1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bi kịch "Người giàu cũng khổ" ở Hy Lạp

Đường phố Kifissia ở miền bắc Athens đầy cây cối và cửa hiệu thời thượng với những đôi giày valentino, nhẫn kim cương và các trang thiết bị du thuyền.

Theo hãng tin BBC, người dân ở đây có tiền mặt để tiêu nhưng họ không xuất hầu bao vào lúc này.

Nikki, 34 tuổi, đang ngồi cùng với người bạn tên là Maria bên ngoài cửa hiệu, nơi cô bán giày dép trẻ em. Cô đang trò chuyện qua điện thoại và liếc nhìn ra cửa trước. Nhưng không có khách hàng nào xuất hiện.

Bi kịch Người giàu cũng khổ ở Hy Lạp
Những món đồ đắt tiền được bày ở một cửa hiệu tại Kifissia trong khi người Hy Lạp đang chật vật đối phó với khủng hoảng. (Ảnh: BBC)

"Chúng tôi đang chờ để nhận thông báo điều gì sắp diễn ra với các ngân hàng", cô bày tỏ. "Chúng tôi không thể làm gì cả".

Kifissia là một trong những khu vực giàu có của Athens. Đó là một trong vài nơi ở thủ đô Hy Lạp mà đa phần người dân bỏ phiếu "Có" trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 về các điều khoản cứu trợ mà chủ nợ quốc tế đặt ra cho nước này.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy 61,3% số cử tri Hy Lạp nói "Không" với thỏa thuận, nhưng ở Kifissia, người dân không tin vào cam kết của chính phủ là sẽ đạt được một thỏa thuận tốt hơn. Đa số cư dân nơi đây - 63,9% - muốn đất nước chấp nhận cứu trợ và thực hiện các biện pháp khắc khổ như chủ nợ yêu cầu.

"Có thể chỉ người giàu mới có thể đủ sức bỏ phiếu Có", một chủ cửa hiệu khác nói.

Nhưng giờ đây, tương lai của họ vẫn nằm trong tay chính phủ cánh tả Syriza, khi các nhà chức trách Athens đàm phán sâu hơn nữa với các bộ trưởng tài chính khối Eurozone.

Nhiều cửa hiệu cao cấp ở Kifissia đang trông chờ nguồn thu từ người nước ngoài. (Ảnh:
Nhiều cửa hiệu cao cấp ở Kifissia đang trông chờ nguồn thu từ người nước ngoài. (Ảnh: BBC)

Vận may của một số người nằm trong sức chi tiêu của nước ngoài. Các chủ sở hữu một cửa hàng trang sức cao cấp gần đó đang đang tập trung làm việc khi một khách hàng tới mua không chỉ một mà hai chiếc vòng cổ lấp lánh.

Nicole Kharma, 48 tuổi, vừa từ Singapore đến Hy Lạp với một tập tiền loại 50 Euro. Người bán trang sức Stavros Metaxas giải thích: "Khách hàng nước ngoài rất quan trọng. Người Hy Lạp đang chờ đợi xem điều gì xảy ra với cuộc khủng hoảng và không muốn chi tiêu vào lúc này".

Hiện tại, dân chúng Hy Lạp chỉ được phép rút tiền ở hạn mức 50 hoặc 60 Euro mỗi ngày do các biện pháp kiểm soát vốn mà chính phủ thực thi. Nhưng điều này không áp dụng với người nước ngoài. Và các cửa hiệu cần tiền mặt thay vì thẻ tín dụng để chi trả cho những người cung cấp hàng hóa.

"Nếu không nhận được tiền thì người bán sẽ lấy lại hàng hóa", Metaxas cho biết.

Kharma có thể rút được 500 Euro mỗi ngày nhờ thẻ ngân hàng nước ngoài của mình và xuất tiền cho việc làm ăn ở địa phương. Nhưng cô cho biết vẫn "không yên tâm" khi chứng kiến những gì đang diễn ra xung quanh.

"Rời máy rút tiền với một xấp tiền loại 50 Euro - với số lượng đủ 500 Euro - khi mọi người đứng xếp hàng chỉ để rút được có 50 Euro thì thực sự là rất buồn. Ai cũng bị ảnh hưởng", cô nói.

Panagiotis Fotiou, 60 tuổi, ngồi uống cà phê để dành sức quay trở lại xếp hàng chờ rút tiền. Ông đã bỏ phiếu "Có" bởi vì cũng giống như nhiều người ở đây, ông tin chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras muốn từ bỏ đồng Euro.

"Tôi tin rằng chính phủ muốn đưa Hy Lạp ra khỏi châu Âu và chúng tôi sẽ sớm dùng lại đồng drachma. Tôi nghĩ họ đang làm điều đó từ từ, mà không nói gì cả, bởi vì họ không muốn người dân thấy họ đang làm gì".

Fotiou, là một kỹ sư cơ khí mới về hưu cách đây 1 tháng, từng sống ở Anh hồi thập niên 1990 và đã chuyển tới Kifissia 3 năm trước.

"Nơi này là một trong những khu giàu có nhất ở Hy Lạp, vì vậy chúng ta không thấy nhiều cửa hiệu bị đóng cửa hoặc người ăn xin trên đường phố. Nhưng tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng theo những cách khác nhau", ông nhận định thêm.

Người Hy Lạp ở Kifissa đang tiếp tục chờ đợi. Và giờ đây, cuộc sống của họ đang ngừng lại - với tương lai của họ nằm trong tay người khác.

 
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm