Người trong cuộc hé lộ lý do em trai cựu Tổng thống Bush thất cử
(Dân trí) - Khởi động với ưu thế vượt trội về thân thế, tài chính cũng như sự ủng hộ trong đảng, vậy nhưng ứng viên đảng Cộng hòa Jeb Bush tuần qua phải tuyên bố dừng cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhiều người trong cuộc cho rằng ứng viên này đã phạm sai lầm chiến lược.
Từ rất lâu trước khi tỷ phú Donald Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử, và cả trước khi sự giận dữ sâu sắc của cử tri Mỹ trở nên không thể rõ ràng hơn, Jeb Bush dường như là cái tên triển vọng nhất cho cuộc đua giành quyền đề cử của đảng Cộng Hòa để chạy đua vào Nhà Trắng.
Trong năm 2015, ông đã vận động được 150 triệu USD cho ngân sách tranh cử, và quy tụ về bên mình một số chiến lược gia xuất sắc nhất trong đảng Cộng hòa. Những yếu tố này cộng với xuất thân danh giá và sự ủng hộ của lãnh đạo đảng khiến Jeb Bush là ứng viên nặng ký hàng đầu.
Thế nhưng sau kết quả bầu cử sơ bộ tồi tệ tại bang South Carolina cuối tuần qua với vị trí thứ 4, sau khi chỉ giành được 7,8% số phiếu ủng hộ, so với 32,5% của tỷ phú Donald Trump, ông Bush đã chính thức tuyên bố rời bỏ cuộc đua.
Theo các nhà quan sát, việc ông Bush kết thúc cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ sau 3 vòng bầu cử sơ bộ nội bộ đảng Cộng hòa là câu chuyện về những toan tính chính trị sai lầm cùng những sai sót chiến lược.
Đánh giá sai tâm lý cử tri
Theo chính những người từng làm việc cho chiến dịch tranh cử của hai ứng viên tổng thống Mỹ gần nhất, ngay từ đầu ông Bush có vẻ đã phán đoán sai tâm trạng của cử tri đảng Cộng hòa. Ví dụ, tháng 12/2014, Bush tập hợp các cộng sự cấp cao cùng một nhóm nhỏ các nhà hoạt động chính trị toàn quốc để bàn về khả năng ra ứng cử.
Khi đó, một khảo sát toàn quốc về tâm trạng của cử tri đã bị chính ông Bush cùng các công sự xem như không cần thiết. Khảo sát này, theo một người tham gia, lẽ ra đã giúp ông Bush cảm nhận rõ tâm trạng muốn “nổi loạn” của những người bảo thủ.
Khảo sát đó lẽ ra cũng có thể giúp sớm nhận diện mối đe dọa Donald Trump, một tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm làm chính trị, nhưng đã nắm được và khai thác tâm lý chán ngán chính quyền này để dẫn đầu các cuộc khảo sát cử tri.
Dù vậy khi được đặt câu hỏi, người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của ông Bush đã bác bỏ những nhận định trên. “Ông ấy chia sẻ sự giận dữ của cử tri từ những ngày đầu và không hề lạc lối khỏi điều đó”, bà Kristy Campbel tuyên bố.
Hình ảnh “thiếu sinh khí”
Xem Trump như một thứ mốt nhất thời trong mùa tranh cử, và sẽ sớm tàn lụi sau những tuyên bố gây tranh cãi, chiến dịch tranh cử của ông Bush đã chậm chạp trong việc đáp trả vị tỷ phú bất động sản, khi lần đầu bị chỉ trích là “thiếu sinh khí” hồi tháng 8 năm ngoái. Thay vì đối đầu trực diện với đối thủ, Bush đi theo chiến lược tránh xa những tranh cãi và tập trung nhiều vào những đề xuất chính sách.
Trong khi đó Donald Trump liên tục ra đòn hướng vào Bush trong các bài diễn thuyết cũng như trên Twitter, khắc họa đối thủ như một người mệt mỏi, yếu đuối và xa rời đảng Cộng hòa. Trump đả kích Bush trên Twitter hàng trăm lần, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào khác.
