1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bên trong "cỗ máy chiến tranh" ngốn tiền của IS

(Dân trí) - Chiến tranh đang chi phối ngân sách của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). IS lập nên một cỗ máy chiến tranh cực kỳ ngốn tiền trong khi "tằn tiện" cho những hoạt động khác.

Nguồn thu của IS từ dầu mỏ, đánh thuế chủ yếu phục vụ cỗ máy chiến tranh. (Ảnh: FT)
Nguồn thu của IS từ dầu mỏ, đánh thuế chủ yếu phục vụ cỗ máy chiến tranh. (Ảnh: FT)

Trên các phương tiện tuyên truyền, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thi thoảng đề cập đến lĩnh vực y tế của chúng là Dịch vụ y tế Nhà nước Hồi giáo (IS), với logo lấy từ chính logo của NHS - một tổ chức y tế miễn phí của Anh. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng.

IS thu về hàng chục triệu USD mỗi tháng từ nguồn tài nguyên ở khu vực do chúng kiểm soát chiếm 1 nửa lãnh thổ Syria và khoảng 1/3 lãnh thổ Iraq. Tuy nhiên, trong khi IS kiểm soát lãnh thổ lớn hơn diện tích của một số nước, đánh thuế và cung cấp dịch vụ cho “công dân” thì ngân sách của tổ chức này cho thấy ưu tiên của chúng vẫn là ưu tiên của một tổ chức vũ trang. IS lập nên một cỗ máy chiến tranh cực kỳ ngốn tiền trong khi "tằn tiện" cho những hoạt động khác.

Khi Abu Qitada, một thanh niên 16 tuổi ở miền Đông Syria, gia nhập làm tay súng của IS, chúng hứa hẹn sẽ cho anh hưởng dịch vụ y tế, hoặc điều trị ở một phòng khám ở tiền tuyến hoặc đưa tiền mặt để qua Thổ Nhĩ Kỳ điều trị. “Họ (IS) chi trả cho mọi thứ”, anh này cho hãng tin FT hay chỉ vài tuần sau khi đào tẩu khỏi IS. Giống như bất cứ “công dân” nào trong khu vực do IS kiểm soát, anh ta không được tiết lộ tên thật.

Ngược lại, những công dân như Um Eyyad - người ở Mosul, thành phố ở Iraq bị IS chiếm tháng 6 năm ngoái, bị đối xử như công dân hạng hai. Cô không được tới các bệnh viện công nữa ngay cả khi cô gần như không thể trang trải chi phí điều trị cho con trai mình tại bệnh viện tư. “Khi bước vào bệnh viện, tôi rất sợ. Mọi người bên trong đều là người của IS. Các bệnh nhân khác phải tự mang thuốc của mình”, Eyyad nói.

Một tổ chức khủng bố cực giàu, một thể chế nghèo nàn

Gần 2/3 nguồn thu hàng năm của IS (khoảng 600 triệu USD) rót cho các lực lượng chiến đấu. (Ảnh: RT)
Gần 2/3 nguồn thu hàng năm của IS (khoảng 600 triệu USD) rót cho các lực lượng chiến đấu. (Ảnh: RT)

Chiến tranh đang chi phối ngân sách của IS. Theo điều tra của FT, trong vòng 1 năm qua, IS đã không ngừng mở rộng lãnh thổ kiểm soát ở Syria và Iraq, chúng thu về ít nhất 900 triệu USD từ việc bán dầu mỏ, đánh thuế, cướp bóc.

IS có một cơ chế ngân sách trung ương ở Mosul cùng với hàng chục ngân sách khu vực được quản lý bởi các walis (tương đương thị trưởng) ở mỗi wilaya (hay tỉnh). Mỗi tỉnh sẽ tự thu thuế và các khoản thu khác, số ngân sách này sau đó sẽ được phẩn bổ cho một vài chi nhánh của “chính quyền địa phương” như các đơn vị chiến đấu hay đơn vị giáo dục. Tình hình thu chi phụ thuộc vào nguồn lực của mỗi tỉnh và lực lượng chiến đấu.

