1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bất lợi có thể khiến "hỏa thần" HIMARS của Ukraine khó đảo chiều chiến sự

Đức Hoàng

(Dân trí) - Rocket phóng loạt HIMARS do Mỹ viện trợ cho Ukraine cho thấy hiệu quả trong tác chiến với Nga, nhưng chuyên gia nhận định Kiev vẫn chưa thể dựa hoàn toàn vào vũ khí này để tạo bước ngoặt.

Bất lợi có thể khiến hỏa thần HIMARS của Ukraine khó đảo chiều chiến sự - 1

HIMARS đang giúp Ukraine gây ra thiệt hại cho Nga (Ảnh: Reuters).

Chiến dịch quân sự giai đoạn 2 của Nga ở Ukraine đã chứng kiến việc Nga áp đảo Ukraine về hỏa lực, cả về số lượng lẫn tầm tấn công của vũ khí. Nga tiến dần trên chiến trường, với việc kiểm soát được gần như toàn bộ vùng Lugansk ở Đông Ukraine vào cuối tháng trước.

Trong giai đoạn ác liệt nhất khi Ukraine ước tính mất tới vài trăm quân nhân mỗi ngày, Mỹ quyết định đưa rocket phóng loạt HIMARS tới cho Kiev. Với 8 hệ thống đã được chuyển giao và 4 hệ thống dự kiến sẽ được viện trợ trong tương lai, Ukraine đang gây ra những thiệt hại cho Nga ở một mức độ nhất định, ví dụ như các vụ nhằm hỏa lực vào kho đạn pháo diễn ra liên tiếp trong thời gian qua.

Sự xuất hiện và hiệu quả của HIMARS được xem mang lại hy vọng cho Ukraine về viễn cảnh họ có thể sớm tiến hành phản công trước lực lượng Nga. Có lý do để Ukraine tin như vậy khi HIMARS có thể bắn 6 quả đạn dẫn đường chính xác cùng lúc rồi nhanh chóng rút đi. Tầm tấn công của HIMARS cũng có thể giúp hỏa lực thọc sâu về phía bên kia tiền tuyến. Nó được xem có thể là khắc tinh cho học thuyết pháo binh làm trung tâm mà Nga đã triển khai thành công trong vài tháng qua.

"Điều mà chúng ta có thể thấy là Ukraine đang lựa chọn các mục tiêu của Nga một cách có hệ thống rồi tấn công chính xác để làm giảm năng lực quân sự của Moscow", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định.

Ukraine phô diễn uy lực của pháo phản lực HIMARS

Tuy nhiên, một vấn đề lớn với Ukraine mà ngay chính phía Kiev cũng thừa nhận chính là họ chưa có đủ HIMARS để đưa vũ khí này lên phía trên tiền tuyến trong một cuộc phản công. Họ cũng chưa có đủ vũ khí tầm xa hơn để nhằm sâu hơn vào mục tiêu Nga ở bên kia chiến hào. Ví dụ, Ukraine đã đề nghị Mỹ chuyển cho họ tên lửa ATACMS tầm bắn 300km để dùng trên HIMARS, nhưng Washington đã tỏ ra không đồng ý. Mỹ vẫn đang duy trì thế cân bằng chiến lược và họ không muốn vũ khí cấp cho Ukraine tấn công vào mục tiêu trong lãnh thổ Nga - diễn biến có thể khiến xung đột lan rộng ngoài tầm kiểm soát.

Theo các chuyên gia, HIMARS đang có tác dụng "cầm chân" lực lượng Nga nhiều hơn là tạo ra thay đổi đáng kể.

"Ukraine chưa có đủ vũ khí (như HIMARS) để phản công hiệu quả. Những diễn biến vừa qua thực chất là HIMARS giúp Ukraine giảm bớt thiệt hại so với trước đó", chuyên gia Daria Kaleniuk nói với Foreign Policy.

Chuyên gia này cho rằng, điều Ukraine cần lúc này là phải nhanh chóng phản công trước khi mùa đông khắc nghiệt tới, vì theo xu hướng hiện tại, chiến sự kéo dài càng lâu, Kiev càng dễ bất lợi hơn trước Nga.

Vấn đề nằm ở chỗ, Ukraine ước tính rằng họ cần 300 hệ thống rocket phóng loạt để thay đổi cuộc chơi trước Nga và giới quan sát nhận định, mục tiêu trên khó có thể đạt được.

Vì vậy, ngay cả khi HIMARS đang gây ra một số thiệt hại nhất định cho Nga, các chuyên gia tin rằng vũ khí này dường như chỉ đang kéo dài thêm thế bế tắc trên chiến trường.

Chuyên gia quân sự Rob Lee nói: "Bằng cách tấn công vào kho đạn của Nga, Ukraine có thể làm chậm đà tiến của đối thủ. Nhưng điều đó không có nghĩa là HIMARS sẽ giúp Ukraine có được khả năng giành lại lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát".

Theo Foreign Policy
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine