Biden sẽ tiếp quản.
Các trợ lý thân cận của ông Trump, những người vẫn đang điều hành các cơ quan trong chính quyền Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Tổng thống thực hiện mục tiêu trên. Các quan chức này bao gồm Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Y tế Alex Azar và cố vấn cấp cao Stephen Miller.
Các công cụ của Tổng thống Trump
Một trong những công cụ đầu tiên ông Trump có thể sử dụng trong những ngày cuối nhiệm kỳ là quyền ân xá. Quyền này cho phép Tổng thống Trump đưa ra những sắc lệnh, có thể không công bằng, vào phút chót để miễn tội cho những người thân cận. Vào năm 2001, chỉ 2 giờ trước khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Bill Clinton đã ban hành 176 lệnh ân xá.
7 người trong số các cố vấn chính trị của Tổng thống Trump đã bị buộc tội kể từ khi ông nhậm chức. Ngày 25/11, ông Trump thông báo đã ân xá cho cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn - một đồng minh từng bị điều tra vì khai man về các mối liên hệ với quan chức Nga.
Theo Reuters, việc ông Trump ân xá cho đồng minh đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff gọi đây là hành động "lạm dụng quyền lực", trong khi một số nguồn tin dự đoán ông Trump có thể sẽ ban hành một số lệnh ân xá gây tranh cãi nữa cho các đồng minh và những người thân cận trước khi mãn nhiệm.
Tổng thống Trump cũng đang vướng vào các cuộc điều tra và không loại trừ khả năng ông sẽ tự ân xá cho chính mình và các thành viên trong gia đình.
Tổng thống Trump cũng có thể ký một loạt sắc lệnh hành pháp trong những tháng cuối nhiệm kỳ. Đây là cách từng được ông sử dụng để thay đổi các quy định trong các vấn đề về môi trường và nhập cư. Chính quyền Trump được cho là đang xem xét sắc lệnh nhằm chấm dứt việc cấp quốc tịch cho trẻ em sinh ra tại Mỹ hoặc có bố, mẹ là người Mỹ.
Một ngày sau ngày bầu cử 3/11, Bộ Y tế Mỹ đã đưa ra quy tắc mới, trong đó tạm dừng thực hiện hàng nghìn quy định của cơ quan này. New York Times cho rằng động thái này có thể sẽ "trói tay" chính quyền kế nhiệm.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã thu hồi thành công 455 tỷ USD trong quỹ hỗ trợ Covid-19 từ Cục Dự trữ Liên bang. Động thái này nhằm chấm dứt các chương trình hỗ trợ chưa được sử dụng, tuy nhiên cũng hạn chế sự linh hoạt cũng như nguồn lực của chính quyền Biden trong việc ứng phó với bất kỳ sự suy thoái nào về kinh tế sau đại dịch. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 24/11 đã chuyển số tiền trên vào một tài khoản mà người kế nhiệm ông không thể tiếp cận nếu không được Quốc hội thông qua.
Trước khi chuyển giao quyền lực, Tổng thống Trump vẫn là người nắm giữ mật mã hạt nhân và vẫn có thẩm quyền phát lệnh thực hiện các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Christopher Miller, người được ông Trump bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng, vẫn đang gấp rút thực hiện các thay đổi về chính sách được cho là sẽ gây khó khăn cho chính quyền Biden trong việc tiếp quản, bao gồm việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 15/1. Ngày 12/11, ông Trump được cho là đã yêu cầu các cố vấn cấp cao, bao gồm cố vấn Stephen Miller và Ngoại trưởng Mike Pompeo, tính đến phương án tấn công quân sự Iran.
Không lâu sau ngày bầu cử, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã mở đường cho các công tố viên thuộc bộ này điều tra cáo buộc do Tổng thống Trump đưa ra về gian lận bầu cử. Xét đến việc Bộ trưởng Barr từng can thiệp vào cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành nhằm làm rõ nghi vấn Nga thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Barr có thể chỉ đạo Văn phòng Cố vấn Pháp lý soạn thảo các biên bản ghi nhớ trong những tuần tới để bảo vệ Tổng thống Trump trước các cuộc điều tra của chính quyền Biden trong tương lai.
Bộ trưởng Barr và những người khác trong nhánh hành pháp có thể nói với các quan chức Nhà Trắng rằng, mặc dù gặp rủi ro về pháp lý, nhưng Tổng thống Trump vẫn có quyền giữ lại các tài liệu mà những người ngoài, bao gồm các quan chức hành pháp, các nhà báo và các nhà sử học, có thể muốn tiếp cận.
Tất nhiên đội ngũ của ông Biden rốt cuộc vẫn có thể đảo ngược các sắc lệnh hành pháp hoặc điều chỉnh các chính sách của chính quyền Trump. Tuy nhiên, dấu ấn mà ông Trump để lại trong bộ máy liên bang vẫn rất sâu đậm. Tại các cơ quan như Bộ Ngoại giao hay Bộ Tư pháp hay hệ thống tòa án, những người trung thành với Tổng thống Trump vẫn hiện diện rộng khắp. Theo đó, ông Biden khó có thể bỏ qua những nhân vật này.
Ông Trump đã bổ nhiệm hoặc "cài cắm" nhiều người ủng hộ vào các cơ quan của chính phủ. Trong số này, nhiều người thậm chí có nhiệm kỳ công tác dài hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.