Phân tích của FT cho thấy, gần 2/3 nguồn thu hàng năm của IS (khoảng 600 triệu USD) rót cho các lực lượng chiến đấu. IS dành khoảng 20 triệu USD/tháng cho lực lượng chiến đấu nòng cốt của tổ chức. Lực lượng này bao gồm các tay súng ngoại quốc. Ngoài ra, IS cũng chi 15-20 triệu USD cho các tay súng địa phương và các phụ tá.

Các tay súng “biên chế” được chia làm 2 nhóm: nhóm địa phương và nhóm ngoại quốc. Tất cả các tay súng này đều được trả lương cơ bản 50-150 USD/tháng. Ngoài lương cơ bản, mỗi tay súng được trả thêm 50 USD cho mỗi người vợ hoặc người phụ nữ làm nô lệ cho chúng, và 35 USD cho mỗi người con.

Cùng với các khoản hỗ trợ khác, mỗi tay súng địa phương nhận 200-300 USD/tháng trong khi tay súng ngoại quốc là 600 USD/tháng. Các chỉ huy còn được cấp thêm tiền tiêu vặt dao động từ 50 USD đến 1.000 USD/tháng.

Chúng cũng bỏ ra hàng chục triệu USD để mua đạn dược và thiết bị nổ loại nhỏ. FT ước tính, chỉ một cuộc tấn công kéo dài 1 tuần có thể ngốn tới 1 triệu USD đạn dược. Ngoài ra, IS chi hàng triệu USD để mua các thiết bị quân sự khác.

Do IS có thể sản xuất hàng chục nghìn thùng dầu mỗi ngày từ các mỏ chiếm được ở Iraq và Syria nên không mất chi phí cho nhiên liệu.

Bộ máy an ninh của IS cũng ngốn khoảng 10 - 15 triệu USD/tháng, một quan chức phụ trách giám sát tài chính của tổ chức này cho biết. Bộ máy này gồm cảnh sát (hisba) và lực lượng tình báo (amniyat) và các phụ trợ chuyên thu thuế, tiền phạt. Chi phí cho bộ máy an ninh của IS tăng mạnh trong những tháng gần đây khi IS ngày càng lo ngại về an ninh nội bộ. Tình báo của IS mở rộng hoạt động sang cả Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan và hiện tại IS đang rót tiền để thiết lập một hệ thống nghe lén.

Deir Ezzor là một trong những tỉnh lớn nhất và được IS “quan tâm” nhất nhưng cũng chỉ có 9 bệnh viện, mỗi bệnh viện không có quá 50 bác sỹ và y tá. (Ảnh: FT)
Deir Ezzor là một trong những tỉnh lớn nhất và được IS “quan tâm” nhất nhưng cũng chỉ có 9 bệnh viện, mỗi bệnh viện không có quá 50 bác sỹ và y tá. (Ảnh: FT)

Trong khi đó, các bệnh viện, trường học trên lãnh thổ IS kiểm soát nhận được chưa đầy 10 triệu USD/tháng.

Deir Ezzor là một trong những tỉnh lớn nhất và được IS “quan tâm” nhất nhưng cũng chỉ có 9 bệnh viện, mỗi bệnh viện không có quá 50 bác sỹ và y tá với mức lương tối đa 300 USD/tháng. Chi cho các công trình phúc lợi của IS cũng cực kỳ hạn chế, tổng cộng khoảng 10-15 triệu USD/tháng, nghĩa là chưa bằng 1/5 tổng nguồn thu.

“Chúng đang tìm cách xây dựng khái niệm một thể chế. Chúng muốn kiểm soát những gì xảy ra ở trường học, kiểm soát bệnh viện, nhà thờ, người ta mặc như thế nào, cách người ta hành xử và cả hệ thống tư pháp … Nhưng điều đó không có nghĩa chúng đã hoàn thiện khái niệm một “nhà nước”, John Sawers, cựu giám đốc cơ quan tình báo Anh MI6 nhận định.

Một quan chức ngoại giao cấp cao trong liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu bình luận: “Chúng là một tổ chức khủng bố cực giàu nhưng là một thể chế nghèo nàn”.

Minh Phương

Theo FT