DMagazine

Bí ẩn về quý ngài "điệp viên im lặng" từng giúp ngăn chiến tranh hạt nhân

(Dân trí) - Điệp viên huyền thoại của tình báo Liên Xô George Koval đã nắm được bí mật chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ và được xem là người từng "giúp ngăn chiến tranh hạt nhân bùng nổ" ở thế kỷ trước.

BÍ ẨN ĐIỆP VIÊN LIÊN XÔ TỪNG "GIÚP NGĂN CHIẾN TRANH HẠT NHÂN"

Điệp viên huyền thoại của tình báo Liên Xô George Koval đã nắm được bí mật chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ và được xem là người từng "giúp ngăn chiến tranh hạt nhân bùng nổ" ở thế kỷ trước.

Tháng 11/2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã truy tặng danh hiệu "Anh hùng nước Nga" cho điệp viên bí danh Delmar, tên thật là George Koval, vì "chiến công to lớn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Nga".

Vào thời điểm đó, ông Koval đã qua đời được một năm, hưởng thọ 94 tuổi. Phải tới khi gần nhắm mắt xuôi tay, ông Koval mới đồng ý cho các bên được tiết lộ về tên tuổi và các hoạt động của ông khi vẫn còn trong ngành tình báo, vốn giúp ông được mệnh danh là "điệp viên hạt nhân". Trước đó, người đàn ông này hoàn toàn im lặng trong suốt hàng chục năm sau khi thực hiện một chiến dịch huyền thoại được đánh giá đã "giúp ngăn chiến tranh hạt nhân bùng nổ".

"VỎ BỌC" HOÀN HẢO

Ông Koval sinh ra trong một gia đình những người nhập cư Do Thái ở Sioux City, Iowa, Mỹ. Cha ông là một thợ mộc nghèo dưới thời Sa hoàng Nga và yêu con gái của một lãnh đạo Do Thái giáo tại Belarus. Năm 1910, cha ông quyết định sang Mỹ tìm kiếm cơ hội đổi đời. Họ có với nhau 3 người con và George Koval là con thứ 2 trong gia đình.

Khi Mỹ đối mặt với cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930, gia đình Koval đã quyết định lên tàu trở lại định cư ở Siberia. Thanh niên George với học lực xuất sắc đã đỗ vào Đại học Công nghệ Hóa học Moscow Mendeleev vào năm 1934.

Bí ẩn về quý ngài điệp viên im lặng từng giúp ngăn chiến tranh hạt nhân - 1

Ông Koval khi còn trẻ (Ảnh: RBTH).

Đó là khi ông lọt vào tầm ngắm của tình báo Liên Xô với những "tiêu chuẩn vàng": một thanh niên học lực xuất sắc và khả năng nói tiếng Mỹ trôi chảy. Họ đã liên lạc với Koval, thuyết phục ông tham gia vào lực lượng. Koval đã đồng ý tham gia, bỏ ngang nghiên cứu mà ông đang tiến hành tại Moscow và trải qua một thời gian đào tạo về nghiệp vụ trước khi trở lại Mỹ làm nhiệm vụ vào năm 1940.

Trước khi tới Mỹ, ông Koval đã được tính toán 2 phương án. Một là dùng danh tính mới với giấy tờ giả do Liên Xô cung cấp, hai là dùng chính tên thật để làm nhiệm vụ. Ông lựa chọn phương án 2, trở về đúng nơi mình sinh ra tại Iowa để không bị nghi ngờ, cũng như bắt đầu gây dựng các mối quan hệ đầu tiên.

Tại Mỹ, ông được quân đội nước này biết tới là một người Mỹ yêu nước. Ông xin vào làm việc cho một công ty về vũ khí hóa học của Mỹ. Năm 1943, ông nhận được lệnh nhập ngũ khi Thế chiến II leo thang căng thẳng. Từ Moscow, Liên Xô chỉ thị ông "xuôi theo dòng nước" và tùy cơ ứng biến trước tình hình.

Bí ẩn về quý ngài điệp viên im lặng từng giúp ngăn chiến tranh hạt nhân - 2

Ông George Koval (thứ 4, từ bên trái, hàng trên cùng) cùng các bạn học tại Đại học New York, Mỹ. Lúc này, ông đang là gián điệp nằm vùng của Liên Xô (Ảnh: Rosatom).

Cơ duyên đến khi quân đội Mỹ phát hiện ra ông Koval từng học dang dở bằng kỹ sư ở đại học Iowa và họ đã yêu cầu ông hoàn thành một khóa học về vật liệu hạt nhân tại New York. Vào thời điểm đó, Liên Xô vẫn chưa có bất cứ khái niệm nào về việc chế tạo bom nguyên tử.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc trong chương trình, ông Koval đã được điều tới làm việc ở Oak Ridge, bang Tennessee. Đây chính là bước ngoặt với ông Koval và tình báo Liên Xô.

CHIẾN DỊCH DELMAR

Vào những năm 1940, quân đội Mỹ đã tăng cường các nỗ lực nhằm giữ bí mật tuyệt đối cho các dự án phát triển bom hạt nhân của nước này. Ví dụ, lãnh đạo của dự án Leslie Groves đã tạo ra một khu vực đặc biệt được đặt tên là "Vùng chết chóc" ở Oak Ridge. Các công nhân và nhân viên làm việc tại đây chỉ được quyền tiếp cận với các khu vực nhất định liên quan tới hoạt động làm giàu uranium và plutonium bí mật, và những người ở làm việc ở các bộ phận khác nhau thậm chí không được trò chuyện với nhau. Có thể nói Mỹ đã lập ra những "bức màn sắt" nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ thông tin về chương trình tuyệt mật của họ bị rò rỉ ra ngoài. 

Chính vì thế, việc tiếp cận với thông tin mật của dự án là rất khó khăn và không phải ai cũng có thể làm được. Trên thực tế, ông Koval chính là điệp viên tình báo Liên Xô duy nhất có thể lọt được vào nơi sản xuất vật liệu cho những quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ.

Thành công của ông tới từ kẽ hở trong quy định bảo mật của Mỹ. Các lệnh hạn chế tiếp cận với khu vực bí mật không áp dụng với chuyên gia đo đạc phóng xạ như công việc mà ông Koval đảm nhận. Ông đã lách qua "bức màn sắt" để thực hiện công việc tình báo. 

Bí ẩn về quý ngài điệp viên im lặng từng giúp ngăn chiến tranh hạt nhân - 3

Toàn cảnh cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Oak Ridge (Ảnh: AP).

Tại các cơ sở này, ông Koval nhận nhiệm vụ đo đạc liều lượng bức xạ của các công nhân với sự siêng năng cao độ. Ông kiểm tra thiết bị và trao đổi với bất cứ ai khi thấy cần thiết. Không giống như các quan chức cấp cao tại dự án, những người luôn bị theo dõi, ông Koval thậm chí không bao giờ bị nghi ngờ.

Tới năm 1945, ông được điều chuyển tới làm việc ở một phòng thí nghiệm tại Dayton, Ohio. Khi Thế chiến II sắp khép lại, ông Koval đã được tin cậy tới mức quân đội Mỹ đã cân nhắc cử ông tới Nhật Bản để đo đạc hậu quả tại hiện trường 2 vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Nhờ việc lọt sâu vào bên trong những khu vực tập trung những "bộ não" hàng đầu của quân đội Mỹ về khoa học kỹ thuật, ông Koval đã tiếp cận được với những thông tin mật quan trọng của chương trình hạt nhân Washington và thông báo về Liên Xô.

XOAY CHUYỂN CỤC DIỆN

Liên Xô thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1949. Sau sự kiện này, tình báo Mỹ bắt đầu nghi ngờ và mở cuộc điều tra xem liệu tình báo Liên Xô có xâm nhập vào chương trình hạt nhân của Washington hay không. Ông Koval, lúc này đã rời Mỹ, trở thành tâm điểm nghi ngờ và tất cả những người được cho có liên quan tới ông đều bị đưa đi thẩm vấn.

