1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bức tranh tổng quan về vũ khí hạt nhân trên thế giới

Khắc Nam

(Dân trí) - Theo trang tin Sandboxx (SBC) của Mỹ, các số liệu mới nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại trên thế giới là vũ khí hạt nhân vẫn đang âm thầm "tiến hóa" và phát triển.

Bức tranh tổng quan về vũ khí hạt nhân trên thế giới - 1

Tổng quan kho vũ khí hạt nhân của các nước trên thế giới (Ảnh SBC-ACA).

Vũ khí hạt nhân xưa và nay

Khi hai máy bay ném bom B-29 Enola Gay và Bockscar của Mỹ thả hai quả bom xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8/1945, sức mạnh quân sự và khả năng răn đe của một quốc gia đã được "đo lường và định lượng" bằng thuật ngữ hạt nhân.

Ngày nay, sức mạnh hạt nhân được bổ sung thêm bằng số lượng, mức độ tiên tiến và hủy diệt của hệ thống khí tài này. Điều này đồng nghĩa, thời hoàng kim của máy bay động cơ phản lực cánh quạt và những quả bom nguyên tử cồng kềnh đang mất dần. Nó được thay bằng tên lửa được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau.

Giờ đây, nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân tuy nhỏ nhưng vẫn hiện hữu và nguy hiểm. Bằng chứng, ngày càng nhiều quốc gia đã sở hữu hoặc tỏ rõ mong muốn sở hữu những loại vũ khí hạt nhân mới, khiến mối nguy hiểm càng tăng, khiến thế giới có thể bị hủy diệt bất cứ lúc nào.

Trang SBC trích dẫn số liệu của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) nói về kho vũ khí hạt nhân của các lực lượng quân đội trên thế giới. Qua thống kê cho thấy hiện đã có 9 quốc gia sở hữu hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Tổng hợp chung, có khoảng 13.500 đầu đạn hạt nhân, gồm cả vũ khí đang được triển khai, dự trữ lẫn tồn kho, với phần lớn thuộc về hai cường quốc là Mỹ (gần 5.800 đầu đạn) và Nga (gần 6.375). Trong số này có khoảng 3.825 tên lửa được triển khai hoặc đặt tại các căn cứ quân sự, có để sử dụng ngay, thuộc về bốn quốc gia truyền thống là Mỹ, Nga, Anh và Pháp.

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel mặc dù sở hữu đầu đạn hạt nhân hoặc vật liệu phân hạch để sản xuất đầu đạn hạt nhân, nhưng chủ yếu vẫn là lưu kho và không có sẵn để phóng ngay được. Kể từ khi trở thành cường quốc hạt nhân, Trung Quốc đã tự tuyên bố "không sử dụng trước", có nghĩa là không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công mà chỉ để đáp trả một khi bị tấn công hạt nhân.

Mặc dù danh sách các quốc gia có vũ khí hạt nhân tăng lên đáng kể từ năm 1945, nhưng khả năng hạt nhân và cách tiếp cận để răn đe lại không giống nhau và được chia thành hai cấp độ.

Cấp độ đầu gồm các quốc gia sở hữu ba hạt nhân (trên bộ, trên không và trên biển), nghĩa là sử dụng đồng thời cả ba lĩnh vực này. Cấp độ thứ hai gồm các quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân, khá hạn chế so với các quốc gia ở cấp độ 1 nhưng vẫn đủ khả năng tàn phá một quốc gia phi hạt nhân hoặc gây phiền toái chiến lược cho các siêu cường. Các quốc gia này bị hạn chế trong cách "tác nghiệp" vũ khí hạt nhân. Chẳng hạn, Triều Tiên đã đầu tư rất lớn vào tên lửa đạn đạo hạt nhân nhưng thiếu phương tiện để thả từ máy bay ném bom chiến lược hoặc phóng từ tàu ngầm.

Bộ ba hạt nhân của quân đội Mỹ là gì?

Bức tranh tổng quan về vũ khí hạt nhân trên thế giới - 2

Không quân Mỹ sở hữu một phi đội khoảng 60 máy bay ném bom B-52 và B-2 (Ảnh: Không quân Mỹ).

Bộ ba hạt nhân của quân đội Mỹ là một tập hợp các nền tảng vũ khí, chủ yếu do Không quân và Hải quân vận hành. Nhiệm vụ là thường trực, cảnh giác theo tần suất 24/7, tấn công phủ đầu hoặc đáp trả một vụ phóng ở bất kỳ từ đâu. Bộ ba hạt nhân của Mỹ dựa trên khái niệm thay thế, đảm bảo an toàn cao nhất, trong đó tàu ngầm là tối ưu, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phản ứng nhanh còn máy bay thì linh hoạt.

