1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bi kịch chồng chất

Sự kiện bà Park Geun-hye, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bị truất phế là một bi kịch mới chồng chất lên những bi kịch cũ của gia đình họ Park.

Bà Park Geun-hye đã phải lặng lẽ rời khỏi Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) cuối tuần qua sau khi bị Tòa án Hiến pháp phế truất - một sự kiện chưa từng thấy qua 17 đời tổng thống trước đó. Bà là vị tổng thống đầu tiên nếm trải đắng cay này.

Đối với nhiều người, đó là một bi kịch đáng buồn. Đối với dòng họ Park - gia tộc có 2 người làm tổng thống - và cá nhân bà Geun-hye, nó càng bi thảm hơn vì đó là bi kịch chồng chất bi kịch khiến người ta tự hỏi vì đâu nên nỗi. Dòng họ Park đã làm gì mà gánh chịu một số phận oan nghiệt như vậy?

Công chúa Nhà Xanh

Năm nay 65 tuổi, cuộc đời bà Geun-hye bắt đầu đẹp như mơ. 11 tuổi, bà đã sống trong Nhà Xanh khi ông Park Chung-hee trở thành tổng thống thứ 3 của xứ sở kim chi. Tại đây, người ta hay gọi bà là “công chúa”. Sau này, khi Geun-hye trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, tuần báo Mỹ Time còn gọi bà là “con gái của người hùng (Park Chung-hee)”

Học xong bậc THPT tại trường nữ danh giá Sungshim (Thánh Tâm), bà Geun-hye tốt nghiệp trường Đại học Sogang với tấm bằng kỹ sư điện tử năm 1974. Sau đó, bà sang Pháp học trường Đại học Grenoble nhưng nửa chừng phải trở về nước thọ tang mẹ. Từ đây, một loạt sự kiện bi thảm xảy ra liên tục trong gia tộc Park.

Những người biểu tình mang mặt nạ bà Choi Soon-sil (trái) và bà Park Geun-hye (phải) yêu cầu xử tội bà Choi và truất phế bà Park. Ảnh: REUTERS
Những người biểu tình mang mặt nạ bà Choi Soon-sil (trái) và bà Park Geun-hye (phải) yêu cầu xử tội bà Choi và truất phế bà Park. Ảnh: REUTERS

Bà Yuk Young-soo, mẹ bà Geun-hye, bị sát thủ tên Mun se-gwang bắn chết tại Nhà hát Kịch quốc gia sáng 15-8-1974 khi dự lễ mừng Ngày Độc lập. Thật ra, Mun được một tổ chức thân Triều Tiên ở Nhật mướn hạ thủ Tổng thống Park Chung-hee tại sự kiện này. Do khẩu súng trên tay cướp cò, Mun tự gây thương tích, bị lộ sớm nên phải bỏ chạy thục mạng.

Trên đường thoát thân, Mun bắn loạn xạ 5 phát súng về phía ông Park. Bà Yuk chẳng may trúng phát đạn thứ tư vào đầu và qua đời vào tối cùng ngày trên bàn mổ. Mun bị bắt ngay lập tức và 4 tháng sau bị treo cổ. Bà Geun-hye, lúc đó mới 22 tuổi, trở thành “đệ nhất phu nhân” Nhà Xanh.

Không dừng lại ở đó, 5 năm sau, đến lượt cha bà Geun-hye là Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát ngày 26-10-1979 trong một tiệc nhậu. Sát thủ Kim Jae-gyu không ai khác là giám đốc Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA) do chính tay ông Park bổ nhiệm. Kim khai trước tòa: “Park là một cản ngại cho nền dân chủ”, còn việc hạ sát tổng thống là “hành động yêu nước”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, động cơ của Kim không rõ ràng. Ông ta cũng bị xử treo cổ ngày 24-5-1980.

Ông Park Chung-hee nổi tiếng là một nhà độc tài quân phiệt nhưng là vị tổng thống duy nhất của nền Đệ tam Cộng hòa Hàn Quốc thực hiện thành công việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Với bà Geun-hye, cha mẹ chết một cách không bình thường khiến bà chới với, cô độc.

