1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Brexit kích hoạt EU chạy đua vũ trang với Nga?

Brexit khiến EU cảm thấy dễ bị tổn thương, thúc đẩy thành lập quân đội chung và đối mặt với những thách thức từ phía Nga.

Châu Âu thấy yếu thế

Tờ Độc lập của Nga ngày 27/6 cho rằng quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh không chỉ ảnh hưởng tới các vấn đề kinh tế-xã hội mà cả vấn đề an ninh quốc phòng của tổ chức này.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul được trang mạng của tờ "The Washington Post" dẫn lời nói: "Nước Anh ra khỏi EU đồng nghĩa với việc mất một trong những thành viên có giá trị nhất của tổ chức này, kể cả sức mạnh quân sự của London".

Ông McFaul cũng lưu ý thêm rằng "sự tan rã" của EU dường như chỉ có lợi cho Moskva. Theo ông, quan hệ giữa Nga và châu Âu tiếp tục xấu đi dù Moscow không liên quan tới Brexit, và tăng cường cuộc chạy đua vũ trang trên quy mô lớn có thể sẽ xảy ra.

Châu Âu muốn thành lập quân đội riêng để thoát Mỹ
Châu Âu muốn thành lập quân đội riêng để "thoát" Mỹ

Chủ tịch Ủy ban chính sách quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP) Elmar Brok ngày 26/6 đã kêu gọi thành lập Bộ chỉ huy quân sự chung của EU và về lâu dài là quân đội chung châu Âu.

Trả lời phỏng vấn tờ "Welt am Sonntag", ông Brock nói rằng sau cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, châu Âu trở nên dễ bị tổn thương hơn. Việc thành lập quân đội chung châu Âu sẽ giúp "tăng cường vai trò của EU trong chính sách an ninh và quốc phòng, cũng như EU có trách nhiệm hơn trên thế giới".

Ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu đã xuất hiện từ lâu. Năm 1991, Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg và Tây Ban Nha đã thành lập các lữ đoàn thống nhất đặt dưới sự chỉ huy duy nhất gọi tắt là "Eurocorps" với quân số lên tới 60.000 người.

Năm 1995, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhất trí thành lập "EUROFOR" (Lực lượng tác chiến nhanh châu Âu).

Binh sĩ Mỹ tại thủ đô Tbilisi của Gruzia hồi tháng 5/2016
Binh sĩ Mỹ tại thủ đô Tbilisi của Gruzia hồi tháng 5/2016

Lời kêu gọi thành lập đội quân dưới sự bảo trợ của EU được đưa ra năm 1999 khi các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dưới sự chỉ huy của Mỹ tiến hành can dự vào Liên bang Nam Tư cũ và ủng hộ Kosovo ly khai.

Sự cấp thiết thành lập ở châu Âu một đội quân độc lập với Mỹ đã được các chính trị gia phương Tây đề cập vào năm 2003 khi máy bay Mỹ (nhân danh NATO) ném bom Iraq bất chấp sự phản đối của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp.

Tuy nhiên cho đến nay, việc thành lập đội quân thống nhất của châu Âu vẫn chưa diễn ra. Theo ông Brok, "việc thành lập quân đội chung của EU không cần các điều kiện tiên quyết về hiến pháp và luật pháp" bởi chính việc Anh rút khỏi EU sẽ thúc đẩy tiến trình đó.

Câu trả lời từ Moscow

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Ursula von der Lyayen, đã kêu gọi Moscow thường xuyên thông báo với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tất cả các hoạt động chuyển quân. Trả lời phỏng vấn tờ "Bild am Sonntag", bà Ursula von der Lyayen cũng đã nhấn mạnh rằng: "Sẽ là khôn ngoan nếu NATO và Nga trong khuôn khổ OSCE công khai thông báo về sự di chuyển quân đội của mình.

Tuy nhiên, do Moscow đã rút khỏi Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu nên đề nghị trên không được phía Nga chấp thuận.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Australia năm 2014
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Australia năm 2014

Ý tưởng thành lập đội quân chung của châu Âu càng thúc đẩy Moskva tăng cường khả năng phòng thủ. Nhà phân tích quân sự, Trung tướng Yuri Netkachev, bình luận: "Tôi không ảo tưởng rằng việc thành lập đội quân chung của châu Âu sẽ góp phần cải thiện quan hệ giữa EU và Nga. EU tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, và việc lập các cơ cấu phòng thủ sẽ chỉ làm tăng đối đầu".

Ông Netkachev cho rằng: "Chẳng có lý do gì để trao đổi dữ liệu sự dịch chuyển quân của Nga. Điều này không giúp phi quân sự, cũng không đảm bảo việc kiểm soát tin cậy và củng cố lòng tin giữa hai bên. Cuộc chiến tranh công nghệ cao lồng ghép hiện nay sẽ liên quan đến các yếu tố hoàn toàn khác. Đó là: tiêu diệt từ khoảng cách xa, giữ an toàn các tiềm lực kinh tế và công nghiệp, chiến dịch tâm lý và phá hoại. Vì mục đích này các vũ khí tương ứng sẽ được phát triển".

Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không Nga, Thiếu tướng Sergey Babakov mới đây đã thông báo với giới truyền thông về sự sẵn sàng của Moscow trước các hình thức chiến tranh mới trong một cuộc chiến tiềm tàng. Theo đó, Nga sẽ thử nghiệm các tên lửa có tầm bắn xa hơn trong thành phần hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tiếp tục chế tạo hệ thống tên lửa phòng không mới nhất S-500.

Mỹ lo Nga hưởng lợi

Đề cập tới Brexit từ quan điểm “hưởng lợi” của Nga, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho rằng việc người Anh quyết định rút khỏi EU là chiến thắng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông McFaul phân tích, khi hoạt động ở Dresden, ông Putin đã "bất lực” nhìn đồng minh Đông Đức của Liên Xô rời khỏi quỹ đạo của Moscow, thống nhất với Tây Đức và gia nhập châu Âu.

Các tổ chức do Liên Xô chi phối ở châu Âu- Khối hiệp ước Warsaw và Hội đồng tương trợ kinh tế, cũng biến mất. Putin sau đó chứng kiến ​​sự tan rã của Liên Xô, sự kiện mà ông mô tả là một trong những bi kịch lớn nhất thế kỷ 20.

Các đồng minh của Liên Xô trước đây và các phần của Liên Xô cũng gia nhập châu Âu và rốt cuộc trở thành thành viên NATO và EU. Trong gần 3 thập kỷ, phương Tây được củng cố còn Đông Âu tan rã. Động lực hướng tới một châu Âu thống nhất và tự do mạnh tới mức các nhà lãnh đạo Nga trước đây thậm chí còn "ve vãn" để gia nhập.

Nay xu hướng này đã đảo ngược. Châu Âu đang suy yếu trong khi Nga, các đồng minh và tổ chức đa phương của Nga đang củng cố, thậm chí có thêm các thành viên mới.

Theo vị cựu đại sứ Mỹ, Tổng thống Nga Putin đương nhiên không gây ra cuộc bỏ phiếu Brexit, nhưng các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông thu lợi rất nhiều từ điều này.

EU có thể thiết lập quân đội chung hiệu quả mà không cần Anh?
EU có thể thiết lập quân đội chung hiệu quả mà không cần Anh?

Điều quan trọng nhất là một trong những nước EU chỉ trích mạnh mẽ Nga sẽ không còn được bỏ phiếu tại Brussels. Brexit cũng loại bỏ một trong những thành viên có khả năng nhất của EU cả về thực lực quân sự và khả năng ngoại giao.

Anh sẽ tiếp tục can dự với EU trong các vấn đề chính sách đối ngoại cùng quan tâm, như Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, việc có chỗ trên bàn với quyền bỏ phiếu và phủ quyết khác hẳn việc nỗ lực tác động đến những người ngồi trên bàn. Công việc của nhà ngoại giao các nước thành viên EU, tìm cách hòa giải hơn với Moscow, sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, những người muốn chống lại Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã dự đoán: "Nếu không có Anh trong EU, sẽ không còn ai sốt sắng bảo vệ các biện pháp trừng phạt chống lại chúng ta (Nga)".

Thứ hai, các phong trào và chính trị gia ủng hộ Putin, chống EU trên toàn châu Âu sẽ mạnh lên. Theo cựu quan chức Mỹ, Marine Le Pen và đảng Mặt trận Dân tộc của bà phần nào được một ngân hàng thân Điện Kremlin tài trợ sẽ ăn mừng kết quả trưng cầu tại Anh. Các nhà lãnh đạo và đảng theo chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, và theo chủ nghĩa biệt lập trên lục địa, có chung quan điểm với bà Le Pen, đã bắt đầu kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân rút khỏi EU tại nước họ.

Quân đội Nga đang khẳng định sức mạnh tại Syria
Quân đội Nga đang khẳng định sức mạnh tại Syria

Thứ ba, những nghi ngờ mới về lợi ích của cương vị thành viên EU cũng làm suy yếu các đối thủ của Putin tại Ukraine. Những người tham gia Maidan mùa Thu năm 2013 đã đòi hỏi điều mà cử tri Anh từ chối - mối quan hệ gần gũi hơn với EU.

Tư tưởng của những tiếng nói ủng hộ châu Âu tại Ukraine nay sẽ phải đối mặt với những người hoài nghi EU, vốn sẽ đặt câu hỏi tại sao Ukraine phải tìm cách gia nhập câu lạc bộ mà những người khác đang ra đi. Cuộc tranh luận như vậy cũng sẽ diễn ra ở các nước khác dự định trở thành thành viên EU.

Ông Michael McFaul bày tỏ lo ngại về một nước Anh đồng minh thân cận với Mỹ đang suy yếu. Trong khi đó, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin đang củng cố sức mạnh.

Nga đã ngăn NATO mở rộng bằng cuộc chiến Gruzia năm 2008, làm chậm quá trình mở rộng EU tới Ukraine năm 2014. Vai trò của Nga trong không gian hậu Xô Viết đang tăng trở lại bằng cách xây dựng Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Sự can dự quân sự tại Syria giúp Nga mở rộng sự hiện diện ở Trung Đông, bỏ lại châu Âu và Mỹ. Cựu đại sứ Mỹ thậm chí còn thừa nhận mô hình chính phủ Nga và phong cách lãnh đạo của Putin đang truyền cảm hứng cho những người hâm mộ ở châu Âu.

Theo Bảo Minh

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm