1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xì-căng-đan lính Mỹ thảm sát 15 thường dân Iraq

Buổi sáng kinh hoàng ở Haditha (2)

(Dân trí) - “Chúng cháu nằm đó, máu chảy và rất đau. Rồi có một vài lính Iraq đến. Họ bế chúng cháu lên. Cháu đã khóc và gào lên hỏi họ: “Sao các chú lại làm như thế với gia đình cháu?” Một người đã nói: “Chúng ta không làm việc đó. Người Mỹ đã làm.”

Dưới đây là những gì xảy ra mà tất cả những người tham gia phỏng vấn đều ghi nhận. Khoảng 7h15 sáng ngày 19/11/2005, một chiếc xe của lính Mỹ đã bị trúng thiết bị nổ cực mạnh (IED), được giấu trong thùng đựng prôban (khí không màu dùng làm nhiên liệu). Thiết bị này được kích hoạt từ xa. Quả bom đã giết chết Terrazas, người lái xe, và làm 2 lính Mỹ khác bị thương. Đối với quân Mỹ, Haditha là một vùng đất không hề mến khách. Bởi ngày nào họ cũng tìm thấy rất nhiều bom vùi dưới những con đường bụi bặm gần căn cứ của họ.

 

Cô bé Eman Waleed, 9 tuổi, sống chỉ cách nơi xảy ra vụ nổ 100m. Vụ nổ mạnh đến nỗi tất cả các cửa kính trong nhà cô bé đều bị vỡ toang. “Một tiếng động lớn khiến gia đình cháu chợt tỉnh giấc.” - Cô bé nhớ lại hai tháng sau đó. “Sau đó, gia đình cháu biết phải làm gì khi có một vụ nổ xảy ra: cha cháu vào phòng của mình với cuốn kinh Koran và cầu nguyện cho gia đình được yên ổn.” Eman cho biết những người còn lại trong gia đình, mẹ, ông bà em, cùng 2 em trai, 2 cô và 2 chú, tụ tập ở phòng khách.

 

Theo một nhân viên quân đội, lính thủy đánh bộ Mỹ cho biết ngay sau khi bị trúng bom, họ còn bị bắn từ hướng nhà của cô bé Waleed. Một nhóm lính đã tiến về phía đó. Eman kể lại, em “nghe thấy rất nhiều tiếng súng, vì vậy không ai trong gia đình em dám ra ngoài. Hơn nữa, lúc đó vẫn còn sớm, và gia đình cháu vẫn còn đang mặc quần áo ngủ.”

 

Khi lính Mỹ tiến vào nhà, họ la ó bằng tiếng Anh. “Đầu tiên họ đi vào phòng bố cháu, nơi ông đang đọc kinh Koran. Rồi chúng cháu nghe thấy tiếng súng.” Theo Eman, lính Mỹ sau đó tiến vào phòng khách. “Cháu không nhìn rõ mặt họ, chỉ thấy súng của họ chĩa vào từ cửa ra vào. Cháu thấy họ bắn ông cháu, đầu tiên vào ngực, rồi vào đầu. Sau đó, họ giết bà cháu.” Cô bé cho biết lính Mỹ bắt đầu bắn vào góc phòng, nơi cô bé và em trai Abdul Rahman, 8 tuổi, đang ẩn trốn. Những người lớn khác đã che đạn cho trẻ con. Và họ đều chết hết. Chân của Eman cũng bị dính một mảnh đạn, còn Abdul Rahman bị bắn ở gần lưng.

 

“Chúng cháu nằm đó, máu chảy và rất đau. Sau đó, có một vài lính Iraq đến. Họ bế chúng cháu lên. Cháu đã khóc và gào lên hỏi họ: “Sao các chú lại làm như thế với gia đình cháu?” Một người đã nói với cháu: “Chúng ta không làm việc đó. Người Mỹ đã làm.”