Chính trong hoàn cảnh đó, bà Geun-hye dấn thân vào một bi kịch khác mà không lường hết hậu quả với việc kết thân cùng Choi Soon-sil, con gái Choi Tae-min - một tay pháp sư dỏm. Cuối năm ngoái, Geun-hye thú nhận trước công chúng rằng chính sự cô độc cùng cái chết bi thảm của mẹ và cha đã khiến bà xích lại gần Choi Soon-sil để rồi dẫn đến bê bối tham nhũng, lộng quyền của “pháp sư”.

Trước khi tham gia chính trường khắc nghiệt Hàn Quốc từ năm 1997, bà Geun-hye tránh né mọi tiếp xúc bên ngoài, có lẽ do dư chấn hai cái tang quá lớn của cha mẹ. Trong lòng bà Geun-hye chỉ có bà Choi Soon-sil, kết bạn từ năm 1977, là người đáng tin cậy nhất.

Một người ủng hộ bà Park Geun-hye trước nhà riêng của bà ở thủ đô Seoul ngày 15-3 Ảnh: AP
Một người ủng hộ bà Park Geun-hye trước nhà riêng của bà ở thủ đô Seoul ngày 15-3 Ảnh: AP

Chị em mất đoàn kết

Bà Park Geun-hye có 2 người em là Ji-man (nam) và Geun-ryeong (nữ). Mối bất hòa giữa họ bắt nguồn từ tổ chức phi lợi nhuận Yookyong Foundation do mẹ bà Geun-hye sáng lập và cha bà điều hành. Tổ chức này bị cha con bà Choi lũng đoạn khiến 2 người em của bà Geun-hye bất bình.

Sau khi Tổng thống Park Chung-hee bị sát hại, anh em Ji-man và Geun-ryeong gửi tâm thư lên Tổng thống Roh Tae-woo (1988-1993), tố cáo cha con bà Choi lợi dụng lòng tin của ông Park lũng đoạn tổ chức Yookyong Foundation và khống chế bà Geun-hye. Bức thư có đoạn viết: “ Hãy cứu lấy chị tôi, giải thoát chị ấy khỏi ảnh hưởng của Choi Tae-min”.

Bà Geun-hye rất giận về chuyện này. Khi Geun-ryeong lấy chồng năm 2008, bà không thèm đến dự đám cưới. Trong khi đó, Ji-man sa đà vào gái và ma túy. Ông ta từng bị cảnh sát bắt giữ 5 lần về hành vi này.

Năm 2007, gia đình họ Park lại nổi sóng. Chồng của Geun-ryeong là Shin Dong-wook nói ông là nạn nhân của một vụ mưu sát do anh vợ Ji-man tổ chức. Yong-cheol và Yong-soo, bà con của bà Geun-hye, những kẻ bị cho là liên quan đến âm mưu giết người này, đều qua đời năm 2011. Một số nhân chứng vụ án bí ẩn này cũng chết trong những hoàn cảnh bí ẩn.

Ngày cuối cùng của Tổng thống Park Geun-hye cũng đầy tin tức đau buồn. Hôm Tòa án Hiến pháp tuyên án truất phế nữ tổng thống (10-3) cũng là ngày 2 cụ già tham gia biểu tình ủng hộ bà Geun-hye bị phe biểu tình chống đối hại chết.

Giờ đây, khi trở thành một công dân bình thường, vướng nhiều tai tiếng, bà Geun-hye đối mặt một tương lai bất định. Nhật báo The Korea Times đặt câu hỏi: Liệu bà có thoát khỏi cảnh tù tội vì quá tin tưởng ở một người bạn tham lam quá độ?

Ứng viên tổng thống bị rạch mặt

Vận đen đeo đuổi bà Park Geun-hye từ lúc bà bắt đầu tranh cử tổng thống. Tháng 5-2006, trong lúc đi vận động tranh cử, bà bị một tên tội phạm vừa ra tù dùng dao rạch mặt. Vết dao để lại trên má phải của bà một vết cắt dài 11 cm, phải khâu 60 mũi.

Ba tháng sau, thủ phạm tên Ji Choong-ho, 50 tuổi, bị kết án 11 năm tù về tội gây thương tích cho bà Geun-hye và vi phạm luật bầu cử. Trước tòa, Ji tỏ ra ăn năn, xin lỗi nạn nhân. Ji giải thích trong lúc rối trí, gã đã hành động không đúng. Cảnh sát điều tra nói Ji không cố ý giết bà Geun-hye và cũng không tìm thấy động cơ chính trị nào đằng sau vụ này.

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động