1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông không phải là bất động sản độc quyền

Biển Đông ngày càng dậy sóng, với mối quan hệ căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nảy sinh xung quanh tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô, hay bãi đá ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Mọi động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đang biến khu vực này thành “đấu trường” trong cạnh tranh quân sự và chiến lược với các cường quốc lớn, mà điển hình là Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải thừa nhận rằng, chiến lược “giành lấy tất cả” trong tranh chấp ở Biển Đông sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả như mong đợi.

Bởi lẽ, Biển Đông không phải là “bất động sản độc quyền” của Bắc Kinh, khiến chính quyền này ngang nhiên đưa ra những chính sách phi lý hay triển khai những động thái quân sự đầy hung hăng, khiêu khích. Tiếp đó, quyền lực kinh tế hay quân sự không thể giải quyết được tranh chấp chủ quyền, mà mọi giải pháp đều phải dựa trên tinh thần thỏa hiệp và không bên liên quan nào được quyền ngoan cố.

Đấu trường trên biển

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng siết gọng kìm trên Biển Đông, và chiến dịch gọi là “giành chủ quyền biển chính đáng” của Bắc Kinh sẽ bao trùm toàn bộ “đường chín đoạn” phi lý. Hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các vị trí chiến lược (như bãi cạn Scarborough) nhằm đẩy một nước khác ra khỏi vùng đất tranh chấp hoặc thông báo lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ hay một phần Biển Đông.

Điều này trở nên rõ ràng hơn vào thời điểm hiện tại, khi mà Bắc Kinh có ý đồ dọa nạt và sử dụng sức mạnh để “nhào nặn” khu vực theo sở thích, bất chấp luật pháp hay nguyên tắc quốc tế. Cùng với căn cứ tương lai trên các đảo tranh chấp, Trung Quốc có thể triển khai nhiều vũ khí và hoạt động quân sự nhằm khống chế các cửa ngõ của Biển Đông, tiến tới hoàn thành “bức tường lớn” để bao vây và chiếm trọn Biển Đông.

Trong một diễn biến gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cử một máy bay quân sự hạ cánh trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) ở Biển Đông, với lý do là đưa ba công nhân bị bệnh về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận hoạt động của máy bay quân sự tại vùng biển tranh chấp.

Biển Đông không phải là bất động sản độc quyền - 1

Động thái này của Trung Quốc khiến cho dư luận quốc tế quan ngại khả năng Bắc Kinh có thể đặt các máy bay chiến đấu thường trực trên đảo nhân tạo được bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Ngay lập tức, phía Washington đã lên tiếng phản đối hành động này của Bắc Kinh, yêu cầu giải thích tại sao lại sử dụng máy bay quân sự chứ không phải là máy bay dân sự.

Trung Quốc đang tập trung nâng cao sức mạnh quân sự mang tính chiến thuật, duy trì chiến lược không tạo ra xung đột toàn diện và triển khai ở các thời điểm, các vị trí phù hợp để tránh sự phản ứng quá dữ dội. Trung Quốc tiến hành các hoạt động khiêu khích theo từng đoạn ngắn, và ảo tưởng rằng cách này sẽ mang lại những thành công ngắn hạn.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhầm khi mà sự suy giảm về uy tín đối ngoại và hình ảnh trên trường quốc tế của chính quyền Bắc Kinh đã và đang hiện hữu. Trung Quốc phải đối diện với “những đe dọa cứng rắn” từ các cường quốc lớn khi tiếp tục quân sự hóa trên Biển Đông, gây ra mối quan ngại rằng Biển Đông có thể trở thành một điểm nóng giữa các bên.

Bằng việc không mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới RIMPAC 2016, Mỹ đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến các nước đồng minh và đối tác rằng, Washington luôn nỗ lực dẫn đầu trong việc bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế.

Lầu Năm Góc tuyên bố, Mỹ quyết tâm tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời hợp tác với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Mỹ và Philippines bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông, đồng thời bắt đầu đưa quân đồn trú luân phiên tại năm căn cứ đã thỏa thuận với Philippines.

Chưa hết, hai quốc gia đã tiến hành một cuộc tập trận chung Balikatan ở Biển Đông kéo dài 11 ngày (từ ngày 4-4 đến 15-4). Trung Quốc như “phát điên”, đã phản ứng một cách giận dữ và cáo buộc hai nước quân sự hóa khu vực. Tuy nhiên, việc gia tăng sự hiện diện trong khu vực của Mỹ xuất phát từ những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, và đó là “vấn đề về cách cư xử của Bắc Kinh”.

Chiến lược của Mỹ nhằm vào việc duy trì hòa bình và giải quyết trên cơ sở luật pháp đối với các tranh chấp, chứ không khiêu khích đụng độ giữa các cường quốc.