 

Các quan chức quân sự Mỹ thân cận với nguồn điều tra cho biết, sau khi tiến vào ngôi nhà, lính Mỹ đi dọc theo hành lang. Họ đã nghe thấy tiếng súng AK-47 lạch cạch, như đang lên đạn để chuẩn bị bắn. (Nhưng Eman và những người thân khác của em khẳng định trong nhà không hề có súng.) Nghĩ rằng bị phục kích, nên lính Mỹ đã đạp tung hai cửa và xông vào bắn. Các quan chức cho biết lính Mỹ khẳng định 7 người đã bị giết trong nhà, 2 phụ nữ và 1 trẻ em. Lính Mỹ tường thuật lại rằng họ nhìn thấy một người đàn ông và 1 phụ nữ chạy ra khỏi nhà, họ đuổi theo và bắn người đàn ông. Người phụ nữ đã thoát chết cùng đứa con nhỏ của mình.

 

Theo các quan chức quân sự, sau đó lính Mỹ bị bắn từ hướng ngôi nhà thứ hai. Vì vậy họ đã phá cửa nhà, và ném lựu đạn vào trong, làm nổ bình gas trong bếp. Rồi lính Mỹ nổ súng, giết chết 8 thường dân, trong đó có người chủ nhà, vợ anh ta, em gái người chủ nhà, và một con trai 2 tuổi, 3 con gái của anh ta.

 

 

Buổi sáng kinh hoàng ở Haditha (2) - 1
 

Xác các nạn nhân được chất lên xe.

Lính Mỹ tấn công ngôi nhà thứ ba, của người đàn ông có tên Ahmed Ayed. Một trong năm người con trai của Ahmed, Yousif, sống ở nhà bên cạnh, cho TIME hay rằng, sau khi nghe thấy loạt đạn dài từ phía nhà cha, anh ta liền vội chạy sang. Song lính Mỹ đang theo dõi vụ việc trong vườn đã ngăn anh lại. “Họ nói với tôi, “Anh không thể làm được gì đâu. Đừng tiến lại gần đó, nếu không người Mỹ sẽ giết chết anh.” Người Mỹ đã không để ai vào ngôi nhà cho đến tận 6h30 sáng ngày hôm sau.” Ayed cho biết đến lúc đó, các thi thể đã được dọn dẹp, tất cả những người chết đều được cho vào túi đựng xác để lính Mỹ mang đến nhà xác địa phương. “Nhưng qua các vết máu trên sàn, chúng tôi có thể thấy chuyện gì đã xảy ra.” – Ayed nói. “Người Mỹ đã mang 4 anh em trai của tôi vào phòng ngủ của cha, tống họ vào trong tủ và giết họ.”

 

Tuy nhiên, quân đội Mỹ lại nói khác. Theo các quan chức gần gũi với ban điều tra, lính Mỹ đã xông vào nhà thứ ba và thấy một nhóm gồm 10 đến 15 phụ nữ và trẻ em. Rồi họ để lại một người gác ngôi nhà và đi sang nhà kế bên. Ở đó họ tìm thấy 4 người đàn ông, một trong số họ đang cầm khẩu AK-47. Người thứ hai dường như đang tiến lại chiếc tủ quần áo để lấy một khẩu khác. Lính Mỹ đã bắn chết cả hai người đó. Song trong bản báo cáo đầu tiên, họ không nói rõ hai người còn lại đã chết như thế nào. Và tất cả lính Mỹ hôm đó đều phủ nhận rằng không có người đàn ông nào bị giết trong tủ, bởi theo họ chiếc tủ đó quá nhỏ, khó có thể nhét một người vừa, chứ chưa nói đến 4.

 

Theo các quan chức quân sự, thì vụ việc diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ, và ít nhất 23 người đã thiệt mạng. Tổng cộng, người ta phát hiện thấy 2 khẩu AK-47. Quân đội Mỹ đã phân loại 15 nạn nhân trong hai ngôi nhà đầu tiên là những người không tham gia vào cuộc bắn nhau. Còn họ coi 4 người đàn ông bị giết trong ngôi nhà thứ tư, cũng như 4 thanh niên bị giết gần nơi nổ bom ở ven đường là những tay súng.

