1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bí mật về nhà máy quốc phòng ngầm của Triều Tiên

Theo báo chí Hàn Quốc thì hệ thống này gồm 180 nhà máy quốc phòng đều đặt dưới lòng đất, đều được đánh số mật là “Nhà máy số…”. Ngoài ra, còn có hơn 110 nhà máy dân sự khác sẽ được chuyển thành nhà máy quốc phòng ngay khi chiến tranh nổ ra.

Việc CHDCND Triều Tiên thử thành công vũ khí hạt nhân đã gây chấn động thế giới trên nhiều phương diện. Trong đó có việc các nước kinh ngạc và bất ngờ trước tổ chức và năng lực của hệ thống công nghiệp quốc phòng của CHDCND Triều Tiên.

Vậy mà từ trước đến nay hệ thống khổng lồ ấy vẫn là một điều bí ẩn đối với bên ngoài. Sau khi Mỹ tiến công Iraq thì những biện pháp phòng gian bảo mật của Triều Tiên lại càng thêm nghiêm ngặt.

Ngoài 180 nhà máy quốc phòng trên, còn có hơn 110 nhà máy dân sự khác sẽ được chuyển thành nhà máy quốc phòng ngay sau khi chiến tranh nổ ra.

Ngành công nghiệp quốc phòng ở CHDCND Triều Tiên được gọi là “Nền kinh tế thứ 2”. Hệ thống này được tổ chức theo kiểu hợp nhất đảng-chính-quân, do ủy ban kinh tế thứ hai trực thuộc Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên phụ trách.

Dưới ủy ban này có một Cục Tổng quản lý, 7 Cục công nghiệp Cơ khí và Cục Mậu dịch đối ngoại. Trước kia còn có Viện Khoa học quốc phòng nữa, nhưng mới đây Viện này đã được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng. 7 Cục Công nghiệp cơ khí này phụ trách những lĩnh vực khác nhau:

Cục 1 phụ trách khai thác và chế tạo những loại vũ khí thông thường bao gồm súng pháo có cỡ nòng dưới 82mm, đạn dược và các loại quân cụ thông thường.

Cục 2 phụ trách việc mua sắm, sản xuất xe tăng, xe bọc thép và các loại xe quân sự khác. Cục này đã phỏng chế xe tăng T-62 của Liên Xô cũ rồi xuất khẩu sang các nước Trung Đông.

Cục 3 phụ trách khai thác và sản xuất các loại pháo mặt đất cỡ nòng trên 82mm, pháo phòng không, và pháo hỏa tiễn, hợp tác rất chặt chẽ với BTL Pháo binh.

Triều Tiên có một loại pháo gọi là “Pháo chủ thể” có tầm bắn 30km, khi dùng đạn phản lực tăng tầm có thể đạt 44km, có thể bắn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Loại pháo khiến người Triều Tiên rất tự hào ấy do Cục CN cơ khí 3 này sản xuất.

Cục 4 mấy năm nay là cơ quan nổi nhất ở Triều Tiên vì nó phụ trách việc mua sắm, nghiên cứu và sản xuất tên lửa. Các xưởng nghiên cứu, thí nghiệm chế tạo và thử nghiệm các loại tên lửa Rodong, Taepudong… đều đặt dưới sự quản lý của Cục 4.

Cục 4 có 12 nhà máy sản xuất và căn cứ thử nghiệm tên lửa. Nhà máy số 26 ở Giang Giới có một căn cứ thử nghiệm ngầm với 2 vạn công nhân, chuyên sản xuất các loại tên lửa đạn đạo và hỏa tiễn.

Cục 5 phụ trách khai thác và sản xuất vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, hợp tác chặt chẽ với Viện Khoa học quốc phòng và ủy ban Năng lượng hạt nhân.

Cục 6 phụ trách nghiên cứu và sản xuất các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và các thiết bị của hải quân. Trước chỉ sản xuất các tàu chiến trang bị pháo, từ 1987 bắt đầu sản xuất tàu đổ bộ, cuối những năm 1990 bắt đầu sản xuất tàu ngầm lớp R của Nga, tháng 5/1997 đã sản xuất được tàu ngầm trinh sát loại 1000 tấn.

Cục 7 phụ trách mua sắm, nghiên cứu và sản xuất máy bay và các thiết bị thông tin. Từ 1998 đã sản xuất được Mig-21, Mig-29 và cải tiến các loại IL-28, AN-24.

Ngoài 7 Cục Công nghiệp cơ khí trên, Cục Tổng quản lý phụ trách việc lập kế hoạch, dự toán ngân sách, mua sắm và phân phối nguyên vật liệu. Cục Mậu dịch đối ngoại có tên công khai là Công ty Longxusan phụ trách việc xuất nhập khẩu vũ khí.

Khách hàng vũ khí của Triều Tiên chủ yếu là các quốc gia Trung Đông. “Pháo chủ thể” đã được xuất sang Iran hồi những năm 1980 và tham chiến trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq. Ngoài ra loại pháo M-1989 cỡ nòng 170mm đã được xuất sang Lybi và Syri.

