Tiết lộ về phong cách chi phối xu hướng nội thất trong 20 năm tới

Ninh An

(Dân trí) - Trước bối cảnh các vấn đề ô nhiễm và biến đổi môi trường ngày càng gia tăng, nhu cầu xây dựng không gian sống bền vững và an toàn ngày càng được nâng cao.

Trong các khu vực đô thị và cả nông thôn, con người đang tìm kiếm những giải pháp quy hoạch bền vững, có khả năng tích hợp thiên nhiên vào không gian sống và làm việc. Điều này bao gồm việc phát triển các công trình xanh, không gian xanh công cộng, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và tái chế từ các nguồn tài nguyên có sẵn.

Các thành phố như Copenhagen (Đan Mạch) đã trở thành hình mẫu cho quy hoạch đô thị bền vững, với các không gian công cộng xanh và các dự án kiến trúc tích hợp giải pháp tái tạo năng lượng.

Các khu nhà ở tại đây không chỉ tận dụng ánh sáng tự nhiên và thông gió, mà còn có hệ thống thu nước mưa, giúp giảm lượng nước sạch cần sử dụng, giảm lượng khí thải, tạo ra môi trường sống lành mạnh và hài hòa với tự nhiên.

Đối với nội thất nói riêng và đồ dùng sinh hoạt nói chung, người tiêu dùng ngày nay dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm bền vững, có thể sử dụng lâu dài nhằm tối ưu chi phí và giảm tác động đến môi trường.

Điều này kéo theo sự giảm thiểu các vật dụng dùng một lần, đồng thời thúc đẩy tiềm năng vật liệu tái tạo và nhân tạo thay thế tài nguyên tự nhiên. Các nhà sản xuất ngày càng chú trọng đến những giải pháp thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái.

Tiết lộ về phong cách chi phối xu hướng nội thất trong 20 năm tới - 1

Phong cách nội thất có yếu tố bền vững ngày càng phổ biến (Ảnh: IT).

Sự lên ngôi của tài nguyên tái chế

Trước bối cảnh các vấn đề ô nhiễm và biến đổi môi trường đang diễn ra hàng loạt, nhu cầu xây dựng không gian sống bền vững và an toàn đã được nâng cao, trở thành một trong những đòi hỏi tất yếu từ phía người tiêu dùng.

Chất lượng không khí trong nhà được quan tâm nhiều hơn. Người dùng tìm kiếm những loại vật liệu xây dựng, vật liệu nội thất có khả năng kháng khuẩn, ít phát thải formaldehyde và các chất hữu cơ độc hại nhằm tạo ra môi trường sống sạch sẽ và an toàn.

Xu hướng này dẫn đến sự phát triển của các vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tre, vật liệu bản địa hoặc các vật liệu ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tái hiện và thay thế cho vật liệu tự nhiên.

Báo cáo Trend26+ của Hội Nội thất Việt Nam nhận định phong cách sống bền vững chắc chắn sẽ trở thành một trong những xu hướng chủ đạo, chi phối thị trường kiến trúc, xây dựng, nội thất trong ít nhất 20 năm tới.

Trong phong cách sống bền vững, tư duy tuần hoàn là một yếu tố quan trọng. Con người đang dần nhận ra rằng các tài nguyên thiên nhiên không vô tận, việc khai thác chúng một cách bừa bãi đã dẫn đến các hệ quả tiêu cực.

Do đó, khái niệm tái tạo, tái sử dụng, tái chế đang trở thành một phần không thể thiếu của phong cách sống hiện đại. Cùng với đó, việc kiến tạo các giá trị xanh, lợi ích xanh thông qua các hoạt động tiêu dùng hàng ngày cũng được chú ý.

Nhờ đó, môi trường sinh thái, năng lượng và các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách tối ưu, đồng thời người sử dụng cũng được hưởng những lợi ích như cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể lấy ví dụ từ các sản phẩm nội thất tái chế (từ gỗ hoặc từ vật liệu bỏ đi) đang dần chiếm lĩnh thị trường tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực thiết kế, nhiều công ty như Patagonia hay Levi's đã sản xuất các sản phẩm từ chất liệu tái chế, góp phần giảm thiểu lượng rác thải.

Nike, với dự án Nike Grind, đã tái chế hàng triệu đôi giày cũ để tạo ra các sản phẩm mới, từ thảm lót sân thể thao đến vật liệu xây dựng. IKEA đã cam kết trở thành thương hiệu "hoàn toàn tái chế" bằng việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tái chế 100% trong hoạt động sản xuất, hướng đến một chuỗi cung ứng bền vững từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng.

Vai trò của chăm sóc sức khỏe tinh thần

Một khía cạnh quan trọng khác của phong cách sống bền vững là việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Các hoạt động "chữa lành" như thư giãn, du lịch nghỉ dưỡng, thiền, yoga, phát triển nhận thức về tâm linh và chăm sóc sức khỏe ngày càng được ưa chuộng.

Các không gian được thiết kế theo hướng "chữa lành" thường có tính kết nối cao với thiên nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và có mặt bằng không gian mở để giúp con người thư giãn, tái tạo năng lượng.