Cuối cùng, Mỹ phát hiện ra ông Koval chính là điệp viên Liên Xô. Họ thậm chí tìm thấy một cuốn tạp chí Liên Xô với bức ảnh gia đình ông đăng trên đó. Stewart D. Bloom, người đã nghiên cứu về ông Koval cho biết: "Ông ấy không nói giọng Nga. Ông ấy lưu loát tiếng Anh giọng Mỹ. Hồ sơ của ông ấy là hoàn hảo".

Bí ẩn về quý ngài điệp viên im lặng từng giúp ngăn chiến tranh hạt nhân - 4

Vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Nga vào năm 1949 (Ảnh: Rosatom).

Theo chuyên gia Robert S. Norris, Mỹ đã quyết định giữ kín bí mật về ông Koval vì họ lo ngại việc chiến dịch do ông thực hiện bị lộ ra ngoài sẽ khiến họ "mất mặt".

Trong thời gian xâm nhập được vào chương trình hạt nhân của Mỹ, ông Koval đã quan sát được các công trình do Mỹ nghiên cứu và cấu trúc của nó. Ông là điệp viên Liên Xô đầu tiên cầm mảnh plutonium kim loại của Mỹ trong tay và phát hiện ra người Mỹ dùng polonium chế tạo bom nguyên tử, cũng như cách mà họ xử lý nó trong vũ khí.

Bí ẩn về quý ngài điệp viên im lặng từng giúp ngăn chiến tranh hạt nhân - 5

Bên trong một nhà máy ở Oak Ridge (Ảnh: AP).

Ông Koval sau đó đã gửi công nghệ mật của Mỹ về Liên Xô, giúp cho nhà vật lý Igor Kurchatov tạo ra quả bom hạt nhân đầu tiên cho Moscow. Đây được xem là một bước ngoặt to lớn, giúp Mỹ và Liên Xô giành lấy thế cân bằng trong tương quan lực lượng vào thời điểm bấy giờ. Theo giới quan sát, chiến dịch Delmar trên thực tế dường như đã giúp ngăn một cuộc chiến tranh hạt nhân không bùng phát vì sau khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ - Liên Xô đã bước vào "Chiến tranh Lạnh" và chính việc hai bên đều cân bằng với nhau về năng lực răn đe hạt nhân đã giúp các vũ khí này không bị đưa ra sử dụng.

Trở về Liên Xô sau khi hoàn thành nhiệm vụ huyền thoại, ông Koval sống một cuộc đời khá yên ắng. Thậm chí, ông không thể tìm việc trong một thời gian vì 10 năm làm điệp viên cho tình báo Nga đã để lại một khoảng trắng trong sơ yếu lý lịch của ông. Năm 1953, tình báo Liên Xô đã giải quyết vấn đề này sau khi ông Koval gửi một lá thư viết: "Tôi không muốn làm phiền các ông, nhưng 10 năm phục vụ cho Liên Xô đã khiến hồ sơ của tôi bị đứt đoạn".

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn nhớ tới công lao của cựu điệp viên Koval, người đã giúp xoay chuyển tình thế trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Liên Xô thế kỷ trước. Ông thường xuyên được mời tham dự các buổi gặp gỡ cựu chiến binh, được hỗ trợ tiền bạc, tặng huy chương cao quý và được đặt hình trong bảo tàng nội bộ của tình báo Nga với mật danh Delmar.

Tổng thống Putin biết đến ông Kolva một cách tình cờ trong một chuyến thăm tới bảo tàng nói trên. Khi quan sát hình ảnh về ông Koval, ông Putin yêu cầu thông tin cụ thể hơn về nhân vật bí ẩn này. Ghi nhận công lao của điệp viên huyền thoại, ông Putin quyết định truy tặng ông Kolva danh hiệu "Anh hùng nước Nga" vào năm 2007 để vinh danh ông.

Đức Hoàng

Tổng hợp