1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Biến chủng Mu nguy cơ kháng vắc xin "đã biến mất"

Minh Phương

(Dân trí) - Dữ liệu từ trang theo dõi dịch bệnh outbreak.info cho thấy biến chủng Mu không còn xuất hiện ở Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới kể từ 21/9.

Biến chủng Mu nguy cơ kháng vắc xin đã biến mất - 1

Biến chủng Mu của virus SARS-CoV-2 từng gây lo ngại về nguy cơ kháng vắc xin (Ảnh minh họa: News USA).

Hồi tháng 9, thông tin về biến chủng mới SARS-CoV-2 có tên gọi là Mu (hay B.1.621) từng gây lo ngại về nguy cơ kháng vắc xin, né miễn dịch.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci khi đó nói với các phóng viên rằng: "Biến chủng này mang các đột biến có thể giúp nó né một số kháng thể, không chỉ là kháng thể dòng mà cả kháng thể trong huyết thanh và vắc xin". Ông cũng nhấn mạnh chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng về điều đó, mà chủ yếu là dữ liệu từ phòng thí nghiệm.

Thời điểm đó, biến chủng Delta cũng đã gây lo ngại do khả năng kháng vắc xin cao hơn chủng ban đầu của SARS-CoV-2. Nhiều người lo ngại, biến chủng Mu phát hiện lần đầu ở Colombia có nguy hiểm hơn Delta hay không. Mu có những đột biến đặc biệt có liên quan đến khả năng kháng miễn dịch cũng như có một đột biến P681H làm tăng khả năng lây lan của virus.

Tuy vậy, đến nay, một tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa biến chủng này vào danh sách "đáng quan tâm", dữ liệu từ trang theo dõi dịch bệnh outbreak.info cho thấy biến chủng Mu không còn xuất hiện ở Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới kể từ 21/9.

Vậy liệu Mu có còn là mối lo ngại hay không? Câu trả lời là: Có thể. Joseph Fauver, một nhà khoa học tại Trường Y, Đại học Yale, cho rằng chưa đến mức Mu đã bị xóa sổ hoàn toàn. "Thực tế có thể là Mu đã bị biến chủng Delta lấn át triệt để".

Xu hướng tương tự cũng xảy ra với biến chủng Alpha (B.1.1.7) được phát hiện lần đầu ở Anh. Theo outbreak.info, biến chủng Alpha phát hiện lần gần đây nhất ở Mỹ là vào ngày 17/9/2021 và gần đây nhất trên thế giới là 21/9.

Ông Fauver giải thích, đây là những thời điểm phát hiện gen cuối cùng của mỗi biến chủng trong các mẫu ngẫu nhiên từ bệnh nhân. Do không phải tất cả các ca Covid-19 đều được lấy mẫu và phân tích ADN nên không thể khẳng định chắc chắn biến chủng đã biến mất hay vẫn còn lây lan.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, Delta vẫn tiếp tục là biến chủng trội toàn cầu. Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn 50% so với Alpha, trong khi đó Mu có những đột biến đáng lo ngại hơn.

Vậy tại sao Delta vẫn lấn át Mu? Ông Fauver cho rằng, câu trả lời có thể nằm ở điều đang xảy ra ở cấp độ phân tử. Hiện các nhà khoa học cũng chưa thể xác định liệu Delta tồn tại trong bao lâu, nhưng Delta có thể còn biến đổi.

Tiến sĩ Fauver cho biết, nhiều đột biến đã được tìm thấy trong các biến chủng "đáng quan tâm". "Liệu sẽ có đột biến khiến virus trở nên nguy hiểm hơn hay không. Tôi không biết. Nhưng Delta là virus thực sự đáng lo ngại, tôi hy vọng nó không tồi tệ hơn nữa".

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019. Đến nay, WHO đã phân loại ra các nhóm biến chủng, trong đó có 5 biến chủng thuộc nhóm "đáng quan tâm" (Alpha, Delta, Mu, Lambda, Eta) là nhóm biến chủng có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ né miễn dịch hơn.