1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bất ngờ chi phí tranh cử "khiêm tốn" của tỷ phú Donald Trump

(Dân trí) - Chiến thắng vang dội sau các cuộc bầu cử sơ bộ tại 4 bang đầu tiên, tỷ phú Donald Trump đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Trắng trong đảng Cộng hòa. Đáng chú ý hơn khi ngân sách tỷ phú này chi cho chiến dịch vận động ít hơn hẳn các đối thủ.

Donald Trump là người tiêu tốn ít chi phí tranh cử nhất trong 3 ứng viên hàng đầu còn lại của đảng Cộng hòa. (Ảnh: Getty)
Donald Trump là người tiêu tốn ít chi phí tranh cử nhất trong 3 ứng viên hàng đầu còn lại của đảng Cộng hòa. (Ảnh: Getty)

Sau 7 tháng tiến hành vận động tranh cử, 220 triệu USD chi phí vận động của các ứng viên Cộng hòa chính thống lại đang tạo ra cuộc đua giành quyền đề cử giữa hai ứng viên hàng đầu Donald J. Trump và Thượng nghị sỹ bang Texas Ted Cruz.

Đến giờ, khi bước vào giai đoạn then chốt và tốn kém nhất của cuộc đua, hai ứng viên “nổi loạn” dường như đang ở vị trí tốt nhất về tài chính để cạnh tranh tại 11 bang tiếp theo, trong ngày “Siêu thứ Ba”, 1/3 tới.

Theo hồ sơ tài chính được các ứng viên đệ trình Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ hôm 20/2, ông Cruz là ứng viên “rủng rỉnh” nhất trong cuộc đua của đảng Cộng hòa, khi bước vào tháng 2 với 13,6 triệu USD tiền mặt.

Trong khi đó tỷ phú Trump đã huy động được hàng triệu USD từ những nhà quyên góp nhỏ, cũng như bỏ tiền túi cho chiến dịch tranh cử của mình vay thêm hàng triệu USD, sau khi bổ sung gần 5 triệu USD trong tháng 1. Cũng trong tháng trước, Donald Trump đã chi hơn 11,5 triệu USD, nhiều nhất trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng từ đầu đến nay.

Dù vậy, tính chung từ đầu chiến dịch tranh cử, Donald Trump mới chỉ 23,9 triệu USD. Một số Ủy ban hành động bầu cử (PAC) - những nhóm tổ chức dân sự, được thành lập và quyên góp để ủng hộ cho một đối tượng chính trị hoặc chính sách cụ thể - đã chi 1,6 triệu USD ủng hộ ông Trump.

Nếu tính gộp cả con số này, “ông trùm” bất động sản đã chi 25,5 triệu USD cho chiến dịch của mình, chưa bằng một nửa con số 61,1 triệu USD của đối thủ Marco Rubio cũng như Ted Cruz (đã chi 59,6 triệu USD).

Kết quả này là một đòn giáng mạnh vào những người quyên góp truyền thống cho đảng Cộng hòa, vốn đã rót lượng tiền khổng lồ vào cuộc đua từ năm ngoái với hy vọng dựng lên một ứng viên với sức hấp dẫn toàn quốc, và kỳ vọng giành nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng người Mỹ gốc la tinh cùng các cử tri không phải da trắng.

Thế nhưng các ứng viên được ủng hộ mạnh nhất bởi các nhà tài trợ giàu có, thân chính quyền đã “nướng” hầu hết số tiền tích lũy được trong năm ngoái, và bắt đầu năm nay hầu như khánh kiệt. Những người còn lại trong cuộc đua hiện tại, gồm Thống đốc bang Ohio John Kasich và Thượng nghị sỹ Marco Rubio đến từ Florida chỉ còn chưa đầy 7 triệu USD tiền mặt tại quỹ.

Jeb Bush là ứng viên Cộng hòa chi mạnh tay nhất cho chiến dịch tranh cử nhưng đã phải rút lui. (Ảnh: AP)
Jeb Bush là ứng viên Cộng hòa chi mạnh tay nhất cho chiến dịch tranh cử nhưng đã phải rút lui. (Ảnh: AP)

Thất bại bẽ bàng nhất có lẽ là ứng viên Jeb Bush, người bước vào chiến dịch vận động tranh cử với hầu bao lớn nhất, đã phải dừng cuộc đua sau khi chỉ về thứ tư tại bang South Carolina cuối tuần qua. Ông Bush đã tiêu 30,6 trong tổng số 33,5 triệu USD vận động được.

Nếu tính cả 99,3 triệu USD các nhóm hành động bầu cử hậu thuẫn ông Bush đã chi ra, thất bại vừa qua của em trai cựu tổng thống Mỹ có giá tới 130 triệu USD. Trong đó, có tới 84 triệu USD được chi cho các chiến dịch quảng cáo, hòng tạo ấn tượng tích cực với cử tri Mỹ. Nhưng rốt cuộc, ông “Bush em” đã phải bỏ cuộc khi cuộc đua mới chỉ ở giai đoạn “khởi động”.

Một điểm đáng chú ý khác, cho thấy các đối thủ đã quá xem nhẹ Donald Trump đó là chi phí họ bỏ ra để công kích đối phương. Các nhóm hậu thuẫn ông Bush, Kasich và Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Christie đã dành gần 3/4 ngân sách của mình để công kích các đối thủ khác, thay vì Donald Trump hay Cruz.

“Lãnh đạo đảng Cộng hòa đang tự lừa dối mình. Cuộc bầu cử này ở cốt lõi chính là sự chối bỏ chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu và các chính sách nhập cư thất bại. Đó cũng là sự chối bỏ uy thế của tầng lớp các nhà tài trợ”, Laura Ingraham, một nhà hoạt động chính trị tại Mỹ khẳng định. “Hàng triệu người đang muốn đảng này đi theo đường lối dân túy hơn”.

Thử thách chờ Donald Trump

Dù vậy, ưu thế của tỷ phú Trump sẽ bị thử thách trong những tuần tới, khi các nhà tài trợ cho đảng Cộng hòa bắt đầu tổ chức những đợt công kích có chiến lược hơn nhằm vào ứng viên này.

Một nhóm vận động có tên Our Principles, chuyên tập trung khai thác chuyện trước đây Trump từng ủng hộ các chính sách của phe Dân chủ, đang chi mạnh tay để thuyết phục cử tri Cộng hòa không nên tin rằng tỷ phú này là một người bảo thủ đáng tin cậy.

Dữ liệu của cơ quan bầu cử cho thấy, trong tháng 1, nhóm này đã nhận được khoản quyên góp 3 triệu USD từ nhà tài trợ Marlene Ricketts có vai vế trong đảng Cộng hòa. Richard Uihlein, một doanh nhân giàu có của Chicago cũng đã đóng góp cho nhóm vận động chống lại Donald Trump.

Theo kênh CNN, một tổ chức vận động có tên Club for Growth vừa chi tới 1 triệu USD để phát sóng các chương trình quảng cáo chống lại Trump, trước các cuộc bầu cử sơ bộ tại Oklahoma và Arkansas sắp tới. Nhóm này tiếp tục khai thác việc ông Trump từng thân thiết với gia đình Clinton, ủng hộ các chính sách của phe Dân chủ.

Thanh Tùng

Theo NY Times, AP, NBC