Tự chuốc lấy thất bại

Trung Quốc đang “đơn thương độc mã” trên Biển Đông, gây tác động xấu đến an ninh khu vực, và hành động đó đang khiến Bắc Kinh tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không “chơi đẹp”, lại lựa chọn lối đi sai lầm chệch hướng khỏi thông lệ và quy tắc quốc tế vốn là nền tảng cho kiến trúc an ninh châu Á - Thái Bình Dương, cũng như sự đồng thuận về ưu tiên giải pháp ngoại giao, tránh sử dụng vũ lực của khu vực.

Và cách hành xử của Bắc Kinh trên Biển Đông ngày càng tồi tệ hơn, bằng các dự án xây đảo nhân tạo phi pháp hay tuyên bố về “đường lưỡi bò” mơ hồ, tự cho mình quyền xây dựng “biên giới ảo” trên Biển Đông không hề có căn cứ xác thực. Vậy nên, rất dễ hiểu khi cộng đồng quốc tế lên án Bắc Kinh gay gắt, và thể hiện quyết tâm buộc Bắc Kinh phải trả giá cho những hành động ngang ngược của mình, để hiểu rằng họ sẽ bị cả thế giới “tẩy chay” nếu tiếp tục sai trái.

Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngoại giao rất lớn, khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác. Có vẻ như, Trung Quốc đang tích cực vận động hành lang để kêu gọi sự ủng hộ của Nga trong nỗ lực phản đối vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), đồng thời muốn “dựa hơi” Nga để đối phó với phán quyết mà PCA dự kiến đưa ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới về “đường lưỡi bò” phi pháp mà nước này tuyên bố trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã thất bại khi ngày càng có nhiều nước thể hiện sự ủng hộ đối với vụ kiện của Philippines, đồng thời chẳng thể… dọa nổi ai khi nhiều quốc gia đang tỏ ra đoàn kết và tìm cách kiềm chế hành động ngang ngược của họ trên Biển Đông.

Tuyên bố chung sau Hội nghị các ngoại trưởng G7 diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản) trong hai ngày 10 -11/4 đã đề cập đến an ninh hàng hải, dù không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của việc quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Biển Đông ngày càng dậy sóng, với mối quan hệ căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Biển Đông ngày càng dậy sóng, với mối quan hệ căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Các ngoại trưởng lên tiếng phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích hoặc cưỡng ép, đe dọa đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng của Trung Quốc. Và có vẻ bất lực, Bắc Kinh cho rằng, những phát biểu và hành động của G7 hoàn toàn vô trách nhiệm, ngang ngược tuyên bố phớt lờ mọi phát ngôn, thậm chí cả phán quyết sắp tới của tòa PCA.

Bắc Kinh yêu cầu G7 “hãy quay về thảo luận kinh tế, đừng động chạm tới đường biển của riêng Bắc Kinh”, nhưng lại trơ tráo kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp hàng hải quốc tế, đồng thời thực hiện mọi phán quyết mang tính ràng buộc do tòa án và tòa trọng tài quốc tế đưa ra theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Dù có nói gì, Trung Quốc không thể nào khuất phục được cộng đồng quốc tế chịu im lặng trước các hành động ngang ngược của họ.

Phía Anh tuyên bố rằng, dù quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã trở nên nồng ấm, và Anh cần thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc, nước này sẽ không chấm dứt những lời chỉ trích đối với tham vọng lãnh thổ phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đã đến lúc phải dừng lại. Tham vọng “giành lấy tất cả” chỉ làm tồi tệ hơn mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác. Bắc Kinh đang quá tự tin vào sức mạnh của mình, dẫn đến phản ứng đối đầu với các nước láng giềng cũng như coi thường luật pháp quốc tế.

Cách xử lý vấn đề ở Biển Đông làm Trung Quốc mất dần bạn bè, phung phí “quyền lực mềm” đã vất vả gây dựng được trong nhiều năm qua. Quan trọng hơn, Bắc Kinh vẫn chưa nhận ra rằng, “giành lấy tất cả” không thể quét sạch các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia liên quan đến tranh chấp (trong đó có Việt Nam) luôn phản ứng mạnh mẽ, bác bỏ mọi yêu sách phi pháp và yêu cầu Bắc Kinh phải nhượng bộ.

Các tuyên bố chủ quyền dựa trên lịch sử của Trung Quốc không hề thuyết phục, trong khi sa lầy vào giải quyết những tranh chấp chỉ vì tham vọng muốn “thâu tóm thêm lãnh thổ” chỉ khiến Trung Quốc dần bị cô lập. Suy cho cùng, dù Bắc Kinh có hi vọng bao nhiêu, hay vẫn tiếp tục mù quáng theo đuổi tham vọng lợi thế lãnh thổ, cùng những lợi ích chiến lược dài hạn, thì kết quả cuối cùng vẫn chỉ là con số không…

Theo Doãn Lâm

An ninh thế giới