1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga cảnh báo NATO đùa với lửa khi "cởi trói" vũ khí cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Moscow cảnh báo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không nhận ra hậu quả của việc sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga.

Nga cảnh báo NATO đùa với lửa khi cởi trói vũ khí cho Ukraine - 1

Lính Nga khai hỏa vũ khí (Ảnh: Sputnik).

"Theo tổng thư ký NATO, việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa sẽ không khiến liên minh này bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Nga. Trong khi đó, ông Stoltenberg cho rằng mỗi quốc gia NATO sẽ tự mình cho phép sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine, nhưng không phải theo lệnh của liên minh. Những quyết định này rõ ràng là rủi ro, nhưng như ông Stoltenberg đã nói, không có cuộc chiến nào mà không có rủi ro", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ 4 hôm 20/9.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần này cho biết, mỗi quốc gia NATO có thể tự ra quyết định về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công tầm xa vào Nga hay không.

"Theo tôi, một tuyên bố như vậy có thể được đưa ra bởi một người hoàn toàn không khách quan, người chịu áp lực đến mức thốt ra bất kỳ điều vô nghĩa nào… Một tuyên bố như vậy chỉ có thể được đưa ra bởi một người thực sự không nhận ra hậu quả của những bước đi của mình và do đó, không có mối liên hệ nào với hành vi có trách nhiệm của tổ chức mà ông ấy đại diện", nhà ngoại giao Nga gửi thông điệp tới Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg.

"Khi rời khỏi NATO, ông ấy có thể nói bất kỳ điều vô nghĩa nào, ngay cả những điều khủng khiếp nhất, vì ông ấy sẽ không còn chịu trách nhiệm về lời nói của mình nữa", bà Zakharova nói thêm.

"Chúng tôi muốn một lần nữa kêu gọi những người có lập trường "diều hâu" ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, cả những người thực sự là "diều hâu" và những người bị họ kiểm soát. Họ đang đùa với lửa và đã hoàn toàn mất đi sự nhận thức thực tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Bà Zakharova đã nhắc lại và trích dẫn lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Đây là sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine và tất nhiên, điều này làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột. Điều đó có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các quốc gia châu Âu đang trực tiếp chiến tranh với Nga. Và nếu đúng như vậy, thì khi xem xét sự thay đổi trong bản chất của cuộc xung đột, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt".

"Cuộc xung đột ở Ukraine, được thúc đẩy thông qua các nỗ lực của phương Tây, có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến có quy mô hoàn toàn khác, với những hậu quả nguy hiểm cho toàn thế giới. Cả ông Stoltenberg và những người viết ra những tuyên bố như vậy cho ông ấy chắc chắn đều nhận thức được những hậu quả tiềm tàng", bà Zakharova cảnh báo.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 19/9, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết chính quyền Mỹ không tin rằng việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây chống lại Nga sẽ giúp Ukraine xoay chuyển tình hình chiến sự theo hướng có lợi cho Kiev.

Bà Singh nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ về vấn đề này "không thay đổi".

Theo quan chức Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói "rất rõ ràng" rằng, việc dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga sẽ không phải là "một giải pháp toàn diện".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhắc nhở Mỹ nên cân nhắc đến những cảnh báo của Moscow về nguy cơ leo thang cuộc xung đột ở Ukraine.

Thứ trưởng Ryabkov cho biết Moscow đã nắm được thông tin về quyết định tấn công sâu vào lãnh thổ Nga của phương Tây và sẽ gửi tín hiệu thích hợp tới Kiev. Theo ông, Nga sẽ đáp trả các cuộc tấn công một cách quyết đoán.

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo việc kêu gọi dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga có thể "mở đường cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới".

Phương Tây hiện vẫn chia rẽ về ý tưởng cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Các nước như Thụy Điển, Phần Lan, Canada phát tín hiệu sẵn sàng ủng hộ, trong khi đó, Đức tỏ ra thận trọng hơn. 

Theo Reuters, Tass