1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khác biệt

(Dân trí) - Cùng là hành động trừng phạt Nga nhưng cách ra đòn của Mỹ khác châu Âu. Một bên quyết liệt, trực diện. Một bên nương nhẹ, đi vòng. Khác biệt lợi ích là nguyên nhân dẫn tới hai ngả trừng phạt khác nhau, cho dù hai bên vẫn cố tỏ ra “chung một tiếng nói”.

Khác biệt
Tổng thống Mỹ không ít khó khăn trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu mạnh tay hơn với Nga.

Phải thừa nhận rằng Mỹ và châu Âu đã có sự phối hợp rất chặt chẽ về thời điểm đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Mátxcơva đẩy nhanh tiến trình (mất đúng 5 ngày) sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, sự khác biệt trong danh sách quan chức mà hai bên nhắm tới cho thấy rõ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có toan tính lợi ích khác nhau trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Cụ thể, trong khi Nhà Trắng chọn cách đánh trực diện vào đội ngũ thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì EU lại nương nhẹ với các thành viên điện Kremlin.

Đơn cử, sau hai vòng trừng phạt (ngày 17 và 20/3), EU đã ban hành lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 33 quan chức của Nga và Crimea. Tất cả các nhân vật này chỉ thuộc đội ngũ cấp trung của Nga, không hề có lãnh đạo các doanh nghiệp lớn cũng như các nhân vật chóp bu của điện Kremlin.

Trong khi đó, danh sách trừng phạt của Mỹ ít người hơn, chỉ có 21 đối tượng, nhưng lại nặng hơn nhiều do nhằm thẳng vào trung tâm quyền lực của Mátxcơva. Trong số này đáng chú ý có Phó Thủ tướng Dmitri Rogozine, các cố vấn thân tín của ông Putin như Vladislov Surkov, Sergei Glazyev và một số doanh nhân ngành  tài chính – ngân hàng.

Nguyên nhân khác biệt là do Mỹ và châu Âu có những lợi ích khác nhau trong việc duy trì hay đóng băng quan hệ với Nga. Trong khi châu Âu nhìn thấy trước những tổn thương to lớn nếu mạnh tay trừng phạt Nga thì Mỹ lại nhìn thấy cơ hội nhiều hơn thách thức.

Với châu Âu, “lục địa già” dễ bị tổn thương hơn nhiều nếu bị Nga trả đũa do có mối quan hệ kinh tế và năng lượng phụ thuộc khá lớn vào Nga. Trong đó đáng chú ý nhất là sự phụ thuộc của Trung Âu vào năng lượng Nga, các khoản đầu tư lớn của Đức ở Nga, hay các nguồn vốn mà Nga đã đổ vào thị trường tài chính London.

Vì thế, hầu hết các nước thành viên châu Âu không mặn mà với việc ban hành các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với Nga. Các nước này cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là làm cách nào để Mátxcơva công nhận chính quyền mới tại Kiev và không đẩy cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang hơn nữa. Chính vì thế, dù lên án hành động sáp nhập Crimea của Nga song không một ý kiến nào trong EU đề cập đến khả năng đưa bán đảo này trở lại với tình trạng pháp lý ban đầu hay đoạn tuyệt hoàn toàn quan hệ với Nga bằng cách tăng cường sức ép lên Kremlin.

Thông thường trong chính sách đối ngoại, quyết định của châu Âu là mẫu số chung từ các ý kiến do các nhóm nước khác nhau đưa ra. Khu vực phía Nam không muốn căng thẳng với Nga, khu vực phía Bắc đi theo chiều ngược lại, còn khu vực ở giữa không có sự lựa chọn rõ ràng. 

 

 

Theo chuyên gia Heather Conley ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế: “Những hành động trừng phạt (Nga) sẽ rất khó khăn và đau đớn. Đó là lý do vì sao Mỹ phải nỗ lực thuyết phục các nước do dự nhất nhưng cũng là đồng minh mạnh nhất ở châu Âu gồm Đức, Pháp và Anh”.

Trong một tuyên bố gần đây, Ngoại trưởng Lucxembourg Asselborn đã thẳng thắn nói rằng: “Không bao giờ có chuyện châu Âu tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự tại Ukraine. Chúng ta cần để ngỏ cánh cửa với Mátxcơva”.  Tuyên bố này thể hiện rất rõ chính sách trả đũa theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” của châu Âu đối với Nga, vốn được áp dụng nhất quán trong hơn một thập kỷ qua. Đó là chỉ áp đặt chế tài hạn chế đi lại và đóng băng tài sản đối với các quan chức cấp trung của Nga để tránh đẩy căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine cũng vậy, chính sách này đang được EU áp dụng triệt để, nhất là khi các trung tâm quyền lực chính của châu Âu như Đức, Anh và Pháp đều đang có mối quan hệ mật thiết với Nga.

Trái ngược với châu Âu, do không có nhiều ràng buộc kinh tế và năng lượng với Liên bang Nga nên Mỹ đang nhìn thấy nhiều cơ hội trong việc mạnh tay trừng phạt Nga. Washington muốn nhân sự kiện Ukraine để hạn chế sự nổi lên của Nga, trả đũa việc Nga cho cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tị nạn và tạo ra khoảng trống năng lượng ở châu Âu hòng đưa năng lượng của Mỹ xâm nhập vào thị trường này.

Tuy nhiên, hành động cứng rắn của Washington cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi để mất đi sự hỗ trợ tích cực của Nga trong các vấn đề quốc tế như Syria, Triều Tiên hay Iran.

Nguy hiểm hơn, nó còn có thể đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau trong cuộc chiến đối đầu với Mỹ. Lá phiếu trắng của Trung Quốc tại phiên họp Hội đồng Bảo an sau khi Crimea tiến hành trưng cầu dân ý cho thấy Bắc Kinh dù không công khai nhưng trên thực tế đang ngấm ngầm ủng hộ Mátxcơva. Lá phiếu này sẽ nghiễm nhiên trở thành “thẻ bài” của Trung Quốc nhằm buộc Nga cũng phải có những hành xử tương tự trong tình huống Bắc Kinh nảy sinh tranh chấp chủ quyền trong tương lai. Điều này hẳn Washington không thể không tính đến, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương để kìm chân Trung Quốc.  

Trong quan hệ chính trị quốc tế, bản chất quan hệ sẽ quyết định hành vi. Trong khi quan hệ giữa Mỹ với Nga được hình thành trên nền tảng địa chính trị, thì quan hệ Nga – châu Âu lại được xây dựng dựa trên hợp tác kinh tế và năng lượng. Một bên là quan hệ loại trừ, còn một bên là hợp tác cùng thắng. Vì vậy sẽ rất khó tìm được điểm chung giữa Mỹ và châu Âu một khi cần áp dụng các biện pháp trừng phạt thực sự đối với Nga.

Trong khi đó, Nga chắc chắn sẽ không ngồi yên mà tìm cách khai thác triệt để sự khác biệt này để tiếp tục mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của mình ở không gian hậu Xô Viết.    

Đức Vũ