1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ triển khai 2 cụm tàu sân bay ở châu Á là điều hiếm thấy

(Dân trí) - Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, ngày 20/6 nói rằng ông hy vọng việc triển khai cùng lúc 2 tàu sân bay làm nhiệm vụ huấn luyện ở Đông Á là điều hiếm thấy. Washington hy vọng hoạt động này sẽ giúp ngăn chặn những âm mưu gây bất ổn ở khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển.


Hai cạm tàu sân bay của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Hai cạm tàu sân bay của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cuối tuần qua, hai tàu sân bay Mỹ gồm John C. Stennis và Ronald Reagan đã bắt đầu phối hợp hoạt động ở vùng biển phía đông Philippines.

Đô đốc Hải quân Richardson nói rằng, Mỹ hiếm khi triển khai đồng thời 2 cụm tàu sân bay ở một vùng biển. Ông cho biết, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh khu vực châu Á. Mỹ hiện cũng triển khai 2 tàu sân bay ở Địa Trung Hải vào thời điểm mà giới chức Mỹ tỏ ra lo ngại về các hoạt động của Nga ở khu vực này.

“Hai tàu sân bay ở đây và ở Địa Trung Hải là tín hiệu cho mọi người trong khu vực thấy rằng chúng tôi đang giữ cam kết của mình, chúng tôi sẽ hiện diện ở đây vì các đồng minh và ngăn chặn bất cứ thế lực nào có ý định gây bất ổn khu vực. Và chúng tôi hy vọng đó cũng là một lời cảnh báo”, ông Richardson nói.

Ông Richardson nói, việc Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cản trở tàu các nước tiếp cận khu vực bằng tên lửa và radar, buộc Mỹ phải hành động.

Theo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, hai tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan đã bắt đầu các hoạt động diễn tập phòng không, tuần tra biển, huấn luyện chiến đấu phòng về và tấn công tầm xa từ thứ Bảy tuần trước.

“Hải quân Mỹ hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế nhiều thập niên qua và sẽ tiếp tục làm như vậy”, John D. Alexander, chỉ huy cụm tàu sân bay Ronald Reagan nhấn mạnh.

Hoạt động triển khai đồng thời hai cụm tàu sân bay của Mỹ ở vùng biển phía đông Philippines diễn ra ngay trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế của Liên hợp quốc về vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Đây là động thái mới nhất của Mỹ tại Biển Đông sau khi 6 chiến đấu cơ Mỹ trực chiến tại căn cứ không quân Clark tiến vào không phận bãi cạn Scarborough vào ngày 23/4/2016. Mỹ trước đó từng cảnh báo, Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh các hoạt động cải tạo quanh bãi cạn Scarbourough mà nước này chiếm của Philippines năm 2012 để chuẩn bị cho mưu đồ lập vùng nhận diện phòng không.

Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế từ tháng 1/2013. Đơn của Philippines đề nghị phân xử 3 việc: làm rõ tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc ôm lấy một vùng rộng lớn ở Biển Đông; quy chế của những thực thế Trung Quốc chiếm đóng như các bãi cạn và các quyền hàng hải của chúng, và các hoạt động của Trung Quốc trong những nơi Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Tòa án trọng tài quốc tế dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 7/7 tới và được cho là sẽ bất lợi với Trung Quốc.

Minh Phương

Tổng hợp