Và khi những công kích “thiếu sinh khí” nhắm vào ông Bush bắt đầu phát huy tác dụng, khiến tỷ lệ ủng hộ ứng viên này sụt giảm, ông đã phải đăng đàn khẳng định mình tràn đầy năng lượng để trở thành tổng thống. Ông khẳng định mình làm việc 16 giờ mỗi ngày, xuất hiện với hình ảnh hăng hái hơn trên sân khấu và trả đũa Donald Trump.
Dù vậy, đằng sau cánh gà, các nhà tài trợ cho biết khi đó họ lo sợ rằng Bush đã lãng phí quá nhiều thời gian trước khi ứng phó một cách nghiêm túc. Một số trợ thủ của vị cựu thống đốc bang Florida đã giận dữ hàng tuần trời trước những chỉ trích của Trump, và hối thúc chiến dịch tranh cử phải thay đổi chiến lược, theo hướng quyết liệt hơn.
“Họ đã có một tính toán sai lầm khủng khiếp khi không hiểu rõ ý đồ của công kích thiếu sinh khí, vốn được lên kế hoạch để khiến Bush trở nên yếu đuối, nhợt nhạt”, Steve Schmidt, người từng là quản lý chiến dịch tranh cử năm 2008 của ứng viên Cộng hòa John McCain nhận xét.
“Tô vẽ ông ấy là người yếu đuối đã tước đi khả năng ông ấy đưa ra ý kiến tranh luận, mà nếu nhìn vào lý lịch, năng lực và kinh nghiệm, ông ấy là người phù hợp nhất để lãnh đạo”, Schmidt tuyên bố.
Khi Bush mở màn chiến dịch tranh cử hồi tháng 6, ông là người bỏ xa các đối thủ khác trong đảng, khi giành 18% trong các cuộc khảo sát cử tri. Nhưng 6 tuần sau, Trump đã vọt lên, với 26% cử tri ủng hộ, trong khi tỉ lệ người ủng hộ Bush chỉ còn khoảng 12%. Đến nay, tỉ lệ cử tri muốn đề cử Trump đã là 38%, theo khảo sát của Reuters/Ipsos.
Cuộc chiến Iraq
Có lẽ bước đi sai lầm lớn nhất của Bush là khi ông đã bỏ ra nhiều ngày, cố gắng giải thích liệu mình có triển khai cuộc chiến tại Iraq, như anh trai, cựu Tổng thống George W. Bush từng làm nếu ở thời điểm 2003.
Ngay cả vị cựu tổng thống Mỹ đã thừa nhận sai lầm khi tiến hành cuộc xâm lược năm 2003. Thế nhưng trong một ngày tháng 5 năm ngoái, Jeb Bush lại trả lời trên kênh Fox News rằng “tôi cũng sẽ làm vậy”, cho dù biết được thực tế rằng Iraq không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cho dù sau đó Bush tuyên bố ông không hiểu câu hỏi, phản ứng của ông đã mở màn cho nhiều ngày tranh cãi, khi các ứng viên phe Dân chủ bình luận ông không có gì khác anh trai trong vấn đề chiến tranh Iraq.
Một số cố vấn chính sách đối ngoại của ông Bush đã ngạc nhiên, khi ông không chuẩn bị sẵn câu trả lời cho câu hỏi khó tránh này.
Việc không muốn là người chống lại anh trai đã khiến ứng viên này mất nhiều ngày cố gắng sửa chữa tuyên bố trên, cho đến khi cuối cùng buộc phải tuyên bố rút lại câu trả lời, để khẳng định sẽ không ra lệnh tiến hành cuộc chiến.
Thất bại của Jeb Bush trở nên khó tránh khi thống đốc bang South Carolina Nikki Haley tuyên bố ủng hộ ứng viên Marco Rubio, ngay trước cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này cuối tuần qua. Diễn biến này khiến ông không chỉ mất đi sự ủng hộ của một vị thống đốc được lòng cử tri, mà nó còn giúp đối thủ Rubio, người ông Bush nhiều lần công kích, giành thêm hậu thuẫn.
Và tối thứ Bảy vừa qua, chỉ 2 tiếng sau khi các điểm bỏ phiếu sơ bộ đóng cửa, ông Bush đã tuyên bố rời cuộc đua.
Thanh Tùng
Tổng hợp