1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tấn bi kịch Park Geun-hye:

"Thái tử Samsung" Lee Jae-yong

Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, người được báo chí Hàn Quốc đặt biệt danh “thái tử Samsung” - là gương mặt nổi bật nhất trong vụ “Park Geun-hye - Choi Soon-sil gate”

Phiên tòa xét xử Lee Jae-yong đã khai mạc hôm 9-3, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công luận, nhất là các doanh nghiệp. Có thể coi đây là “phiên tòa thế kỷ” vì một lần nữa, đối tượng xét xử là hệ thống tham nhũng gắn liền chính trị với kinh doanh, một vấn nạn ở Hàn Quốc, chứ không riêng gì ông Jae-yong.

Đặc biệt, nó liên quan mật thiết đến bà Park Geun-hye, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, mà sinh mệnh chính trị đã được Tòa án Hiến pháp định đoạt hôm 10-3 với bản án truất phế. Bà Choi Soon-sil, người có liên quan, sẽ được xét xử trong một phiên tòa khác.

Tại sao phải hối lộ?

“Thái tử Samsung” bị cáo buộc đút lót 43,3 tỉ won (38 triệu USD) cho Tổng thống Park Geun-hye và “pháp sư” Choi Soon-sil để danh chính ngôn thuận nắm trọn quyền đế chế Samsung; cùng nhiều tội danh khác như biển thủ, chuyển dịch trái phép tài sản ra nước ngoài và khai man trước tòa.

Bốn đồng phạm là quản lý cấp cao của Samsung cũng cùng ra tòa.

“Thái tử Samsung” điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 12-2016. Ảnh: EPA
“Thái tử Samsung” điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 12-2016. Ảnh: EPA

Tất cả các bị cáo nêu trên đều vắng mặt tại phiên tòa ngày 9-3. Thông qua luật sư bào chữa của mình, họ đồng thanh bác bỏ cáo trạng và không nhận bất cứ tội danh nào. Phiên tòa kế tiếp sẽ diễn ra ngày 23-3.

Lee Jae-yong, 48 tuổi, là con trai đầu lòng trong số 4 người con của ông Lee Kun-hee, đương kim Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Samsung.

Chủ tịch Kun-hee, năm nay 75 tuổi, bị đột quỵ năm 2014. Sau đó, có người tung tin giả ông đã chết. Thật ra, ông vẫn còn sống nhưng rất ít thông tin về sức khỏe được tiết lộ ra ngoài. Hiện nay, vấn đề của lãnh đạo Samsung là chuyển giao quyền chủ tịch cho phó chủ tịch Lee Jae-yong - một việc tưởng chừng quá dễ dàng và dễ hiểu vì “thái tử” là con trai duy nhất của ông Kun-hee.

Bản thân chủ tịch Lee Kun-hee rất muốn tiến trình kể trên diễn ra êm thấm và nhanh chóng, nhưng trong dòng họ có nhiều người cản trở chuyện này.

Lee Maeng-hee và Lee Sook-hee, hai anh trai của Lee Kun-hee, từng đòi chia cổ phiếu Samsung trị giá 913,56 tỉ won (850 triệu USD) mà họ nói ông Lee Byun-chul, cha đẻ tập đoàn Samsung, đã hứa chia tài sản khi qua đời. Vụ việc đã được đưa ra tòa vào tháng 5-2012. Gần 2 năm sau, tòa bác đơn. Như vậy, coi như “thái tử” chỉ còn rung đùi chờ thời cơ chín muồi.

Dư luận nói chung nghĩ rằng sở dĩ “thái tử” Lee Jae-yong hối lộ là để hợp thức hóa nhanh chóng việc thừa kế. Tuy nhiên, theo GS Justin Fendos, Trường Đại học Dongseo, cốt lõi của vụ lót tay là để né thuế kế thừa tài sản (gọi tắt là thuế di sản).

Đối với những công ty vừa và nhỏ, vấn đề này không lớn lắm nhưng Samsung là một trường hợp đặc biệt. Samsung là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và nằm trong tốp 20 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới. Một tập đoàn như thế tại sao phải “lụy đò”?

Theo GS Fendos, thuế di sản là một trong những yếu tố hàng đầu khiến “thái tử Samsung” phải tính toán kỹ. Hàn Quốc là thành viên của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Thuế di sản ở Hàn Quốc lên đến 50%, cao nhất toàn khối, chỉ đứng sau Nhật Bản (55%), cao hơn Mỹ (40%), Đức (30%) và Canada (0%).

Tài sản của Tập đoàn Samsung trị giá 529,5 tỉ USD (số liệu năm 2014). Với số tài sản mà cha “thái tử” đang sở hữu (3,5% cổ phần công ty Điện tử Samsung và 20% cổ phần công ty Bảo hiểm Samsung), muốn thừa hưởng, ông Jae-yong phải đóng trên dưới 6 tỉ USD!

Một số tiền quá “khủng”, dẫu cho chính phủ có thể cho đóng từng đợt trong vòng 10 năm hoặc lâu hơn. Để có tiền đóng thuế, “thái tử” phải bán bớt cổ phần, làm sứt mẻ nghiêm trọng tài sản của dòng họ. Theo GS Fendos, đây chính là nguyên nhân cơ bản của vụ án hối lộ này.

6 triệu euro sắm ngựa cho con gái bà Choi?

Theo cáo trạng, “thái tử Samsung” đã chi một khoản tiền lên đến 38 triệu USD cho 4 tổ chức và cơ quan thuộc quyền lãnh đạo của bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye.

Tháng 12 năm ngoái, điều trần trước quốc hội, ông Lee Jae-yong xác nhận đã tặng 19 triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận và trung tâm Thể thao mùa Đông của bà Choi. Các nhà điều tra nghi ngờ đây là hành vi hối lộ để đổi lại việc chính phủ hậu thuẫn kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn Samsung giúp “thái tử” thừa kế “ngôi vua” một cách suôn sẻ. Cụ thể, chính phủ sẽ ép Quỹ Hưu trí Quốc gia (cơ quan có thẩm quyền về vấn đề kế thừa tài sản) hợp thức hóa việc lên ngôi của “thái tử” Lee Jae-yong.

Trong số 19 triệu USD còn lại mà Samsung chi cho những nơi giúp “thái tử” lên ngôi an toàn, đặc biệt có khoản tiền trị giá 6 triệu euro chuyển cho một cơ quan thể thao ở Đức trên danh nghĩa có nhiệm vụ huấn luyện đoàn vận động viên cưỡi ngựa của công ty Samsung, nhưng thực chất là cho tiểu thư Chung Yoo-ra (con gái bà Choi Soon-sil, mới bị bắt ở Đức trong khuôn khổ vụ án hối lộ).

Số tiền này bao gồm tiền mua siêu ngựa chiến rất đắt tiền cho con gái bà Choi. Tuy nhiên, Lee Jae-yong chỉ xác nhận chi 900.000 USD - điều mà giờ đây ông nói rất tiếc.

Rồi đâu sẽ vào đó

Liệu vụ xử “thái tử Samsung” can tội hối lộ bà Choi Soon-sil và Tổng thống Park Geun-hye có phá vỡ hệ thống tham nhũng thâm căn cố đế ở Hàn Quốc hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào phiên tòa được cho là thế kỷ này. Lịch sử rồi sẽ lặp lại mà thôi.

GS Joseph Fan, Khoa Kế toán và Tài chính trường Đại học Kinh tế Hong Kong, nhận định: “Trong ngắn hạn, phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của tập đoàn Samsung và gia đình họ Lee. Tuy nhiên, cuối cùng thì kinh doanh và chính trị ở Hàn Quốc sẽ vẫn vận hành như cũ. Trong môi trường kinh tế - chính trị hiện nay, Samsung là một mô hình kinh doanh cần được duy trì sự sống. Rất khó mà thay đổi được nó”.

(Kỳ tới: Bi kịch chồng chất)

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động