1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bội ước

(Dân trí) - Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không ngừng chỉ trích Nga bội ước khi nhanh chóng thông qua việc sáp nhập Crimea. Nhưng nếu nhìn vào toàn bộ tiến trình "Đông tiến" của NATO trong hàng thập kỷ qua thì danh hiệu này đáng lý phải thuộc về phương Tây.

Các lãnh đạo G7 nhóm họp tại Lahay, Hà Lan ngày 24/3.

Những ngày này, các nhà lãnh đạo phương Tây đang ra sức họp bàn tìm biện pháp trừng phạt Nga vì hành vi thâu tóm Crimea.

Cái lý mà Mỹ và các nước châu Âu đưa ra khi lớn tiếng chỉ trích Nga về việc sáp nhập Crimea là những điều khoản ghi trong Bản ghi nhớ Budapest về hỗ trợ an ninh, được ký năm 1994 giữa đại diện của Nga, Mỹ, Ukraine và sự chứng kiến của Anh. Điều ước quốc tế này quy định rõ Anh, Nga và Mỹ sẽ không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự độc lập về chính trị của Ukraine sau khi Kiev bàn giao lại cho Nga toàn bộ số vũ khí hạt nhân có từ thời Liên bang Xô Viết. Các nước cũng cam kết không bao giờ dùng sức mạnh kinh tế chèn ép Ukraine để đạt được quyền lợi riêng.  

Nếu theo đúng Bản ghi nhớ Budapest 1994, Mátxcơva bị cho là bên đang vi phạm. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, điện Kremlin đã hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý cho việc sáp nhập Crimea, vốn là nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine. Nga lý giải phải hành động như vậy là vì cần bảo vệ người dân gốc Nga đang sinh sống tại Crimea (hiện chiếm khoảng 60% dân số) và cơ sở pháp lý để hành động như vậy là nguyện vọng của đại đa số người dân Crimea (được thể hiện công khai trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3). Trong cuộc trưng cầu dân ý này, có tới 96% trong tổng số 85% dân số Crimea lựa chọn giải pháp tách khỏi Ukraine để sáp nhập với Nga.

Nhưng phương Tây nhất quyết không chấp nhận cách lý giải cũng như hành xử của Nga. Nhiều nước theo quan điểm cứng rắn, đặc biệt là Mỹ và tất nhiên cả Ukraine, cáo buộc đây là “hành động xâm lược”, “cướp đất” hay “thôn tính” bằng vũ lực.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn nhận một phía của Mỹ và châu Âu tại thời điểm cụ thể hiện nay. Còn với những người quan sát sự kiện dưới góc nhìn bao quát và bám theo chiều dài lịch sử ngoại giao quốc tế từ trước khi Liên Xô sụp đổ, họ lại có những cảm nhận và đánh giá khác. Họ sẽ cảm thông và ủng hộ Nga nhiều hơn, cho dù việc sáp nhập Crimea chưa hẳn đã là hành động hoàn toàn hợp lý xét trong bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay.

Mọi việc bắt đầu từ một lời hứa hẹn với đầy vẻ thành thực được đưa ra năm 1990, hơn một năm trước khi Liên Xô chính thức tan rã.

Đó là vào ngày 9/2/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker dưới thời của chính quyền của Tổng thống George Bush đã trấn an nhà cải cách của Liên Xô Mikhail Gorbachev tại khánh phòng Catherine đệ nhị - một nơi rất có ý nghĩa với điện Kremlin - rằng liên minh phương Tây sẽ không mở rộng thêm ảnh hưởng của mình "dù chỉ một ly" sang Đông Âu nếu như, Mátxcơva chấp nhận nước Đức thống nhất gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngay ngày hôm sau, để tăng thêm độ tin cậy cho nhà cải cách Liên Xô, Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher đã nhắc lại lời hứa với người đồng nhiệm Liên Xô Edouard Chevardnadze. Trong công văn mật sau này, chính phủ Đức cũng khẳng định: "Chúng ta ý thức được rằng việc một nước Đức thống nhất gia nhập NATO làm dấy lên những vấn đề phức tạp. Nhưng với chúng ta, có một điều chắc chắc rằng: NATO sẽ không mở rộng sang Đông Âu".

