Brexit khó qua cửa nghị viện Anh, điều gì xảy ra tiếp theo?
(Dân trí) - Hạ viện Anh ngày 15/1 đã bỏ phiếu phủ quyết thỏa thuận rời liên minh EU (Brexit) của Thủ tướng Theresa May, một động thái làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở xứ sở sương mù sau 2 năm chật vật với kế hoạch tìm lối đi riêng.
Nước Anh đang đứng trước một tương lai khó đoán định hơn sau khi Hạ viện Anh ngày 15/1 bỏ phiếu phản đối kế hoạch Brexit của Thủ tướng May về việc rời liên minh châu Âu (EU). Đó là bản kế hoạch vạch ra đường hướng để Anh rời EU trước ngày 29/3/2019. Thỏa thuận này bao gồm một số vấn đề quan trọng như điều gì sẽ xảy ra với công dân Anh sống ở EU và Anh phải trả bao nhiêu tiền để rút khỏi khối.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu tại nghị viện hôm qua thực sự là "cơn ác mộng" với chính quyền của Thủ tướng May cũng như với những người Anh vẫn tha thiết với kế hoạch rút khỏi EU, thậm chí với cả những người phản đối Brexit bởi họ lo ngại thế bế tắc này chỉ khiến chính trường Anh lún sâu hơn vào khủng hoảng trong khi kinh tế, xã hội Anh phải chịu tác động tiêu cực.
Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn đã kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng May vào hôm nay 16/1.
Nếu quốc hội Anh bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng May, một cuộc tổng tuyển cử sẽ sớm diễn ra sau đó để lập ra một chính phủ mới để tìm một con đường khác cho Brexit. Ngược lại, nếu Thủ tướng May có thể vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà có thể trình quốc hội một kế hoạch Brexit khác ngay tuần tới.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, không thể đoán trước được liệu kế hoạch mới có chịu chung số phận với kế hoạch ban đầu hay không. Nếu kế hoạch mới tiếp tục không thể qua ải nghị viện, nước Anh khi đó còn rất ít lựa chọn: hoặc trưng cầu dân ý lại, hoặc tiếp tục rời EU song không có thỏa thuận.
Đồ họa: BBC
Kế hoạch B
Chính phủ của Thủ tướng May và giới chức EU nói rằng, thỏa thuận Brexit giữa hai bên hiện nay là phương án khả thi nhất. Bất chấp thất bại hôm qua tại Hạ viện, bà May vẫn khẳng định rằng đây là lựa chọn duy nhất.
Trong khi các thành viên đảng Bảo thủ của bà May nói rằng, thỏa thuận này giữ Anh ở lại quá gần EU, trong khi các đảng đối lập cho rằng, thỏa thuận đó không bảo vệ được quan hệ kinh tế giữa Anh với liên minh. Hai bên đều không muốn duy trì cơ chế biên giới mở với Ireland.
Thủ tướng May ngày 15/1 cảnh báo, giới chức EU không cho Anh lựa chọn một thỏa thuận thay thế. Tuy vậy, bà vẫn đề ngỏ việc thảo luận các phương án khác nhau với các nghị sĩ và sau đó sẽ "thăm dò" quan điểm từ EU.
Như vậy, bà May có thể đưa ra một kế hoạch B có chút khác biệt, song cũng không loại trừ việc chính phủ của bà tiếp tục đệ trình lên nghị viện một thỏa thuận tương tự hết lần này đến lần khác cho đến khi các nghị sĩ chấp nhận nó hoặc buộc phải tìm cách hạ bệ bà.
Rút khỏi EU không thỏa thuận
Chính phủ của Thủ tướng May có thể lùi thời hạn Brexit. (Ảnh: Reuters)
Rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào có thể coi là kịch bản tồi tệ nhất vì nó có nguy cơ đẩy Anh vào suy thoái kinh tế, làm chậm tăng trưởng kinh tế của cả EU. Song đây là kịch bản khó tránh nếu quốc hội Anh tiếp tục phản đối kế hoạch Brexit của Thủ tướng May mà không đưa ra được giải pháp nào khác trước thời hạn 29/3.
Thỏa thuận mà Thủ tướng May đã đạt được với giới chức EU cho phép duy trì các quy tắc thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh trong giai đoạn chuyển giao đến cuối 2020.
Nếu Anh rút khỏi EU không có thỏa thuận, đột ngột chuyển sang các tiêu chuẩn khác sẽ tác động tiêu cực đến hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, giá hàng hóa ở Anh sẽ tăng lên từng ngày, hoạt động tại trung tâm logistic như các cảng biển sẽ đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn. Giới chuyên gia dự đoán, kịch bản này có thể khiến đồng Bảng Anh mất giá tới 25%. Chính phủ của Thủ tướng May được cho là đã chuẩn bị các phương án ứng phó cho kịch bản này từ nhiều tuần qua.
Theo AFP, có nhiều đồn đoán rằng, Thủ tướng May sẽ tìm cách để hoãn Brexit nhằm tránh kịch bản rút khỏi liên minh mà không có thỏa thuận.
Trưng cầu dân ý lần hai
Người ủng hộ Brexit bên ngoài quốc hội Anh. (Ảnh: Getty)
Những người ủng hộ EU đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Anh tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý khác về vấn đề Brexit. Trong cuộc trưng cầu lần một hồi tháng 6/2016, có tới 52% cử tri Anh ủng hộ rời EU, trong khi 48% phản đối. Những lời kêu gọi trưng cầu lại có xu hướng dồn dập hơn trong những tháng gần đây.
Không có điều luật nào cấm Anh trưng cầu dân ý Brexit lần hai, nhưng nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi liệu quyết định này có làm ảnh hưởng đến tính dân chủ. Hơn nữa, trưng cầu dân ý lần hai có thể càng khiến xã hội Anh chia rẽ hơn nữa vì vấn đề Brexit.
Thủ tướng May cũng cảnh báo, một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ gây tổn hại không thể bù đắp được đối với nền chính trị của nước Anh.
Với kịch này, bước đầu tiên mà chính phủ Anh cần làm là lùi ngày rời EU mặc dù giới chức EU cảnh báo chỉ có thể hoãn thêm một vài tháng.
Minh Phương
Theo AFP, BBC