Trên đất liền

Khả năng răn đe hạt nhân trên đất liền của quân đội Mỹ xoay quanh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-30G Minuteman III. Mặc dù số lượng thực tế đã được phân loại, nhưng có gần 400 tên lửa Minuteman III ở chế độ chờ trong các hầm chứa cứng trên khắp nước Mỹ và có tới trên 10.000 binh sĩ từ khắp các khu vực phục vụ duy trì và vận hành các tiền đồn này.

Một trung tâm điều khiển dưới lòng đất có các dây cáp cứng, bảo đảm và các hệ thống thông tin liên lạc khác cho phép tổng thống và bộ trưởng quốc phòng liên lạc tức thời với từng kíp phóng. Khả năng kiểm soát phóng từ trên không thứ cấp đảm bảo rằng mệnh lệnh của tổng thống sẽ được thực thi nếu hệ thống thông tin liên lạc dưới mặt đất bị lỗi do hoạt động của đối phương.

Những tên lửa LGM-30G Minuteman III chủ yếu được vận hành bởi đơn vị 90 MW (90th Missile Wing), thuộc Căn cứ Không quân F.E. Warren, bang Wyoming. Lầu Năm Góc hiện đang tiến hành hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân trên đất liền và đặt mục tiêu thay thế Minuteman III bằng tên lửa ICMB thế hệ mới và các cơ sở mới trong chương trình răn đe chiến lược trên mặt đất, dự kiến được thực thi từ năm 2029.

Trên không

Trên không là lĩnh vực ưu tiên và duy nhất được sử dụng để triển khai vũ khí hạt nhân. Khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ từ trên không dựa trên hai máy bay, gồm B-52 Stratofortress và B-2 Spirit tàng hình. Hai máy bay ném bom này có thể đưa bom hạt nhân đến hầu hết mọi nơi trên thế giới trong vòng vài giờ, nhờ khả năng định vị chiến lược và khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

B-52 có thể chở vũ khí trên 31.751 kg với quãng đường bay ngắn hơn B-2 nhưng lại bay nhanh hơn. Cả hai rất khó phát hiện vì có thiết kế tàng hình. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người cho rằng máy bay ngày tận thế hạt nhân đã chấm dứt, nhưng thực tế nó vẫn hiện diện. Không quân Mỹ vẫn đang sở hữu đội bay ném bom B-52 mang vũ khí hạt nhân với tần suất 24/24 mỗi ngày.

Trên biển

Khả năng răn đe hạt nhân trên biển mang tính cân bằng hơn. Nói đến lực lượng răn đe hạt nhân của hải quân Mỹ là nói đến 14 tàu ngầm tên lửa lớp Ohio có nhiệm vụ cung cấp đầu đạn hạt nhân nếu tình huống xấu nhất xảy ra. Các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo Trident đều được trang bị đầu đạn hạt nhân. Mặc dù vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm có năng suất nhỏ hơn ICBM, nhưng có lợi thế là không thể bị phát hiện. Do đó, nó khiến đối phương đau đầu, không kịp trở tay, nên đây được xem là biện pháp răn đe hữu hiệu nhất.

Vũ khí hạt nhân ở các nước khác

Bức tranh tổng quan về vũ khí hạt nhân trên thế giới - 3

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Ngoài Mỹ, các quốc gia khác tiếp tục hoặc theo đuổi tích cực kho vũ khí hạt nhân. Nga có hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân lớn thứ hai với 12 tàu thuộc nhiều lớp khác nhau. Trung Quốc có từ 4-6 tàu ngầm và đang chế tạo thêm và có thể mang tên lửa hạt nhân. Hải quân Hoàng gia Anh có 4 tàu ngầm lớp Vanguard có thể mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Hải quân Pháp cũng có 4 tàu ngầm lớp Triomphant, tất cả các tàu kể trên đều có thể mang theo một số đầu đạn hạt nhân, từ 16-24 tên lửa đạn đạo với công suất khác nhau.

Iraq và Libya từng bị nghi là có các chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, nhưng đã bị ngăn chặn, như trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 ở Iraq và năm 2003 ở Libya. Belarus, Kazakhstan và Ukraine là những nước kế thừa vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 nhưng đã hoàn trả lại cho Nga.