Ông Gorbachev sau này cũng nhớ "như đinh đóng cột" rằng NATO đã thỏa thuận không mở rộng thêm một ly tấc nào sang Đông Âu. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, ông đã mắc một "sai lầm chết người" là cả tin về mặt chính trị và quá tin tưởng phương Tây. Ông đã không thể hiện lời hứa của họ trên một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý.

Và chính điều này đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nước Nga về sau.

Là một nhà chơi cờ cừ khôi và một cựu nhân viên KGB kỳ cựu, ông Putin hiểu rằng việc Ukraine chuyển hướng sang phương Tây chỉ là chương áp chót trong chiến lược thiết lập trật tự châu Âu mới trong không gian hậu Xô Viết. Chương cuối sẽ được viết tiếp tại Belarus, quốc gia đang nằm trong tầm ngắm tạo lập Liên minh Hải quan và Liên minh Á - Âu của ông Putin.

Cụ thể, không lâu sau khi Đức gia nhập NATO, lần lượt Ba Lan, Séc và Hungary đã gia nhập tổ chức này vào  năm 1999. Tiếp sau đó, Bulgary, Slovakia, Slovenia, Romania và 3 nước Baltic (Estonia, Latvia và Litva) cũng xếp hàng  gia nhập NATO năm 2004.

Bốn năm sau, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest (Rumania) năm 2008, suýt nữa thì đến lượt Ukraine viết tên lên danh sách các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, do sự phản đối gay gắt từ phía Nga nên ý tưởng này mới chỉ dừng lại trên giấy và người nhấn nút dừng khi đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chính nhà lãnh đạo Đức là người thay đổi ý kiến vào phút chót và đạp chân hãm phanh dự án.

Trong ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh năm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh cáo: "Đối với Nga, sự xuất hiện một khối quân sự mạnh ở sát đường biên giới của chúng tôi sẽ được coi là một mối đe dọa trực tiếp". Ông Putin đã buộc phải phản ứng, một cách cứng rắn và dứt khoát, để kịp thời chặn đà "Đông tiến" không có điểm dừng của NATO. Là nhà lãnh đạo nước Nga, ông Putin không thể làm khác. Trước đã vậy, nay cũng thế.

Vì vậy, khi phương Tây liên tục lôi kéo Ukraine ngả sâu hơn về phía mình, ban đầu thông qua việc thúc đẩy ký kết Hiệp định liên kết Ukraine - EU và sau này thông qua việc hậu thuẫn phe đối lập Ukraine lật đổ chính quyền thân Nga của Tổng thống Vicktor Yanukovych, Mátxcơva buộc phải hành động.

Nga không thể tiếp tục chứng kiến việc NATO tiếp tục mở rộng tới sát đường biên giới của mình sau khi khối quân sự này đã không dưới 3 lần phản bội lời hứa của họ. Lần đầu là năm 1999 với việc kết nạp Ba Lan. Lần thứ hai là năm 2004 với việc kết nạp ba nước vùng Baltic. Lần thứ ba là cuộc chiến tại Nam Ossetia của Gruzia. Và hiện nay là Ukraine.

Vì vậy, Mátxcơva buộc phải hành động. Nga không thể để NATO tiếp tục “thọc sườn”, càng không cho phép để Hạm đội biển Đen ở Crimea - một trong những hạm đội hải quân chủ lực của Nga - nằm lọt thỏm trong tay NATO nếu như chính quyền mới ở Kiev hoàn toàn ngả theo phương Tây. Suy cho cùng, đây cũng chỉ là đòn tự vệ  của Mátxcơva, lần đầu tiên sau nhiều năm và nhiều lần bị phương Tây bội phản. Trong lần tự vệ này, Tổng thống Putin đã chọn cách hành động tương xứng: lấy chính sách sức mạnh để đáp trả chính sách sức mạnh của phương Tây.

Đức Vũ