Trên thị trường quốc tế, các loại tên lửa của Triều Tiên được nhiều nước quan tâm bởi hàng đẹp, giá rẻ. Hãng tin Reuter hồi tháng 3/2006 đưa tin Triều Tiên đã xuất sang Iran 18 quả tên lửa đạn đạo cơ động BM-25 có tầm bắn 2.500km dưới hình thức hàng tháo rời.

Một cơ quan quan trọng khác trong hệ thống công nghiệp quốc phòng Triều Tiên là Viện Khoa học Quốc phòng. Được thành lập đầu những năm 1960, Viện này phụ trách tất cả các việc liên quan đến nghiên cứu, khai thác hàng quốc phòng. Dưới nó còn khoảng 40 cơ sở nghiên cứu khác nhau, hình thành bộ não cho ngành công nghiệp quốc phòng cả nước.

Sau nhiều năm xây dựng, Triều Tiên đã có hệ thống công nghiệp quốc phòng khá hoàn thiện, nhưng các nhà quan sát cho rằng hệ thống này cũng có những điểm yếu.

Các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược an ninh Hàn Quốc cho rằng, về vũ khí trên biển, các hạm tàu nổi được chế tạo bởi kỹ thuật còn khá lạc hậu. Năm 1982, Triều Tiên đã sản xuất được 1 tàu hộ vệ 1.640 tấn, 15 ngàn mã lực, sau đó không sản xuất những loại tàu lớn hơn.

Kỹ thuật sản xuất tàu ngầm cũng khá lạc hậu, thời gian nổi lên mặt nước khá chậm, tiếng ồn chân vịt lớn, nhưng trong lĩnh vực chế tạo các tàu chiến cao tốc và tàu ngầm loại nhỏ thì họ đã đạt tới trình độ khá cao.

Các loại máy bay ném bom và máy bay tiêm kích của không quân Triều Tiên khá cũ kỹ. Năm 1999, họ mới nhập từ Kazakhstan hơn 40 chiếc Mig-21, không được lắp các loại tên lửa không đối không hiện đại và các thiết bị bay đêm, khả năng kháng nhiễu thấp.

Hiện Triều Tiên đã có khả năng lắp ráp máy bay chiến đấu với mức 2 – 3 chiếc Mig-29/năm. Không quân Triều Tiên đã có kế hoạch trang bị máy bay báo động sớm. Hồi thập niên 90 đã có kế hoạch cải tạo AN-24 bằng cách lắp radar chiến đấu của Mig-29 nhưng nó cũng chỉ hoàn thành được những nhiệm vụ đơn giản.

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, Triều Tiên lạc hậu hơn Hàn Quốc về phần cứng, nhưng kỹ thuật phần mềm đã đạt tới trình độ rất cao. Từ những năm 1980 họ đã tập trung đào tạo các nhân tài trẻ về tin học và tự động hoá. Hãng Yunhap hồi tháng 6 vừa qua đưa tin Triều Tiên có một lực lượng bộ đội tác chiến mạng trực thuộc Tổng cục chính trị chuyên làm nhiệm vụ phá hoại mạng lưới thông tin chỉ huy của quân đội Hàn Quốc.

Các tư liệu của Mỹ đã công bố cho thấy CHDCND Triều Tiên bố trí rất nhiều pháo ở gần khu vực giới tuyến, trong đó có loại “Pháo chủ thể”. Mỹ phát hiện ra loại pháo này lần đầu vào năm 1978 nên đặt tên là M-1978.

Nếu chiến tranh bùng bổ thì hỏa lực pháo binh của Triều Tiên có thể biến thủ đô Seoul thành biển lửa. Tên lửa cũng là một át chủ bài trong tay người Triều Tiên. Rodong là loại cải tiến trên cơ sở tên lửa Scud của Nga, tầm bắn đạt 1.300km.

Tháng 5/1993 nó được bắn thử ở Đông Hải, tầm bắn phủ khắp lãnh thổ Nhật Bản. Taepudong-1 có tầm bắn 1.500km, tháng 8/1998 đã bắn thử, nó bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Còn Taepudong-2 là loại tên lửa tầm trung đang được phát triển, có tầm bắn 3.500-3.600km, tầm bắn có thể tới bang Alaska của Mỹ.

Hệ thống công nghiệp quốc phòng của CHDCND Triều Tiên hồi thập niên 60 của thế kỷ trước chủ yếu phỏng chế các vũ khí của Liên Xô cũ, đến thập kỷ 70 thì độc lập sản xuất được xe tăng, tàu chiến loại nhẹ, thập kỷ 80 bắt đầu sản xuất tên lửa và máy bay, thập niên 90 thì lắp ráp được Mig-29 với sự giúp đỡ của Nga.

Do khó khăn về kinh tế, Triều Tiên đã từ bỏ việc chạy theo số lượng vũ khí mà tập trung vào tàu ngầm và tên lửa cùng vũ khí hạt nhân. Trong số các nước đồng hạng thì Triều Tiên là một cường quốc về quân sự. 

Đó là kết quả của chủ trương “tiên quân chính trị” - tức là: tất cả đặt công tác quân sự lên trên, tất cả coi quân sự làm quan trọng, quân sự là việc hàng đầu của đất nước.

Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng đó, hệ thống công nghiệp quốc phòng của CHDCND Triều Tiên mới tăng trưởng nhanh chóng như ngày nay.

Theo Thu Hoa 
Tiền Phong/Báo chí nước ngoài