Nguy cơ IS "tuyên bố thành lập chính quyền" ở Libya
(Dân trí) - Lợi dụng tình trạng vô chính phủ tại Libya 4 năm sau khi chế độ Kadhafi bị lật đổ, IS đang xây dựng một căn cứ địa mới ở phía bắc Libya chỉ cách bờ biển Nam Âu 350 km.
Các tay súng IS. (Ảnh minh họa)
Vì sao và bằng cách nào Phương Tây phải giải quyết mối đe dọa này trước khi quá trễ như tuyên bố của Paris và qua các nỗ lực vận động chính trị đang diễn ra tại Roma?
Trước nguy cơ Libya rơi vào tay IS, phương Tây và các nước Ả Rập không thể khoanh tay ngồi nhìn. Một cuộc chạy đua nước rút đang diễn ra với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc để tránh nguy cơ Libya bị biến thành phiên bản Iraq hoặc Syria thứ hai.
Nội bộ Libya rối loạn với hai chính quyền đối nghịch, một ở Tripoli và nhóm kia đóng đô ở Tobrouk. Hệ quả là IS lợi dụng khoảng trống quyền lực chính trị và quân sự để mở rộng bành trướng. Theo Liên Hiệp Quốc, lực lượng của IS tại Libya có khoảng từ 2000 đến 3000 chiến binh, kiểm soát một vùng đất dài 250 km dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Đa số tay súng đến từ Iraq, số ít hơn đến từ Ma rốc, Tunisia hoặc Algéria.
Theo tin mới nhất từ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, lực lượng thánh chiến này đang bắt đầu tiến sâu vào nội địa Lybia với mục tiêu đánh chiếm các mỏ dầu.
Nguy cơ Is "tuyên bố thành lập chính quyền" ở Libya là cơn ác mộng với phương Tây. Bốn năm sau ngày chế độ Kadhafi sụp đổ, Libya gần như là một Nhà nước phá sản, trở thành sào huyệt mới của lực lượng thánh chiến sau khi IS nhận thấy Iraq và Syria không còn là căn cứ địa an toàn với chúng.
Theo chuyên gia về di dân Mattia Toaldo, EU phải gấp rút ngăn chặn làn sóng người di cư vượt biển từ Libya tràn qua Châu Âu từ 2 năm qua. Hiện nay vẫn còn hàng trăm ngàn người đang kẹt lại tại khu vực Balkan.
Nếu Libya rơi vào tay IS thì không phải chỉ an ninh và sự sống còn của châu Âu bị đe dọa, mà các nước khác trong khu vực Trung Đông như Ai Cập, Algéria, Tunisia và kể cả châu Phi cũng bị họa lây.
Năm 2013, với kho vũ khí của quân đội Libya tan rã để lại, phe thánh chiến ở Mali đã tiến sát thủ đô Bamako, sau đó nhờ có lực lượng lính dù Pháp tăng viện mới đẩy lui được chúng.
Viễn cảnh xấu quân khủng bố có thể kiểm soát Libya buộc cộng đồng quốc tế phải hành động gây sức ép để hai phe xung đột tại Libya phải chấp nhận một giải pháp chính trị. Mới đây, Mỹ đã oanh kích vào vị trí của IS ở Derna, hạ sát một thủ lĩnh của khủng bố. Nhưng không một quốc gia phương Tây nào sẵn sàng can thiệp theo kịch bản 2011 với không quân Anh, Pháp yểm trợ, như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp sáng 14/12.
Theo Bộ trưởng Le Drian, nhiệm vụ chiến đấu chống IS là của quân đội Libya. Để được như vậy, hai chính quyền xung đột hiện nay phải hòa giải, thành lập chính phủ đoàn kết. Cuối cùng, với nỗ lực thuyết phục của Liên Hiệp Quốc, phe Hồi giáo đóng đô ở thành phố Tobrouk (được phương Tây công nhận) và phe "phiến quân" kiểm soát Thủ đô Tripoli đã đồng ý hòa giải.
(Hàng trước): Ngoại trưởng Italia Parlo Gentiloni (giữa), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Đặc phái viên LHQ về Lybia (phải) tại Hội nghị Roma về Lybia khai mạc ngày 13/12. (Ảnh: Keystone)
Hội nghị Roma do Mỹ và Italia đồng chủ tọa từ ngày 13/12, qui tụ 18 nước Châu Âu và Ả Rập đang nỗ lực khai sinh ra một chính phủ liên hiệp tại Lybia, được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Đây là bước đi đầu tiên tối thiểu nhưng cần thiết để chấm dứt tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Libya mà kẻ thủ lợi chỉ có thể là IS.
Quý Cao (theo RFI)