1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Mỹ: Việt Nam chống dịch thành công nhờ làm tốt những điều bình thường

(Dân trí) - Báo nước ngoài đã chỉ ra yếu tố then chốt giúp Việt Nam thành công trong việc chống dịch Covid-19, đó là làm tốt những điều bình thường.

Báo Mỹ: Việt Nam chống dịch thành công nhờ làm tốt những điều bình thường - 1

Tranh cổ động chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong bài viết được đăng tải hôm 5/5 trên trang tin Vox (Mỹ), cây bút Alex Ward liệt kê một số quốc gia được cho là đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam. Bài viết nhận định Việt Nam đã tránh được sự bùng phát của dịch dù nằm gần Trung Quốc và có nguồn lực tài chính hạn chế.

Theo bài viết, là quốc gia có thu nhập thấp, dân số đông và chung đường biên giới rộng lớn với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch, Việt Nam lẽ ra là nước bị tổn thương rất lớn trước virus corona.

“Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã hành động mạnh mẽ từ sớm, thậm chí cả trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng toàn cầu, và cho đến ngày hôm nay vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào vì dịch”, Vox đưa tin.

Bài viết chỉ ra 3 yếu tố giúp Việt Nam đạt được thành công trong cuộc chiến chống dịch, gồm: xét nghiệm nhiều, truy tìm tiếp xúc nhiều và cách ly nhiều.

Việt Nam bắt đầu triển khai xét nghiệm gần như ngay sau khi nước này ghi nhận 3 người từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về bị nhiễm bệnh hồi tháng 1. Từ đó đến nay, Việt Nam đã xét nghiệm cho gần 300.000 người.

Vox cho rằng con số xét nghiệm tại Việt Nam rất nhỏ so với hàng triệu trường hợp được xét nghiệm tại Mỹ. Tuy nhiên, đây lại là con số rất cao nếu tính trên số ca nhiễm bệnh.

Bài viết cũng điểm lại quy trình xét nghiệm của Việt Nam: Đầu tiên, xét nghiệm những người từng có lịch sử đi lại tới vùng dịch, sau đó xét nghiệm những người có tiếp xúc gần với những người này, cuối cùng xét nghiệm bất kỳ ai có triệu chứng giống nhiễm virus corona. Gần đây, chính phủ Việt Nam còn mở rộng xét nghiệm tại các “điểm nóng” và những khu vực có nguy cơ cao, như những khu chợ tại Hà Nội.

“Cách làm này hiệu quả vì một lý do chính, đó là việc tập trung nguồn lực xét nghiệm vào những người có liên quan tới các ca nhiễm và cách li những người có triệu chứng sẽ khoanh vùng ổ dịch một cách hiệu quả”, Vox bình luận.

Ngoài ra, bài viết cũng cho rằng Việt Nam có ít ca nhiễm nhờ sớm dừng các chuyến bay từ những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Những người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải trải qua quá trình kiểm tra nhiệt độ cơ thể và tự khai báo tình trạng sức khỏe. Nếu ai khai báo không trung thực hoặc không kiểm tra nhiệt độ, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Những ai bị ốm, dù được phát hiện tại sân bay hay bất kỳ nơi nào khác, đều được đưa vào cơ sở cách ly trong 14 ngày và không mất chi phí. Theo Vox, Việt Nam không cho phép tự cách ly tại nhà vì các nhà chức trách lo ngại người mang mầm bệnh có thể sẽ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.

Bài viết cũng chỉ ra rằng, thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch nhờ vào việc người dân tiếp nhận và tuân thủ các khuyến cáo của giới chức y tế. Nhiều người tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Điều này càng giúp cho việc chống dịch trên diện rộng trở nên dễ dàng hơn.

Từ tuần này, học sinh sinh viên tại Việt Nam được quay trở lại lớp học, trong khi nền kinh tế cũng đang trên đà mở cửa lại hoàn toàn. Theo Vox, điều này cho thấy cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam đã thành công như thế nào.

“Việt Nam không cần sử dụng công nghệ cao siêu hay các phương pháp mới. Họ chỉ đơn giản là làm những điều bình thường một cách phi thường”, Vox kết luận.

Việt Nam là hình mẫu trong chống dịch Covid-19

Trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 30/3 đã đăng tải bài viết của tác giả Sean Fleming với tiêu đề “Việt Nam cho thấy cách kiểm soát Covid-19 với nguồn lực hạn chế”.

Theo tác giả bài viết, “những nỗ lực chủ động của Việt Nam” trong việc phòng chống dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đã có sự “cải thiện đáng kể” sau 2 thập niên.

Trong một bài viết với tiêu đề “Việt Nam đã chiến thắng trong “cuộc chiến” chống virus corona như thế nào” của hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW), người viết cũng tìm câu trả lời cho câu hỏi: Là một quốc gia đông dân cạnh Trung Quốc, Việt Nam có hệ thống chăm sóc y tế và nguồn lực tài chính hạn chế trong việc đối phó với virus corona. Vậy bằng cách nào, Việt Nam có thể giữ tỷ lệ mắc Covid-19 thấp như vậy?

Theo bài viết, ngay từ đầu, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và tiến hành theo dõi toàn bộ những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus. Bất kỳ ai từ vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao tới Việt Nam đều bị cách ly 14 ngày. Tất cả các trường phổ thông và đại học đều phải đóng cửa từ đầu tháng 2.

Bài viết trên tạp chí Financial Times (Anh) cũng nhận định “Việt Nam đã chứng tỏ họ là một hình mẫu trong việc kiểm soát dịch bệnh tại một đất nước với nguồn lực hạn chế nhưng có sự lãnh đạo kiên quyết”.

“Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 phụ thuộc một phần vào việc huy động lực lượng quân đội, y tế, giám sát và mạng lưới cung cấp thông tin quốc gia. Truyền thông Việt Nam liên tục phát đi thông điệp, các nhà chức trách minh bạch về dịch bệnh. Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn về các thông tin liên quan tới virus corona và các hướng dẫn giữ gìn sức khỏe”, bài viết cho biết thêm.

“Nỗ lực của chính phủ để chiến đấu với Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của người dân, thể hiện qua các bài viết trên mạng xã hội nhằm cổ vũ các nhân viên y tế, hay chia sẻ thông điệp tuyên truyền: “Ở nhà là yêu nước””, Financial Times viết.

Thành Đạt

Theo Vox