Cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ cho Hy Lạp
Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp tối 6-7 tại thủ đô Paris của Pháp.
Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của lãnh đạo hai nước, được coi là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ châu Âu, trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân ở Hy Lạp.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Hollande nhấn mạnh, đã đến lúc Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cần phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin và mong muốn ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần được thể hiện bởi một kế hoạch có tính dài hạn.
Về phần mình, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh rằng, Pháp và Đức đang đợi những đề xuất cụ thể từ phía Thủ tướng Hy Lạp và giờ đã là thời điểm rất gấp để nhận những đề xuất này. Bà Merkel cũng cho rằng, cần phải tính đến "phản ứng của 18 nước còn lại trong Eurozone sau cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp ngày 5-7 vừa qua".
Quan điểm thống nhất trên của hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức được xem là cơ sở nền tảng cho cuộc thảo luận của 19 nước thành viên Eurozone và Hy Lạp trong hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo 19 nước thành viên Eurozone diễn ra vào tối 7-7, giờ địa phương (tức rạng sáng 8-7, giờ Hà Nội) tại Brussels (Bỉ). Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) nhận định, mặc dù tỏ rõ thái độ khá cứng rắn và quyết tâm không nhượng bộ, nhưng các nước thành viên Eurozone vẫn dành cho Hy Lạp cơ hội cuối cùng để trình bày kế hoạch cải cách mới tại hội nghị này. Tuy nhiên, giới chức Eurozone khẳng định, các nhà lãnh đạo sẽ không tái khởi động đàm phán về gói cứu trợ nhằm "giữ chân" Hy Lạp trong liên minh tiền tệ này.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Tsipras đưa ra những đề xuất của Chính phủ Hy Lạp nhằm đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ châu Âu và IMF. Theo các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, châu Âu chờ đợi những đề xuất chi tiết của Hy Lạp trước khi có thể tìm ra lối thoát cho tình trạng hiện nay. Ngoài ra, chương trình nghị sự của hội nghị cũng đề cập tới việc hỗ trợ nhân đạo cho Athens để duy trì các dịch vụ công và để giúp người dân tiếp tục cuộc sống của mình. “Người dân Hy Lạp đang cần giúp đỡ, châu Âu không thể từ chối họ chỉ vì không hài lòng với cuộc trưng cầu dân ý”, Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hollande để thảo luận về giải pháp giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Ngoài việc kêu gọi Athens tiếp tục thực thi các biện pháp cải cách, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tầm quan trọng của việc tìm ra phương hướng đưa nền kinh tế này trở lại tăng trưởng và ổn định tình hình nợ công trong khuôn khổ Eurozone. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng nỗ lực này đòi hỏi sự đồng thuận, có lẽ khá vất vả, từ các bên.