1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bị “cấm cửa” dự án F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ sửa chữa sai lầm

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích quyết định của Mỹ khi loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 do thương vụ S-400 với Nga.

Bị “cấm cửa” dự án F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ sửa chữa sai lầm - 1

Máy bay chiến đấu F-35 và hệ thống phòng không S-400. (Ảnh: Reuters)

“Bước đi đơn phương này không phù hợp với tinh thần của đồng minh và không dựa trên bất kỳ lý lẽ hợp pháp nào”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong thông báo phát đi ngày 17/7.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ngay sau khi Nhà Trắng chính thức thông báo loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 của Washington.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm mà có thể gây ra những tổn thương không thể bù đắp được cho mối quan hệ chiến lược của chúng ta”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã đưa ra tuyên bố “vô giá trị” khi cho rằng tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất và chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước sẽ gây tổn hại cho chương trình F-35 cũng như an ninh của NATO.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mọi nỗ lực của Ankara nhằm phối hợp với Washington để giải quyết vấn đề khúc mắc giữa hai nước đều không được Mỹ đón nhận. Washington không quan tâm tới việc thành lập một nhóm làm việc trong nội bộ NATO.

“Việc thiếu thiện chí đàm phán là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy thành kiến của phía Mỹ cũng như sự thiếu quyết tâm để giải quyết vấn đề bằng lòng tin thực sự”, thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.

Nhà Trắng hôm qua tuyên bố sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vì máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ “không thể cùng tồn tại” bên cạnh hệ thống phòng không S-400 của Nga.

“F-35 không thể cùng tồn tại với một hệ thống thu thập dữ liệu tình báo của Nga, vốn được sử dụng để nắm bắt thông tin về năng lực tối tân của F-35”, người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết.

Mỹ đã nhiều lần cảnh báo đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển F-35, trong khi các công ty Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tham gia vào việc chế tạo dòng máy bay chiến đấu hiện đại này. Washington cũng dọa không chuyển F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ dù nước này đã đặt hàng khoảng 100 chiếc.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn cho rằng động thái của Mỹ đã đi ngược lại các quy tắc và Ankara có quyền mua vũ khí nào họ muốn.

Mặc dù tuyên bố dừng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về chương trình F-35, song Mỹ vẫn giữ giọng điệu hòa giải. Nhà Trắng vẫn gọi Ankara là “đối tác lâu dài, đáng tin cậy và là đồng minh NATO trong hơn 65 năm qua”, ngay cả khi thương vụ S-400 đã làm “xói mòn cam kết” của NATO về việc không mua vũ khí Nga.

“Mỹ vẫn coi trọng mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ quân sự giữa hai nước vẫn mạnh mẽ, và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp tâm lý không thỏa mái do thương vụ S-400”, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết thêm.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Ellen Lord cho biết toàn bộ nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình F-35 sẽ phải rời khỏi Mỹ trong tháng này và việc dừng hợp tác sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 3/2020.

Thứ trưởng Lord nói rằng việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chuỗi cung ứng F-35 sẽ mất khoảng 600 triệu USD, trong khi chi phí phát triển chương trình F-35 của Mỹ ước tính hơn 1,5 nghìn tỷ USD, biến F-35 thành vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Thành Đạt

Theo RT