Hàng triệu người Myanmar rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực hậu đảo chính
(Dân trí) - Các cuộc đình công bùng nổ, các nhà máy đóng cửa trong khi giá nhiên liệu và giá thực phẩm tăng chóng mặt, nhất là giá gạo, đã đẩy hàng triệu người dân ở Myanmar rơi vào cảnh đói nghèo.
Aye Mar ngồi với 7 đứa con trong phòng bếp với nỗi lo không biết bữa ăn chỉ gồm cơm và rau củ có thể giúp họ vượt qua cơn đói hay không. Nhưng thực sự đó là tất cả những gì cô có thể mua được ở Myanmar, quốc gia đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng sau đảo chính khi nền kinh tế quốc gia và hệ thống ngân hàng bị tê liệt.
Cuộc sống của người dân Myanmar sau đảo chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là các khu vực xa xôi hẻo lánh ở bang Kachin - gần biên giới với Trung Quốc. Sinh kế mất đi sau các cuộc biểu tình, đình công khiến nhà máy đóng cửa, giá cả tăng vọt. Những người may mắn có tiền tiết kiệm ngân hàng cũng phải xếp hàng chờ cả ngày để rút tiền mặt.
Theo một nhóm giám sát địa phương, việc nhiều người mạo hiểm để kiếm sống làm bùng nổ mối lo chết người, nhất là trong bối cảnh các nguồn tin cho biết hơn 800 người dân Myanmar đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp quốc gia này sau ngày chính biến 1/2.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cảnh báo, Myanmar - dù là quốc gia xuất khẩu gạo, đậu và trái cây - có thể sẽ chứng kiến hàng triệu người lâm vào nạn đói trong những tháng sắp tới.
"Chúng tôi phải cho các con ăn để chúng không chết đói", cô Aye Mar nói. Người phụ nữ 33 tuổi này không có việc làm trong khi chồng cô chấp nhận làm bất cứ việc gì, kể cả việc đào bể phốt.
Wah Wah, một người chuyên kinh doanh thực phẩm thừa nhận, giá cả tăng chóng mặt kể từ sau cuộc đảo chính, đến nỗi, nhiều người không có khả năng mua một bát cá khô. "Tôi kinh doanh ế ẩm vì khách hàng thậm chí không đủ tiền mua hàng dù chỉ là một bát cá khô… ngay cả khi tôi chỉ bán với giá 500 kyats (0,33USD)/bát", cô Wah Wah cho biết. "Mọi người phải tiết kiệm chi tiêu vì không ai có việc làm. Chúng tôi sống trong sợ hãi vì không biết điều gì sẽ xảy ra".
Còn anh Win Naing Tun, 26 tuổi, và là cha của 3 đứa con cho biết, những người trước đây có thể đủ tiền ăn thịt heo thường xuyên đã buộc phải chuyển sang ăn cá và rau. Và những người thường ăn rau và cá giờ chỉ có thể đủ khả năng để ăn cơm trắng với muối.
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), giá gạo tăng gần gấp đôi đã ảnh hưởng nặng nề đến các khu vực xa xôi hẻo lánh ở bang Kachin, gần biên giới Trung Quốc. Chi phí vận chuyển nông sản cũng tăng vọt sau khi giá nhiên liệu ước tính tăng 30% kể từ sau đảo chính. WFP ước tính, trong vòng 6 tháng tới, sẽ có thêm 3,4 triệu người rơi vào nạn đói ở Myanmar và họ đã sẵn sàng tăng gấp 3 lần mức hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Chương trình quyên góp lương thực cho cộng đồng đang được chứng minh là có hiệu quả ở Yangon, cố đô của Myanmar. "Họ rất vui khi chúng tôi tặng thức ăn. Một số thậm chí đã khóc", một tình nguyện viên cho biết.
Bà Ni Aye, 51 tuổi, cho hay vợ chồng bà hiện không có thu nhập gì và phụ thuộc hoàn toàn vào những tờ giấy phát thức ăn. "Chúng tôi đang quá khó khăn, nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi sẽ chết đói", bà Ni Aye nói.
Ông Aung Kyaw Moe, 47 tuổi, đang tính trở về quê nhà sau khi nhà máy nơi ông làm việc ở Yangon đóng cửa. Ông cho biết, bản thân không có tiền tiết kiệm và tuyệt vọng xoay xở nuôi 9 người trong gia đình. "Mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi", ông chua chát nói.