 

Câu hỏi được đặt ra với các nhà điều tra là liệu việc lính Mỹ giết 15 thường dân có phải là hành động tự vệ hợp pháp hay là một cuộc thảm sát dã man.

 

Những thông tin trên hiện giờ chưa đủ để kết tội lính Mỹ đã giết người vô tội ở Haditha. Nhưng các những gì mà các tổ chức nhân quyền điều tra và những gì những người sống sót và các nhà chức trách địa phương cung cấp đã nói lên tất cả. Bác sỹ Wahid, giám đốc bệnh viện địa phương ở Haditha, người đã yêu cầu giấu tên gia đình mình vì sợ lính Mỹ trả thù, cho biết lính Mỹ đã mang 24 xác chết tới bệnh viện của ông vào giữa đêm ngày 19/11. Và họ nói với ông những nạn nhân này bị giết do bom gài bên đường. “Nhưng điều rõ ràng với chúng tôi là không hề có một bộ phận nào bị bằm nát do các mảnh bom. Các vết thương do đạn có thể nhìn thấy rất rõ. Hầu hết các nạn nhân đều bị bắn vào ngực, vào đầu, ở cự ly rất gần.”

 

Một ngày sau vụ việc, một sinh viên ngành báo chí ở Haditha đã quay lại cảnh hãi hùng ở trong nhà xác địa phương và trong những ngôi nhà xảy ra vụ tàn sát. Cuốn băng đã cho thấy rõ, nhiều nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, vẫn còn mặc quần áo ngủ khi họ chết. Bên trong các ngôi nhà, tường và trần găm đầy mảnh đạn và nham nhở lỗ.

 

Có rất nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc: Tại sao quân Mỹ phải mất nhiều thời gian đến thế để điều tra vụ việc ở Haditha? Ngay sau khi vụ thảm sát, thị trưởng Haditha, đã dẫn một đoàn đại biểu đã đến trại lính Mỹ ở cạnh sông Euphrates. Ông cho biết, “Viên tướng thú nhận người của ông ta đã làm sai. Ông ta nói người của ông ta nghĩ có bọn khủng bố gần những ngôi nhà đó.”

 

Và chỉ đến tháng 1 vừa qua, khi TIME gửi bản copy đoạn băng video và bằng chứng qua việc phỏng vấn nhân chứng cho Tướng Barry Johnson, người phát ngôn của quân Mỹ ở Baghdad, Mỹ mới bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra lại. Tháng 2, một tướng bộ binh đã đến Haditha một tuần để điều tra, phỏng vấn những người sống sót, các bác sỹ ở bệnh viện. Sau khi điều tra, quân đội Mỹ kết luận rằng chính lính thủy đánh bộ Mỹ đã giết dân thường Iraq, chứ không phải do bom của quân nổi dậy; và có vẻ như không có quân nổi dậy nào ở trong hai ngôi nhà đầu tiên lính Mỹ đã tấn công. Tuy nhiên, các nhà điều tra cho rằng, nạn nhân chết là do vô tình chứ không phải do lính Mỹ cố ý.

 

Người thân của mỗi nạn nhân được nhận 2.500 USD, cùng với một khoản nhỏ nữa cho những người bị thương. Nhưng nó không thể mang lại những gì bé Eman Waleed đã mất trong cái ngày định mệnh ấy. Cô bé vẫn không hiểu tại sao khi cha của cô bé đã cầu nguyện như thế mà vẫn không thể che chở được cho gia đình, giống như bao nhiêu lần trước họ vẫn làm. “Trước kia, cha cháu luôn cầu nguyện, và người Mỹ đều để cho chúng cháu yên.” – Cô bé nói.

 

Phan Vũ

Theo Time