1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Australia, Nga lý giải kết quả chống dịch “phi thường” của Việt Nam

(Dân trí) - Các hãng truyền thông của Nga và Australia đã đồng loạt đăng tải các bài viết để “giải mã” sự thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Báo Australia, Nga lý giải kết quả chống dịch “phi thường” của Việt Nam - 1

Áp phích tuyên truyền chống dịch Covid-19 trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: REUTERS/Kham)

Hãng tin Sputnik (Nga) hôm nay 29/4 đã đăng bài viết với tiêu đề: “Không có ca tử vong: Điều gì phía sau thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với virus corona”.

Bài viết dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khi dịch Covid-19 tiếp tục khiến nhiều người tử vong tại nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia tại Đông Nam Á không ghi nhận ca tử vong nào liên quan tới Covid-19.

Theo bài viết, ngay từ khi chỉ mới ghi nhận 6 ca nhiễm virus corona chủng mới, Việt Nam đã ra thông báo về dịch Covid-19 vào cuối tháng 1.

Sau đó, Việt Nam đã thực hiện cách ly xã hội trên cả nước, dừng mọi chuyến bay và chuyến tàu tới nước láng giềng Trung Quốc, đồng thời đóng cửa các trường phổ thông và đại học.

Người dân Việt Nam được khuyến cáo cài ứng dụng đặc biệt trên điện thoại di động để theo dõi tình hình dịch Covid-19. Hãng tin Nga cho rằng đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm đối phó với dịch bệnh.

Tới cuối tháng 3, khi số ca nhiễm tại Việt Nam tăng lên hơn 100 người, Việt Nam đã ngay lập tức dừng cấp thị thực cho toàn bộ người nước ngoài vào Việt Nam, ngoại trừ các nhà ngoại giao hoặc một số trường hợp đặc biệt.

Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu đóng cửa các quán cafe, quán bar, rạp chiếu phim, quán karaoke và mát xa trên khắp cả nước. Ngoài ra, việc tụ tập quá 20 người cũng bị cấm để tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Hoạt động giao thông trong khu vực đô thị cũng được hạn chế xuống mức thấp nhất. Các khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt bởi Covid-19 bị cách ly hoàn toàn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mua ít nhất 200.000 bộ xét nghiệm Covid-19 từ Hàn Quốc.

Từ ngày 1/4, tại Việt Nam, người dân chỉ được rời khỏi nhà trong một số trường hợp như mua thực phẩm hay tới hiệu thuốc. Quân đội và các đơn vị y tế lưu động cũng được triển khai để chống dịch Covid-19.

Nhờ các biện pháp phòng dịch quyết liệt, tính đến chiều 29/4, Việt Nam đã trải qua hơn 13 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, 219/270 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Pyotr Tsvetov, phó giáo sư tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng không có lý do gì để nghi ngờ con số thống kê chính thức liên quan tới tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Theo ông Tsvetov, Việt Nam có truyền thống quản lý hành chính từ trên xuống dưới và có khả năng huy động toàn bộ người dân.

“Việt Nam đã chiến đấu với virus corona một cách rất nghiêm túc, thực hiện chủ trương “Chống dịch như chống giặc””, ông Tsvetov nhấn mạnh.

Chuyên gia Nga cũng đề cập tới kinh nghiệm trước đây của Việt Nam trong việc đối phó với dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp) hồi năm 2003, khi Việt Nam “cho thấy khả năng kiểm soát sự lây nhiễm” của dịch bệnh.

Anastasia, một người sống tại TP HCM, cho rằng chìa khóa dẫn tới sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 là thái độ của người dân đối với việc phòng chống dịch bệnh cũng như sự ứng phó nhanh chóng của chính phủ.

“Người dân tự nguyện tuân thủ theo các quy định. Mọi người đều ở nhà trong thời gian cách ly xã hội”, Anastasia cho biết.

Kết quả phi thường của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch

Trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam không có ca nhiễm mới trong 12 ngày. Tại sao?" được đăng trên báo Sydney Morning Herald (Australia) ngày 29/4, cây bút James Massola cho biết Việt Nam không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào và chỉ có 270 ca nhiễm sau 4 tháng kể từ ngày ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Ngoài ra, Việt Nam cũng không ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong nhiều ngày liên tiếp.

Bài viết cho rằng đây là “kết quả phi thường” đối với một đất nước với gần 100 triệu dân và có đường biên giới chung rộng lớn với Trung Quốc như Việt Nam.

“Một số quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore và Malaysia cũng đạt được thành công ban đầu tương tự Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch, nhưng họ đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Trong khi đó, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp đáng kể”, bài viết cho biết thêm.

Thậm chí, bài viết cũng so sánh kết quả của Việt Nam với New Zealand - nước tuyên bố đã kiểm soát được dịch Covid-19 sau khi ghi nhận 19 ca tử vong và 1.126 ca nhiễm.

Theo bài viết, ngoài việc triển khai các quy định chặt chẽ như dừng các sự kiện lễ hội, tôn giáo, thể thao, đồng thời đóng cửa hàng loạt hoạt động giải trí, Việt Nam đã tiến hành 133.000 xét nghiệm và là một trong những nước có số xét nghiệm cao nhất trong khu vực theo trang web theo dõi Covid-19 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ. 

Từ tháng 2, những người tới các sân bay tại Việt Nam đều phải kiểm tra nhiệt độ cơ thể và điền vào phiếu khai báo y tế.

Bên cạnh việc cấm tụ tập đông người nơi công cộng, tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài, Việt Nam cũng tiến hành cách ly trên quy mô lớn và theo dõi những người tiếp xúc với các ca bệnh.

Thành Đạt

Theo SMH, Sputnik