1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Âm mưu của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough trên Biển Đông

Trung Quốc một lần nữa bất chấp tất cả khi công khai toan tính biến bãi cạn Scarborough thành một “tiền đồn quân sự”, “một đường băng” nhằm “khống chế bầu trời” trên Biển Đông.

Trung Quốc huy động hàng chục tàu thuyền ráo riết bồi đắp bãi cạn Scaborough sau khi chiếm giữ bãi cạn này
Trung Quốc huy động hàng chục tàu thuyền ráo riết bồi đắp bãi cạn Scaborough sau khi chiếm giữ bãi cạn này

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP, Hongkong) ngày 25-4 đưa tin, trong năm nay Trung Quốc sẽ tiến hành xây dựng các công trình trên bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) mà Philippines khẳng định là nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. SCMP dẫn một nguồn tin từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cho biết, Bắc Kinh Quốc sẽ thiết lập một “tiền đồn” trên bãi cạn Scarborough, cách bờ biển đảo Luzon lớn nhất của Philippines khoảng 230km.

Thông tin mà tờ SCMP tiết lộ lập tức làm dấy lên sự lo ngại sâu sắc của dư luận khu vực, đặc biệt là Philippines - quốc gia tuyên bố có chủ quyền với bãi cạn Scarborough. Philippines tuyên bố đã thực thi chủ quyền với bãi cạn này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng, song Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012 khi huy động lực lượng lớn tàu thuyền xua đuổi các tàu của Philippines.

Bãi cạn Scarborough dù chỉ là những đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi nhô lên từ 0,5-3 m trên vùng đáy biển sâu thẳm 3.500m, nhưng ngày nay có vai trò và vị trí chiến lược trọng yếu bởi có chu vi tới 55 km với tổng diện tích khoảng 130km2. Chiếm giữ bãi cạn Scarborough mang lại lợi thế rất lớn cho Bắc Kinh trong việc kiểm soát Biển Đông khi bãi cạn này nằm cách đảo Hải Nam tới 850km.

Việc xây dựng “tiền đồn” trên bãi cạn Scarborough, theo nguồn tin giấu tên từ PLA nói với SCMP, sẽ giúp Trung Quốc “hoàn thiện hơn nữa” việc bao quát vùng trời trên khắp Biển Đông, ám chỉ Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một đường băng trên bãi cạn này. Giáo sư Kim Vĩnh Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đại dương tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng nếu Trung Quốc có đường băng ở bãi cạn Scarborough, nó sẽ giúp mở rộng tầm với cho không quân Trung Quốc trên Biển Đông thêm ít nhất 1.000 km nữa và vươn vùng giám sát đến hết Luzon, một cửa ngõ trọng yếu vào Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, mưu đồ của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough chưa dừng ở đó. Ông Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự tại Macau, cho rằng: “Một khi Trung Quốc bồi đắp cải tạo xong bãi cạn Scarborough, họ có thể bố trí radar và các thiết bị khác để giám sát 24/24h căn cứ không quân Basa tại Pampanga”. Căn cứ Basa, một căn cứ không quân lớn được Mỹ xây dựng từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đã được chuyển giao lại cho Philippines nhưng vừa được Washington và Manila ký thỏa thuận sử dụng trở lại cùng 4 căn cứ khác trên đảo quốc này.

Trung Quốc thời gian qua đã ráo riết xây dựng, thiết lập các tiền đồn, căn cứ quân sự trên những hòn đảo, bãi đá mà nước này chiếm giữ phi pháp thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông nhằm biến đây thành các bàn đạp để khống chế, tiến tới hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong toan tính thâm sâu đó, chiếm giữ rồi thiết lập một “tiền đồn quân sự” trên bãi cạn Scarborough sẽ trở thành một bàn đạp lợi hại để Bắc Kinh thực hiện tham vọng của mình.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm